Một số phụ huynh đang ỷ lại quá nhiều cho nhà trường

20/01/2019 07:45
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Mỗi lần, khi có học sinh bỏ học là thầy, cô giáo chủ nhiệm phải năm lần, bảy lượt đến nhà động viên, thuyết phục phụ huynh để học trò của mình trở lại trường.

Nơi chúng tôi đang công tác là một xã nghèo nên học sinh trong trường có những em có hoàn cảnh khá khó khăn về kinh tế nên tỉ lệ bỏ học thường rất cao.

Chính vì lẽ đó mà từ nhiều năm nay, hàng tháng thầy cô luôn trích lại một phần lương của mình để góp vào quỹ khuyến học của đơn vị nhằm giúp đỡ các em học sinh nghèo vơi bớt đi những khó khăn để đến trường.

Nhiều em khi nhận được những món quà hỗ trợ của thầy cô thì rất trân quý và nỗ lực vươn lên phấn đấu học tập. Tuy nhiên, cũng có những học sinh, những phụ huynh xem đó là điều đương nhiên thầy cô phải làm, phải hỗ trợ cho học trò.

Một số phụ huynh chưa chú trọng việc học của con em mình ( Ảnh minh họa: baoquangngai.vn)
Một số phụ huynh chưa chú trọng việc học của con em mình ( Ảnh minh họa: baoquangngai.vn)

Thực tế, phần lớn cuộc sống giáo viên trường chúng tôi cũng chẳng dư dả gì, trong trường cũng có những thầy cô còn khó khăn vô cùng.

Nhiều thầy cô giáo trẻ đang phải thuê nhà hàng tháng để ở. Nhưng đối với học trò thì thầy cô luôn hết lòng giúp đỡ các em những gì có thể.

Mỗi năm, ngoài việc hàng tháng trích lại một phần lương để góp vào quỹ khuyến học của nhà trường thì các thầy cô cũng luôn hỗ trợ các em học sinh khi gặp hoạn nạn, khi bước vào đầu năm học mới và vào dịp Tết Nguyên đán.

Của ít, lòng nhiều và đó đã là truyền thống lâu nay của nhà trường.

Những em có sổ hộ nghèo, nhà trường hỗ trợ sách vở, quần áo đồng phục, xe đạp, giày dép. Những em thật sự khó khăn, mỗi tháng còn được hỗ trợ thêm tiền và gạo.

Tất cả cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là san sẻ với những khó khăn của học trò và nhằm duy trì sĩ số học tập của nhà trường hàng năm.

Tuy nhiên, có lẽ cũng vì khó khăn quá mà hàng năm tỉ lệ học sinh bỏ học của nhà trường thường rất cao. Đây cũng là điều trăn trở của các thầy cô trong Ban Giám hiệu và tập thể sư phạm nhà trường.

Mỗi lần, khi có học sinh bỏ học là thầy cô giáo chủ nhiệm phải năm lần, bảy lượt đến nhà động viên, thuyết phục phụ huynh để học trò của mình trở lại trường.

Một số phụ huynh đang ỷ lại quá nhiều cho nhà trường ảnh 2Những thầy cô gieo con chữ trên cao nguyên đá

Tuy nhiên, có một số phụ huynh dù được nhà trường đã hỗ trợ tối đa những gì có thể trong tầm tay của người thầy nhưng hình như họ vẫn chưa bằng lòng.

Có lần, chúng tôi đến nhà một học sinh của mình để vận động em học trò này trở lại lớp thì phụ huynh một mực không cho đi học lại.

Mẹ em học sinh này nói: "Bây giờ các thầy phải cho con tôi tiền ăn sáng nữa thì tôi mới cho nó đi học. Chứ sáng nó không có gì ăn thì làm sao mà đi học nổi?"

Mặc dù chúng tôi ra sức thuyết phục là những gì có thể giúp được như sách vở, quần áo, giày dép, xe đạp thì thầy cô cũng đã trích từ quỹ khuyến học hỗ trợ rồi.

Việc ăn uống thì gia đình phải cố gắng tự lo chứ trường còn nhiều em khó khăn cũng đang cần giúp đỡ. Thầy cô cũng chỉ có thể hỗ trợ phần nào thôi chứ làm sao lo được cả chuyên ăn uống cho học trò?

Điều mà chúng tôi buồn nhất là đã nhiều lần đến nhà vận động học trò trở lại lớp thấy cha mẹ học sinh này tụ tập nhậu nhẹt, bài bạc ở nhà nhưng lại cứ yêu cầu thầy cô phải hỗ trợ con mình.

