Một ngày làm việc của giáo viên Tiểu học quê tôi

19/06/2015 05:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Định mức dạy của giáo viên Tiểu học là 23 tiết chuẩn/ tuần nhưng các thầy cô Tiểu học đang bị vắt kiệt sức về rất nhiều công việc khác, ngoài giờ dạy của mình.

LTS: Năm học đã qua rồi, một năm với nhiều sóng gió đúng nghĩa với mọi cấp học, với cả thầy và trò.

Chắc hẳn có nhiều bạn đọc thắc mắc, một ngày làm việc của các thầy cô ở trường như thế nào?

Cô giáo Phan Tuyết đã giúp chúng ta giải đáp một phần câu hỏi này ở cấp Tiểu học, nơi cô đang sống và làm việc.

Rời nhà từ 6 giờ 30 phút, phần lớn giáo viên chỉ kịp mua ổ bánh mì tới trường ăn vội là vào dạy ngay. 

Cũng chỉ dạy hơn giáo viên Trung học cơ sở 6 tiết. Nhưng nếu như giáo viên cấp 2, được bố trí giảng dạy vào một buổi, buổi còn lại ở nhà soạn bài thì giáo viên Tiểu học đang phải đi dạy đến 9 buổi trong tuần, và sáng thứ bảy hàng tuần, dành cho sinh hoạt chuyên môn hay họp Hội đồng. 

Ảnh minh họa của Báo Đà Nẵng
Ảnh minh họa của Báo Đà Nẵng

Với lý do, học sinh Tiểu học nhỏ, thầy cô giáo chủ nhiệm phải thường xuyên bám lớp, nên các trường, giáo viên được phân công giảng dạy rải đều vào các ngày trong tuần.  

Thời khóa biểu được phân toàn “lủng lổ”, đó là cách nói mọi người thường dùng để ám chỉ việc dạy tiết 1, tiết 2 nghỉ, dạy tiết 3, tiết 4 nghỉ, có người dạy tiết 1 và tiết 4 nhưng do nhà ở xa, nên ngồi chơi luôn 2 tiết rồi dạy tiếp, cũng có khi chạy gần chục cây số để lên trường chỉ dạy 1 tiết rồi về. 

Ngoài việc dạy dỗ, hồ sơ sổ sách cũng là một gánh nặng, nào giáo án, sổ báo giảng, sổ đồ dùng dạy học, sổ chủ nhiệm, dự giờ, phiếu liên lạc, sổ theo dõi học sinh, số kế hoạch tổng hợp, sổ chuyên đề, số kế hoạch bồi dưỡng học sinh nổi trội, phụ đạo học sinh chậm tiến…

Suốt ngày ở trên trường, tối về “ôm” đống hồ sơ sổ sách đến nữa đêm. Chưa nói đến việc phải gồng mình chạy theo biết bao cuộc thi hàng năm các trường thường tổ chức. 

Rồi làm đồ dùng dạy học, để phục vụ cho việc dạy theo chương trình 12, chương trình VNEN…Có thể nói, hầu như đêm nào, các thầy cô giáo đều phải thức khuya để hoàn thành sản phẩm cho ngày mai kịp dạy.
 
Dạy theo phương pháp dạy học mới, mà không có đồ dùng học tập, xem như tiết học không thành công. Chỉ tính việc trang trí lớp học theo hướng thân thiện, đã lấy không ít thời gian và công sức của giáo viên. 

Một ngày làm việc của giáo viên Tiểu học quê tôi ảnh 2

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận giáo viên tiểu học chịu nhiều áp lực

(GDVN) - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, sĩ số quá đông 45 - 50 học sinh/lớp, ở thành phố thậm chí 60 học sinh/lớp đã gây khó khăn cho giáo viên đánh giá học sinh.

Ít phải chuẩn bị đồ dùng dạy học hơn, nhưng trường học theo chương trình Seqap, giáo viên phải tổ chức ăn trưa cho học sinh vùng khó. 

Cực nhất là những giáo viên phụ trách lớp một, để các em ăn hết khẩu phần của mình, các cô vừa dỗ, vừa đút cho những em lười ăn.

Rồi lau phòng, dọn dẹp, kiêm cả việc quản lý các em nghỉ trưa, tránh xảy ra sơ xuất. 

Sau một ngày trên trường, chiều về, dành cho gia đình ít thời gian, lại hối hả các công việc quen thuộc để chuẩn bị cho một ngày dạy mới. Những ngày nghỉ, thậm chí là ngày lễ, tết, mọi người đi chơi bên gia đình, bè bạn. 

Giáo viên Tiểu học lại miệt mài với đống hồ sơ sổ sách, những bài giảng, những đồ dùng học tập mới…Có lẽ khổ nhất vẫn là việc, ai đó không biết “nói không với bệnh tật”.

Nếu bệnh phải nằm viện mới có chế độ, nhưng bệnh ở nhà vài ngày mà không muốn làm phiền đồng nghiệp thì phải cắt lương.

Bỏ qua mọi vất vả, khó khăn, giáo viên Tiểu học vẫn luôn trụ vững với nghề, bởi các thầy cô luôn có được tình yêu thương vô bờ, đầy vô tư, trong sáng của các em học sinh dành cho mình. Thứ tình cảm quý giá này, có tiền cũng không bao giờ mua được.

Phan Tuyết