Mùa hè, mùa tai nạn của học trò?

24/05/2019 06:20
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Mùa hè, râm ran tiếng hát của ve, đừng để tiếng hát của ve thêm sầu; không gì hơn, mỗi người lớn, mỗi gia đình, có trách nhiệm bảo vệ học trò...

LTS: Những câu chuyện thương tâm về việc học sinh bị đuối nước  khiến chúng ta cần nhìn lại việc giáo dục những kĩ năng sinh tồn cho trẻ.

Thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ những suy nghĩ của mình về chủ đề này trong bài viết sau đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Mới đầu hè, thế nhưng hàng ngày chúng ta đã phải nghe tin học trò bị đuối nước. Học trò biết bơi cũng đuối nước; không biết bơi cũng bị đuối nước. 

Thật đau lòng, khi nhìn thấy thi thể ba nữ sinh ôm nhau! Nhiều người đã thốt lên “Phải chi đừng nghỉ hè, để học trò đến trường, thầy cô quản lý, đâu có những cái chết thương tâm kia”!

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày ở nước ta có 6 học sinh đuối nước, tức là cứ bốn giờ trôi qua, có một học sinh vĩnh viễn không đến trường! 

Thế nhưng, con số này vẫn được cho là chưa phản ánh đúng thực trạng; có nhiều trẻ em đuối nước vẫn chưa được thống kê, báo cáo vì nhiều lý do khác nhau.

Người ta kể câu chuyện hài hước “Có một vị học giả đi đò, hỏi người lái đò mấy câu thơ hay về sông nước, người lái đò không biết; vị học giả nói “thế thì anh đã mất nửa cuộc đời”; người lái đò hỏi học giả “Thế ngài có biết bơi không?”; học giả trả lời “không biết”; anh lái đò cười và nói “Thế thì ngài mất cả cuộc đời rồi”.

Việc cho trẻ học bơi là việc làm rất cần thiết. Ảnh: hanoimoi.com.vn
Việc cho trẻ học bơi là việc làm rất cần thiết. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Trong các loại kĩ năng cần có, kĩ năng sinh tồn là cái cần nhất cho mỗi người. Các nước tiên tiến trên thế giới đã giáo dục cho học sinh từ … nhà trẻ; còn ở nước ta, giáo dục kĩ năng sống nói chung, kĩ năng sinh tồn nói riêng còn nằm trên… lý thuyết; chưa trở thành nội dung bắt buộc trong chương trình, mạnh ai nấy làm, chủ yếu là “xã hội hóa”. Chất lượng của các chương trình “dạy kĩ năng” xã hội hóa chỉ có “trời” mới biết. 

Có những vụ đuối nước “lãng nhách”, học sinh đi trên bờ hồ, trượt chân, bạn cầm tay kéo lên, cả hai rơi xuống hồ, đuối nước. 

Người viết từng chứng kiến, mẹ ôm thi thể con khóc, đánh vào mông “Sao con dại thế, không biết bơi mà còn làm…”. 

Chia ly âm, dương đẫm nước mắt, chia ly đuối nước của học trò càng bi ai hơn. Những đứa trẻ phơi phới tương lai kia, sao vội vã ra đi đến thế?

Làm sao để khỏi bị đuối nước? 

Gia đình nên chủ động cho con cái học bơi, học kĩ năng sinh tồn ở các trung tâm uy tín.

Học trò không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.

Mùa hè, mùa tai nạn của học trò? ảnh 2Học kỳ quân đội và mong muốn của thầy Bùi Nam về thời gian nghỉ hè

Chỉ tắm ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ; tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi; tắm biển nơi có sóng “bạc đầu”, nơi được phép tắm.

Khi đi tắm biển hay sông, hồ, chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển. Nếu biết bơi, bị đuối nước, cần bình tĩnh, ra hiệu cần cứu giúp. 

Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy: như mặc áo phao khi đi đò, không đi đò khi thấy có dấu hiệu quá tải v.v...

Khi phát hiện thấy người bị rơi, ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ càng sớm càng tốt. Cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt… 

Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. 

Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối, bản thân mình cũng có thể bị đuối nước, làm hậu quả nghiêm trọng thêm.

Về mặt nhà nước, cần xử lý trách nhiệm các chủ công trình, bãi tắm, hồ bơi, hồ sâu không đảm bảo an toàn; không có biển cảnh báo nguy hiểm, không rào chắn. 

Về lâu dài, ngành giáo dục cần đưa bộ môn bơi vào giáo dục bắt buộc. Cần tăng cường giáo dục kĩ năng phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho học sinh trước khi nghỉ hè.

Ngoài đuối nước, biết bao tai nạn khác đang chực chờ học trò. Dẫu vậy, xin đừng nhốt chúng trong các lò “luyện hè”; hãy thả chúng về với tiếng ve, cho chúng một mùa hè ký ức tuổi thơ bằng tình yêu của gia đình, bạn bè, xã hội. 

Mùa hè, râm ran tiếng hát của ve, đừng để tiếng hát của ve thêm sầu; không gì hơn, mỗi người lớn, mỗi gia đình, có trách nhiệm bảo vệ học trò; tạo cho học trò có sân chơi lành mạnh, bổ ích; mỗi ngày hè là một ngày vui.

Tài liệu tham khảo: 

https://tuoitre.vn/thi-the-ba-em-hoc-sinh-nu-troi-dat-vao-bo-con-om-chat-nhau-20190521080945247.htm

https://baomoi.com/so-lieu-2-000-tre-em-bi-duoi-nuoc-mot-nam-chua-dung-thuc-te/c/28523182.epi

Sơn Quang Huyến