Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường

14/07/2016 06:23
Trần Sơn
(GDVN) - Chất lượng của Ban giám hiệu là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường.

LTS: Tiếp tục bàn luận về bài viết “Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp” của mình, thầy giáo Trần Sơn gửi lời cảm ơn tới độc giả đặc biệt là các thầy cô đã cùng trao đổi thêm với thầy về chủ đề này. 

Sau loạt bài về chủ đề này đăng tải trên Báo điện tử giáo dục Việt Nam của một số thầy cô, hôm nay, thầy giáo Trần Sơn làm sáng tỏ thêm một vài vấn đề. 

Bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến của thầy. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Ngày 13/6, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cho đăng tải bài viết “Nhiều Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp mà chả xấu hổ” của tôi (Trần Sơn) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. 

Qua đó, tôi nhận ra rằng, ngoài những địa phương được nhắc tới trong bài báo của tôi, còn nhiều nơi khác trên cả nước cũng có thực trạng đáng buồn này.

Đặc biệt, sau bài báo này đã có một số thầy giáo, cô giáo (trong đó có cả một thầy giáo là Phó Hiệu trưởng của một trường THPT) viết bài trao đổi, thảo luận xung quanh chủ đề “Ban giám hiệu” đã được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. 

Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Thực tế, trong bài viết “Nhiều Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp mà chả xấu hổ” tôi mới đề cập 2 ý: 

Một là, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng được hưởng tiền phụ cấp ưu đãi đứng lớp thì phải dạy đủ số tiết theo quy định, đơn giản như làm được việc nào thì mới được nhận thù lao của việc đó. 

Nghĩa là có làm thì có hưởng không làm thì không hưởng. Như thế mới đảm bảo công bằng và sòng phẳng. 

Hai là, Ban giám hiệu là người lãnh đạo, người quản lý nhà  trường thì cần phải gương mẫu thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, của ngành, đừng có lạm quyền để trục lợi, đùn đẩy việc mình phải làm cho người khác, trong khi vẫn nhận tiền của công việc ấy. Như thế mới xứng đáng làm lãnh đạo.

Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường ảnh 2

Hiệu trưởng không đứng lớp mà nhận tiền phụ cấp là sai cả đạo lý lẫn pháp lý

(GDVN) - Theo tôi, ngành giáo dục sớm thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học qua thi tuyển như một số địa phương đang làm để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, các thầy cô đề cập về vấn đề này có nhiều trao đổi giúp “mở rộng, đào sâu” vấn đề tôi đã nêu ra trong bài báo. 

Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn các thầy, cô giáo đã viết bàì trao đổi, những độc giả đã đọc và có phản hồi về bài viết.

Sau đây, tôi xin được trao đổi thêm một số vấn đề qua các bài viết về chủ để này của các thầy cô đã được đăng tải trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Trong bài “Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ", thầy Đỗ Tấn Ngọc nhấn mạnh đến sự khó khăn, vất vả, bận rộn, phức tạp của người cán bộ quản lý trong nhà trường, một công việc vốn nhiều áp lực dạng “trên đe, dưới búa” và hay bị “soi xét”.

Vì thế, thầy lấy ví dụ một người bạn thầy vì không chịu được áp lực ấy đã xin nghỉ làm Phó Hiệu trưởng ở một trường phổ thông chỉ sau 2 năm nhậm chức.

Có phải vì cho rằng thầy Ngọc đang “kêu than” về công việc của Ban giám hiệu nên thầy Nguyễn Cao đã có bài “Nếu Ban giám hiệu thấy khó, thấy mệt thì làm đơn xin nghỉ để người khác đảm nhận”.

Tôi đồng tình với ý kiến này của thầy Nguyễn Cao, vì nếu cán bộ quản lý thấy không làm được thì xin nghỉ để người khác lên làm, còn đã làm thì phải chấp nhận tính chất của công việc.
 
Làm việc gì nó cũng có những điều kiện của nó, không được kêu ca. Khó thì mới có thêm phụ cấp lãnh đạo, nhiều việc khác thì số tiết dạy mới được giảm đi.

Trong bài viết của mình, thầy Đỗ Tấn Ngọc có viết: “Do không hiểu được tính chất công việc của Ban giám hiệu nhà trường nên một số giáo viên mới đòi hỏi lãnh đạo phải được kiểm tra hồ sơ, giáo án; phải thao giảng tiết này, tiết nọ”.

Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường ảnh 3

Giáo viên như thế, trách sao lãnh đạo hư

(GDVN) - Tính đa nghi, hay suy diễn lung tung trong một bộ phận thầy cô giáo về công tác bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo là có thật.

Theo tôi, giáo viên có quyền “đòi hỏi” như vậy, vì Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng cũng là giáo viên, cũng phải giảng dạy một số tiết nên việc họ phải được kiểm tra hồ sơ, giáo án là tất nhiên, không có ngoại lệ (tôi thấy đoàn kiểm tra của Phòng GD&ĐT, đoàn đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng giáo dục đến trường tôi kiểm tra cũng đều đã thực hiện việc này).

Còn việc phải thao giảng tiết này, tiết nọ thì không nhất thiết vì có thể Ban giám hiệu cùng xây dựng, thiết kế bài dạy, sau đó chọn một vài giáo viên xuất sắc, có chuyên môn sâu để thực hiện dạy mẫu. 

