Mục tiêu môn Lịch sử tốt nhưng khó áp dụng trong thực tế

31/01/2018 07:08
Ngọc Bích (thực hiện)
(GDVN) - Hiện nay, số lượng giáo viên sẵn sàng và quyết tâm đổi mới chưa cao, nhất là thay đổi nguyên lý giáo dục từ truyền thụ sang định hướng và hướng dẫn học sinh.

“Với cá nhân tôi, nếu áp dụng vào thực tế rất tốt cho sự phát triển của học sinh. Song rất khó đạt được trên thực tế.

Vì hiện nay số lượng giáo viên sẵn sàng đổi mới và quyết tâm đổi mới chưa cao, nhất là thay đổi nguyên lý giáo dục từ truyền thụ sang định hướng và hướng dẫn học sinh”.

Đây là quan điểm của cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Trường trung học phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa Thành phố Hồ Chí Minh.

Để có cái nhìn đa chiều hơn về sự đổi mới đối với chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có trao đổi với cô giáo Huyền Thảo.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo.

Phóng viên: Bộ Giáo dục vừa công bố dự thảo chương trình các môn học, trong đó các môn học được tập trung xây dựng làm sao để phát triển tư duy, năng lực người học, giúp học sinh chủ động, sáng tạo, người thầy cũng cần đổi mới cách dạy để đáp ứng được với yêu cầu mới.

Cô cảm nhận những đổi mới này theo cách hiểu của cô như thế nào và thực tế có như mục tiêu mà chương trình môn học đề ra hay không?

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo: Với tôi, đổi mới này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay của nước ta trong bối cảnh tác động của xu thế toàn cầu hóa.

Nhìn trong khu vực Đông Nam Á, vấn đề đổi mới giáo dục theo hướng phát huy năng lực, phát triển tư duy và người học chủ động sáng tạo đã hiện diện ở một số nước như Singapore, Indonesia hay Philippines.

Việt Nam đã đến lúc phải thay đổi và đổi mới để đào tạo những công dân có thể tham gia vào các hoạt động của xu thế khu vực hóa cũng như toàn cầu hóa.

Mục tiêu môn Lịch sử tốt nhưng khó áp dụng trong thực tế ảnh 2Hãy để môn Sử đứng độc lập

Mục tiêu đổi mới giáo dục phù hợp và đúng với thực tiễn của nước ta, khi chúng ta đã gia nhập và hội nhập thế giới.

Đọc qua Dự Thảo chương trình Tổng thể, nội dung và chương trình đã hướng đến theo việc dạy học phát huy năng lực.

Năng lực và phát triển tư duy được thực hiện khi chương trình, nội dung và phương pháp dạy có tính học mở, và chương trình Tổng thể đã theo hướng mở với việc giao lại cho giáo viên chủ động lựa chọn phương pháp, cách thức và trường học được tự chủ trong việc chọn nội dung.

Với tôi đây chính là cánh cửa để mở ra một thời kỳ mới của giáo dục Việt Nam.

Đối với môn Lịch sử, cấp tiểu học và trung học cơ sở đã được tích hợp và cấp trung học phổ thông là môn lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Trước hết xin hỏi cô, việc tích hợp như vậy có cần thiết và có khó khăn cho giáo viên dạy học hay không, học sinh có khó học hay không?

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo: Tích hợp ở bậc tiểu học, theo tôi nghĩ không khác so với trước đây. Về cơ bản có sự khác biệt là đưa các bài học đi vào “chuyên sâu” để tạo nên tính chất cốt lõi của môn học với bậc học này.

Theo tôi, sẽ không gây khó khăn, vì hầu hết giáo viên tiểu học hiện nay được đào tạo dạy nhiều môn và tích hợp trong chương trình đào tạo ở các trường đại học về cấp học này.

Với học sinh, học cách học này sẽ giúp các em có thêm kiến thức bổ trợ để nhận thấy được mối liên hệ giữa hai môn học. Theo chương trình, địa lý lãnh thổ gắn với tộc người và tác động đến văn hóa và kinh tế.

Bên cạnh đó, sẽ cung cấp cho các em kiến thức liên môn để giải thích, trả lời cho các vấn đề về sự khác biệt giữa các vùng miền.

Tuy nhiên, chương trình tập trung chủ yếu các khu vực lớn như Đồng Bằng Sông Hồng, Cửu Long hay những vùng trung tâm và trọng điểm. Nên giáo viên dạy sẽ phải tìm hiểu và giảng dạy thêm phần địa phương.