Chúng tôi có một người bạn hiện đang làm Hiệu trưởng một trường phổ thông ở An Giang đã chia sẻ với về công tác hỗ trợ học trò như sau:

"Trường tôi có một số em rất nghèo nên hàng tháng nhà trường vận động giáo viên trong trường hỗ trợ cho em học sinh này 250.000 đồng, 15 kg gạo và em học sinh này đã nhận như vậy suốt gần 2 năm học vừa rồi.

Nhưng tuần vừa qua thì mẹ em học sinh này đem tiền và gạo của trường hỗ trợ tháng này vào để trả lại cho tôi.

Vị phụ huynh này nói: Nhà tôi xập xệ quá rồi, bây giờ nếu nhà trường hỗ trợ cất nhà thì tôi nhận chứ hỗ trợ gạo và tiền hàng tháng thì tôi không nhận".

Thầy Hiệu trưởng này còn chia sẻ thêm:

"Nói thật với anh chứ, ở trường chúng tôi có hàng trăm em học sinh nghèo, thầy cô hỗ trợ thì cũng chỉ phần nào thôi.

Những học sinh được hỗ trợ gạo và tiền hàng tháng là những em thật sự khó khăn, chứ các em khác chỉ là sách vở, quần áo thôi. Kinh phí nhà trường làm gì có khoản nào có thể chi hỗ trợ hàng tháng cho học trò.

Vì thế, kinh phí giúp học trò là tiền hàng tháng nhà trường vận động từ thầy cô mới có. Chuyện cất nhà cho phụ huynh đã vượt quá tầm của một trường loại II ở nông thôn chúng tôi, làm sao mà đáp ứng nổi với lời đề nghị vô lý này?".

Nghe anh bạn chia sẻ như vậy, thực sự chúng tôi rất cảm thông với những khó khăn của các nhà trường và các thầy cô giáo hiện nay. Vì ở đó, thầy cô chỉ có đồng lương giáo viên làm nguồn sống cho mình.

Một số phụ huynh đang ỷ lại quá nhiều cho nhà trường ảnh 3Giáo viên sợ học sinh bỏ học, chuyện có thật ở trường học

Khái niệm dạy thêm, làm thêm một việc gì đó là từ xa xỉ với giáo viên nơi đây.

Vậy nên, việc một số phụ huynh ra điều kiện yêu cầu thầy cô hỗ trợ nhà ở thì biết lấy tiền đâu mà cất?

Thương học trò thì thương thật nhưng phụ huynh đòi hỏi như vậy cũng là điều không nên chút nào.

Có lẽ, chuyện học hành của học trò trước hết phải là chuyện của mỗi gia đình, của bậc làm cha, làm mẹ.

Vẫn biết mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, có gia đình giàu, có gia đình nghèo. Nhưng, dù nghèo thì phụ huynh cũng đừng đòi hỏi quá nhiều từ các thầy cô giáo.

Bởi họ cũng có gia đình, đồng lương thì eo hẹp nên sự giúp đỡ học trò cũng chỉ là sự hỗ trợ những gì cơ bản cho việc học ở trường như sách vở, quần áo, cái xe đạp làm phương tiện đi lại là đã quý rồi.

Những chuyện còn lại, gia đình phải cáng đáng hoặc đề nghị với địa phương giúp đỡ bởi những trường học ở những vùng khó khăn hiện nay có vô số học sinh nghèo cần hỗ trợ.

Đừng để thầy cô giáo chủ nhiệm, nhà trường đi vận động học trò rơi vào thế kẹt. Nếu đề nghị thầy cô kèm cặp, giúp đỡ thêm để con em mình tiến bộ trong học tập thì thầy cô sẵn lòng.

Bởi tình thương, trách nhiệm của người thầy có lẽ không thiếu nhưng đề nghị tiền ăn, đề nghị cất nhà cho học trò, trong khi cha mẹ học trò khỏe mạnh bình thường e là quá sức của thầy cô giáo trong nhà trường.

Chỉ khi nào phụ huynh thực sự có trách nhiệm với con mình, với gia đình mình và xã hội thì việc học của những em học trò vùng khó khăn mới có thể duy trì.

Mình nhà trường và các thầy cô giáo rất khó làm được và tình trạng bỏ học cũng không thể hạn chế được.

NGUYỄN CAO