Mục tiêu chương trình vật lý cần điều chỉnh những gì?

14/02/2018 08:04
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo
(GDVN) - Phải chăng có kiến thức vật lí học sinh chỉ có thể “Tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí” như mục tiêu của chương trình môn Vật lí lần này đề ra?

LTS: Tiếp tục đưa ra ý kiến góp ý về chương trình môn Vật lí mới, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo (Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra một số kiến nghị thay đổi một số thuật ngữ trong dự thảo chương trình môn học này.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. 

Phải chăng có kiến thức vật lí học sinh chỉ có thể “Tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí” như mục tiêu của chương trình môn Vật lí lần này đề ra?

Chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu và phân tích:

Đối tượng nghiên cứu của khoa học vật lí và đối tượng nhận thức của kiến thức vật lí:

Chúng ta nhận thấy chúng không hoàn toàn giống nhau:

Đối tượng nghiên cứu của khoa học vật lí:

Chúng ta đừng nghĩ khoa học vật lí chỉ có đối tượng nghiên cứu là: “Các sự vật, hiện tượng, quá trình vật lí xảy ra trong tự nhiên” hay “thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí”.

Ngoài đối tượng trên khoa học vật lí còn nghiên cứu những đối tượng do mình chủ động tạo ra với mục đích phục vụ cho lợi ích của con người.

Có kiến thức vật lí học sinh sẽ hiểu biết được những gì? (Ảnh minh hoạ: caodangykhoa.vn)
Có kiến thức vật lí học sinh sẽ hiểu biết được những gì? (Ảnh minh hoạ: caodangykhoa.vn)

Nhiều phát minh vật lí quan trọng đã tạo ra những bước tiến cho nền văn minh nhân loại và làm thay đổi phương thức lao động sản xuất mà lịch sử phát triển của loài người đã ghi nhận là từ nghiên cứu những đối tượng như thế:

Ví dụ:

Phát minh ra Dòng điện không đổi mang đến “ánh sáng” cho nền văn minh nhân loại;

Nghiên cứu sự thay đổi trạng thái nhiệt của khối khí cô lập dẫn đến phát minh ra Động cơ nhiệt thay thế lao động tay chân bằng máy móc và mở ra thời kỳ văn minh của các phương tiện giao thông;

Nghiên cứu hiện tượng điện từ dẫn đến tạo ra dòng điện xoay chiều đã mở ra thời kỳ con người làm chủ các nguồn năng lượng, có thể sản xuất ra năng lượng điện để từ đó biến đổi thành các dạng năng lượng khác phục vụ đời sống và lao động sản xuất.

Mục tiêu chương trình vật lý cần điều chỉnh những gì? ảnh 2Chương trình Vật lý mới: Có chỗ cho ứng dụng kỹ thuật trong đời sống hay không?

Phát minh sóng điện từ mang đến nền văn minh của thông tin và truyền thông cho nhân loại mà chúng ta ngày nay đang được thụ hưởng. …

(Vì thế trong chương trình học vật lí ở các bậc học thì bên cạnh kiến thức về các loại sự vật, hiện tượng, quá trình vật lí trong tự nhiên luôn có các phần kiến thức khoa học vật lí tương ứng này được đề cập ở mức độ phù hợp với đối tượng người học).

Như vậy, đối tượng nghiên cứu của vật lí không chỉ là sự vật, hiện tượng tự nhiên dưới góc độ vật lí mà cả những đối tượng nghiên cứu khác mà khoa học vật lí chủ động tạo ra, chủ động tác động vào nó vì những mục đích mang lại lợi ích, tiến bộ cho con người.

Đối tượng nhận thức của kiến thức vật lí:

Ngoài có thể nhận thức được các đối tượng trên, khi có kiến thức vật lí ta còn có thể nhận thức được các đối tượng khác nữa.

- Đó là các phát minh kỹ thuật phục vụ đời sống và lao động sản xuất được chế tạo và phát minh dựa trên nền tảng kiến thức khoa học vật lí.

(Là lý do cần tích hợp việc tìm hiểu các ứng dụng kỹ thuật này vào các chương trình học vật lí).

- Đó là các sự vật, hiện tượng, quá trình thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên khác có bản chất liên quan đến vật lí, vì:

Vật lí nghiên cứu sự vận động của thế giới vật chất tồn tại ở cả ba thể rắn, lỏng, khí.

Nhưng “vận động” không phải chỉ là thuộc tính riêng chỉ của các sự vật, hiện tượng vật lí mà là tính chung của mọi vật chất, vì thế các đối tượng nghiên cứu của các khoa học khác cũng vận động theo những quy luật mà vật lí đã tìm ra.

Mục tiêu chương trình vật lý cần điều chỉnh những gì? ảnh 3Chương trình mới sao chép VNEN thì thà giữ chương trình cũ còn hơn

Vật lí mở ra bức màn bí mật của thế giới hạ nguyên tử, nghiên cứu thành phần cấu tạo, cấu trúc của nó, nguyên cứu sự vận động bên trong nguyên tử, bên trong hạt nhân và tương tác giữa các thành phần cấu tạo nên chúng.

Nhưng mọi sự vật hiện tượng dù thuộc lĩnh vực nghiên cứu của khoa học nào thì rốt cục cũng là vật chất và đều được cấu thành từ các nguyên tử.