Về chuyên môn, chương trình môn Lịch sử trong chương trình mới sẽ chủ yếu đề cập đến góp phần hình thành các phẩm chất tốt đẹp (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm); các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo); mục tiêu thì rất tốt, nhưng áp dụng thực tế cô thấy có điều gì cần suy nghĩ?

Mục tiêu môn Lịch sử tốt nhưng khó áp dụng trong thực tế ảnh 3Toàn cảnh nội dung tích hợp Lịch sử và Địa Lý trong chương trình mới

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo: Đúng là chương trình mới đang hướng đến nền giáo dục mở, nhiều nội dung được bổ sung và hoàn thiện các phần đã thiếu trước đây và gần hơn với cuộc sống trong việc định hướng dạy học phát huy năng lực.

Trong đó, hoạt động trải nghiệm được đưa vào chương trình.

Có thể nói, về lý thuyết đã đáp ứng được việc học và thực hành của học sinh để rèn luyện và vận dụng kỹ năng mà môn học, chương trình đề cập đến.

Chương trình mở cho phép giáo viên có quyền chủ động và tự chủ trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy và thiết kế nội dung bài học.

Tuy nhiên, trên thực tế, thì các năng lực chung mà học sinh đạt được nó phụ thuộc và tài năng, năng lực và phương pháp sư phạm của giáo viên.

Vì muốn hình thành năng lực nào, thì giáo viên phải biết cách chỉ dẫn học sinh năng lực đó thông qua hoạt động và hướng dẫn học sinh vận dụng bằng việc thực hành và rèn luyện mỗi buổi lên lớp. Nên điều này tùy thuộc vào giáo viên, môi trường giáo dục (trường học, thành phố sinh sống).

Với cá nhân tôi, nếu áp dụng vào thực tế rất tốt cho sự phát triển của học sinh. Song rất khó đạt được trên thực tế. Vì hiện nay số lượng giáo viên sẵn sàng đổi mới và quyết tâm đổi mới chưa cao, nhất là thay đổi nguyên lý giáo dục từ truyền thụ sang định hướng và hướng dẫn học sinh.

Trong chương trình Lịch sử trung học phổ thông, điểm mới so với chương trình hiện hành là trục phát triển chính của Chương trình môn Lịch sử là hệ thống các chủ đề và chuyên đề về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, nhằm mục tiêu nâng cao và mở rộng kiến thức thông sử mà học sinh đã được học ở cấp trung học cơ sở.

Mục tiêu môn Lịch sử tốt nhưng khó áp dụng trong thực tế ảnh 4Tích hợp môn Lịch sử, cuộc “cưỡng hôn kì lạ”

Quan điểm của cô về điểm mới này như thế nào?

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo: Đây là điểm mới đáng ghi nhận từ ban soạn thảo chương trình. Với mục tiêu hướng đến định hướng nghề nghiệp và bước đầu định hình cho học sinh bậc trung học phổ thông về Khoa học Lịch sử là gì? Phương pháp và cách tiếp cận với các vấn đề của khoa học là gì?

Tính mở và hướng đến việc định hình “học thuật” cho học sinh, bổ khuyết những phần còn khuyết của chương trình trung học phổ thông như: các phần về di sản, văn hóa tộc người, tín ngưỡng, biển đảo, lịch sử kinh tế, nhà nước và pháp luật và các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc ở Lịch sử Việt Nam, chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế hiện nay.

Qua các chuyên đề học sinh có thể thấy được bức tranh về lịch sử ở các lĩnh vực và có mối liên hệ đến nghề nghiệp trong tương lai cũng như kiến thức lịch sử có mối liên hệ với các lĩnh vực khác như thế nào?

Điều này, giúp cho người học thấy được mối quan hệ của môn Lịch sử với các môn học khác và khoa học lịch sử có mối quan hệ với các ngành khoa học khác và lịch sử được xem như một trục rất quan trọng trong sự kết nối, đồng nghĩa với lịch sử có vị trí mới.

Tuy nhiên, những tín hiệu lạc quan về chương trình và nội dung, nhưng vấn đề là làm sao truyền tải được tinh thần và vị trí mới của lịch sử đối với người học.

Tôi vẫn băn khoăn về vấn đề người thầy và cũng đặt ra trách nhiệm, vai trò của người giáo viên Lịch sử trong giai đoạn mới.

Xin cm ơn cô Huyền Thảo!

Ngọc Bích (thực hiện)