Tất nhiên, nếu Ban giám hiệu trực tiếp dạy mẫu thì còn gì hay hơn, đúng như ý kiến của cô Phan Tuyết trong bài “Nếu Ban giám hiệu nói được làm được thì giáo viên sẽ hết kêu ca”. 

Tuy vậy, công việc quản lý đòi hỏi Ban giám hiệu rất nhiều thời gian để họ làm tốt công tác của mình nên không có nhiều thời giờ để họ chuẩn bị bài dạy, và về phía học sinh cũng có khó khăn vì Ban giám hiệu không phải dạy lớp học sinh đó hàng ngày.

Trong bài “Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể!”, cô giáo Đỗ Quyên có yêu cầu:

Quản lý chặt chẽ việc giảng dạy đúng quy định của Ban giám hiệu các trường, hàng tháng, hàng quý chính họ phải có những tiết thao giảng mẫu để giáo viên toàn trường dự giờ học hỏi”. 

Quản lý chặt chẽ việc giảng dạy của Ban giám hiệu thì đúng là việc cần thiết phải làm để các quy định của ngành được thực thi một cách nghiêm túc, hiệu quả. 

Nhưng yêu cầu hàng quý, hàng tháng Ban giám hiệu phải thao giảng mẫu để giáo viên học hỏi thì e rằng ý kiến này hơi cực đoan vì quản lý có việc của quản lý, còn giáo viên có việc của giáo viên. 

Năng lực Ban giám hiệu quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường ảnh 4

“Chim khôn giấu mỏ, người khôn giấu lời"

(GDVN) - Không ít giáo viên đã bị “thân bại danh liệt” chỉ vì trót “vạ miệng” đó sao, mặc dù đó là những lời nói thật về Ban giám hiệu.

Về việc lựa chọn Ban giám hiệu, thầy Đỗ Tấn Ngọc có bài “Quyền lựa chọn lãnh đạo nằm trong “tay” nhưng sao giáo viên còn ca thán?”. 

Việc lấy phiếu thăm dò tín nhiệm trong tập thể cán bộ, giáo viên là một khâu bắt buộc trong quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, nhưng thực ra cán bộ, giáo viên đâu có quyền quyết định.

Ngay như Trưởng phòng GD&ĐT, theo quy định của Bộ GD&ĐT, thì được bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, thế mà ở nhiều tỉnh, thành phố, họ còn không được làm việc đó.

Thử hỏi cái “quyền” này trong “tay” giáo viên được bao nhiêu?

Trong bài “Giáo viên như thế, trách sao lãnh đạo hư” của thầy Đỗ Tấn Ngọc có nêu: “Tính đa nghi, hay suy diễn lung tung trong một bộ phận thầy cô giáo về công tác bổ nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo là có thật”. 

Tôi đồng ý với nhận định này của thầy Ngọc, vì gần như bất cứ trường nào có người được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý là nhiều giáo viên bàn tán nào là phải A, B, C, nào là vì “nọ kia” thì mới lên được lãnh đạo như thế. 

Tất nhiên, không loại trừ, trong thực tế cũng có thể có những trường hợp như vậy, nhưng không thể suy diễn, quy chụp theo lối “vơ đũa cả nắm” như thế được.

Tuy nhiên, đọc cái tiêu đề của bài viết “Giáo viên như thế, trách sao lãnh đạo hư”, tôi thấy “gợn gợn” vì nó dễ làm cho người ta hiểu rằng: “Giáo viên như thế nên làm hư lãnh đạo”. 

Nếu hiểu như vậy thì đây chẳng khác gì câu “biện minh” của lãnh đạo nhà trường trước giáo viên: “Lãnh đạo chúng tôi sai, chúng tôi hư đâu phải do chúng tôi mà chính là do các vị đấy nhé!

Vì vậy mà độc giả Ngọc Trang đã có phản hồi dưới bài viết của thầy Ngọc rằng: "Tiêu đề rất ngộ, nó khiến tôi liên tưởng đến câu "Cha mẹ như thế, trách sao con cái hư". Khập khiễng và không thực tế. Giáo viên không có quyền nhiều như vậy”.

Bài viết gần đây nhất về chủ đề “Ban giám hiệu” là bài “Hiệu trưởng không đứng lớp mà nhận tiền phụ cấp là sai cả đạo lý lẫn pháp lý” của thầy giáo Trần Vũ đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 8/7/2016. 

Bài viết này, thầy Vũ có đề xuất: “Ngành giáo dục sớm thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học qua thi tuyển như một số địa phương đang làm để nâng cao chất lượng giáo dục”.

Tôi rất ủng hộ với ý kiến này của thầy Vũ, đúng là chỉ có qua thi tuyển một cách nghiêm túc, công khai, khách quan thì mới chọn được cán bộ quản lý có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu để nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường hiện nay.

Ban giám hiệu có thể nói là như “đầu tàu” của mỗi nhà trường. Vì vậy chất lượng, năng lực của Ban giám hiệu đóng vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục mỗi nhà trường. 

Để làm được điều này, mỗi cán bộ quản lý cần phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của nhà trường.

Trần Sơn