Năm nay sẽ không còn hiện tượng 30 điểm trượt đại học

12/06/2018 06:28
Thùy Linh
(GDVN) - Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp một số vấn đề của đại biểu liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 24/6 đến ngày 27/6/2018 tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; mỗi tỉnh có một cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chủ trì, phối hợp với các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng (do Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động). 

Sau khi có kết quả của Kỳ thi, các trường đại học và trường cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên thực hiện công tác tuyển sinh đến hết tháng 12/2018.

Liên quan đến kỳ thi quốc gia, ngày 6/6, tại phiên trả lời chất vấn kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi tới Tổng tư lệnh ngành giáo dục rằng: 

“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã thành công và giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh, tuy nhiên mức độ phân hóa chưa được tốt, có rất nhiều học sinh vẫn đạt điểm tuyệt đối. Vậy giải pháp sắp tới như thế nào?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận: “Năm vừa rồi mức độ phân hóa đề thi chưa cao là đúng, vì năm đầu tiên thực hiện đổi mới phương thức thi trắc nghiệm. 

Do vậy, thứ nhất về mặt kinh nghiệm để xây dựng các câu hỏi chuẩn hóa và khi xây dựng các bài thi chuẩn hóa thì độ phân hóa của các câu hỏi, bài thi cũng ở mức độ chưa được như mong muốn. 

Khắc phục điều này, năm 2018 chúng tôi có chỉ đạo nhóm tác giả và các giáo viên xây dựng đề thi khắc phục để làm sao các câu hỏi chuẩn xác, bám sát vào nội dung của lớp 12 và của lớp 11 để xây dựng bộ câu hỏi đánh giá kiến thức, năng lực của học sinh trên cơ sở phân hóa để chọn được những học sinh có học lực tốt hơn vào các trường đại học, cao đẳng. 

Chúng tôi khắc phục được một phần tính phân hóa trong các câu hỏi và các bài thi trắc nghiệm".

Trong khi đó, Đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng, kỳ thi quốc gia năm 2017 đã gây nhiều thắc mắc về việc Bộ dùng các câu hỏi trong đề thi chính thức của kỳ thi cho khoảng 20.000 học sinh lớp 12 thi thử.

“Cử tri cho rằng, Bộ đã vi phạm về bảo mật, bí mật nhà nước, không đảm bảo sự công bằng đối với các thí sinh không tham gia thi thử.

Xin Bộ trưởng cho biết việc làm này có vi phạm pháp luật không, hướng xử lý như thế nào?”, vị này đặt câu hỏi tới Bộ trưởng. 

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau (Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau (Ảnh: quochoi.vn)

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích: “Nếu theo phương thức ra đề tự luận, đúng là đề này do một nhóm người.

Nhưng đây là thi trắc nghiệm trên một diện rộng thì quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa rất công phu, thực hiện 9 bước và các quy trình rất nghiêm ngặt, phải có thử nghiệm. Khi xây dựng các câu hỏi chuẩn hóa lại sang bước thứ 2 là bài thi, khi chọn bài thi lại quay trở về phải làm nghiêm ngặt.

Chúng tôi đã tổ chức tạm gọi là một trại để các chuyên gia chọn câu hỏi chuẩn hóa để xây dựng các bài thi chuẩn hóa, bắt đầu làm việc từ đầu tuần vừa rồi.

Như vậy các bước đều thực hiện rất nghiêm ngặt, đúng quy trình quốc tế là theo quy trình xây dựng câu hỏi chuẩn hóa của các nước tiên tiến đang thực hiện".

Cũng liên quan tới vấn đề thi cử, Đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) gửi băn khoăn tới Bộ trưởng Nhạ rằng: 

“Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2 trong 1 vừa dùng để tuyển sinh đại học vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông đã được cử tri đồng thuận và đánh giá là tổ chức thi thành công. 

Tuy nhiên, có những học sinh đạt điểm tối đa là 30 điểm nhưng vẫn trượt đại học. Chúng ta cần phân biệt tổ chức thi thành công và tuyển sinh thành công.

Xin hỏi Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này, kỳ thi đó có được gọi là kỳ thi tuyển sinh thành công không?”. 

Đại biểu Quốc hội Hứa Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đặt vấn đề với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng, trong kỳ thi quốc gia 2017 có những học sinh đạt điểm tối đa là 30 điểm nhưng vẫn trượt đại học. Chúng ta cần phân biệt tổ chức thi thành công và tuyển sinh thành công... (Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Hứa Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đặt vấn đề với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng, trong kỳ thi quốc gia 2017 có những học sinh đạt điểm tối đa là 30 điểm nhưng vẫn trượt đại học. Chúng ta cần phân biệt tổ chức thi thành công và tuyển sinh thành công... (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Nhạ cho rằng: "Trong kỳ thi quốc gia năm 2017 phân phối chuẩn của bảng điểm thi đánh giá tương đối tốt. 

Có nghĩa là điểm trung bình rơi vào 5, 6. Còn vạch chuẩn bên trái là 3, 4 và vạch chuẩn bên phải là 8, 9, 10. 

Và số phần trăm của điểm 9, 10 cũng chỉ chiếm đến 3% tổng thể chứ không phải là nhiều. Số điểm 10 cũng chưa đến 1%. 

Tuy nhiên có một hiện tượng là 30 điểm vẫn trượt đại học, chủ yếu rơi vào ngành về công an, quân đội và nữ nhu cầu về học sinh vào công an, quân đội năm ngoái rất cao, điểm xét tuyển và tuyển chọn của ngành công an, quân đội cũng rất cao cho nên rơi vào số đó. 

Năm ngoái cũng có nguyên nhân nữa đó là điểm ưu tiên, ưu tiên về vùng miền vẫn rất cao, đó là 0,5. 

Để khắc phục việc này năm nay chúng tôi đã làm việc với Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan có liên quan để chuẩn chỉnh lại điểm ưu tiên, trong đó vẫn giữ nguyên những điểm ưu tiên về đối tượng chính sách dân tộc và con thương binh, liệt sỹ. 

Nhưng giữa vùng miền thì có giảm một nửa. Vì những năm gần đây sự phát triển của khu vực 1, khu vực 2 có sự cải thiện, không chênh như trước kia. 

Năm nay chúng tôi tính toán để làm sao không còn những hiện tượng không đáng có”.

Thùy Linh