Vì thế với những hiểu biết của vật lí về nguyên tử, hạt nhân mà khoa học vật lí mang lại có thể tìm giúp chúng ta đến được nguyên nhân sâu xa, bản chất nhất của tất cả sự vật, hiện tượng tự nhiên chứ không chỉ sự vật, hiện tượng vật lí.

(Đó là lý do vì sao cần tích hợp nhiều kiến thức vật lí vào các khoa học tự nhiên khác).

Như vậy, nếu có kiến thức vật lí con người có thể hiểu biết nhiều đối tượng nhận thức khác nhau:

- Các sự vật, hiện tượng, quá trình tự nhiên dưới góc độ vật lí

-  Những ứng dụng kỹ thuật được chế tạo và phát minh dựa trên nền tảng kiến thức khoa học vật lí đang mang lại những lợi ích lớn lao cho con người và sự phát triển nền văn minh nhân loại

- Các sự vật, hiện tượng, quá trình thuộc các lĩnh vực nghiên cứu của khoa học khác (hóa, sinh, địa lý tự nhiên) với sự hỗ trợ của kiến thức vật lí được hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn.

Đối tượng nhận thức mà chương trình môn học Vật lí mới ở lần này xác định:

(cũng là đối tượng nhận thức của người học khi học môn Vật lí):

Trong mệnh đề quan trọng nhất của mục tiêu và yêu cầu cần đạt đã chỉ rõ đối tượng nhận thức mà chương trình học lựa chọn: Tìm hiểu "thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí".

Và xưa nay theo các nội dung của các chương trình học đều cho một cách hiểu đó là Các sự vật, hiện tượng, quá trình vật lí xảy ra trong tự nhiên.

Mục tiêu chương trình vật lý cần điều chỉnh những gì? ảnh 4Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN?

Nếu so sánh với đối tượng nhận thức của kiến thức vật lí ta vừa phân tích và đưa ra ở trên thì rõ ràng mục tiêu nhận thức của môn học Vật lí mới chưa bao quát được tất cả những đối tượng nhận thức này, trong khi nó hoàn toàn có thể và cần phải đáp ứng nhu cầu nhận thức của người học về chúng.

Đó là điều vô cùng đáng tiếc cho học sinh và rất khó có thể chấp nhận nhìn từ góc độ giáo dục.

Đề xuất thay đổi

Trước tiên, cần phải thay đổi thuật ngữ mệnh đề diễn đạt mục tiêu của môn học Vật lí:

Nếu muốn môn học Vật lí bao quát được tất cả đối tượng nhận thức trên chúng ta cần thay mệnh đề:

"Tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lí" bằng mệnh đề:

"Tìm hiểu thực tại khách quan dưới góc độ vật lí"

Với diễn giải: "Thực tại khách quan dưới góc độ vật lí" được hiểu là bao gồm:

- Các sự vật, hiện tượng, quá trình vật lí xảy ra trong thế giới tự nhiên,

Và những gì đang tồn tại, xảy ra trong thực tiễn mà người học đang sống liên quan đến vật lí như:

o   Những ứng dụng kỹ thuật đang hiện hữu trong thực tiễn mà người học đang sống;

o   Các sự vật, hiện tượng, quá trình thực tiễn thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên khác cần đến kiến thức vật lí để hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn;

o   Các vấn đề xuất hiện từ thực tiễn cuộc sống cần đến kiến thức vật lí để giải quyết.

Thì mệnh đề mới chỉ mục tiêu này đã bao quát được tất cả các đối tượng nhận thức của kiến thức vật lí (như đã phân tích ở trên).

Nghĩa là, nhìn về hình thức, chỉ là sự thay đổi thuật ngữ dùng để diễn đạt mục tiêu.

Nhưng thực chất, chúng ta đã khởi nguồn cho một "cuộc cách mạng" về quan niệm học vật lí:

- Là chúng ta đã đem kiến thức vật lí đặt đối diện với thực tại khách quan mà người học đang sống (Real World);

- Là chúng ta hiểu tận gốc và bản chất khái niệm "tích hợp";

- Là chúng ta đang hiểu đúng vai trò của kiến thức vật lí đối với sự phát triển hiểu biết về thực tại khách quan của người học,

- Là chúng ta mang đến cho người học những giá trị đích thực mà họ muốn, họ cần và xã hội chờ đợi ở họ, những người lao động tương lai;

- Là chúng ta cho người học động lực để học thực sự, học đúng đắn để đạt tới những giá trị đó;

- Là chúng ta chủ động nghênh đón trào lưu đổi mới giáo dục (học để hiểu và làm chủ thế giới mà người học đang sống – Real World)

- Là chúng ta mở rộng cửa cho các phương pháp, chiến lược học tích cực vốn đã du nhập từ lâu và ngày càng nhiều vào Việt Nam nhưng chưa tìm được đất sống để nhân rộng và để phát triển:

o   Tích hợp các khoa học: Chiến lược Học theo dự án, giải quyết vấn đề thực tiễn,

o   Tích hợp khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học: STEM,

o   ….

Sự thay đổi này tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi cách tiếp cận (học) kiến thức vật lí mà chúng ta sẽ đề cập đến sau.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thảo