Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên "hy sinh" ngay trên bục giảng?

30/01/2018 06:09
NHẬT KHOA
(GDVN) - Riêng trong lĩnh vực giáo dục, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nếu được thông qua thì sẽ là một “thảm họa” đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp.

LTS: Việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, thầy giáo Nhật Khoa cho rằng cần có chính sách đặc thù cho những ngành nghề đặc thù.

Đặc biệt, nghề giáo với lao động nghề nghiệp vất vả việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến nhiều giáo viên không thể trụ nổi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa chính thức đưa ra phương án sửa đổi quy định hiện hành về đề xuất cho nâng tuổi hưu cho người lao động bắt đầu từ năm 2021.

Theo đó, bản dự thảo trên đưa ra 2 phương án, trong đó có phương án 2 là tăng tuổi hưu theo đó tuổi nghỉ hưu của nam sẽ tăng dần đến đủ 62 tuổi, nữ tăng dần đến đủ 60 tuổi.

Riêng trong lĩnh vực giáo dục, đây là một đề xuất mà nếu được thông qua thì sẽ là một “thảm họa” đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Ảnh minh họa trên baobacgiang.com.vn
Ảnh minh họa trên baobacgiang.com.vn

Giáo viên nam đến 62 tuổi, nữ 60 tuổi còn sức khỏe tốt để giảng dạy không?

Câu trả lời chắc chắn là không. Có nhiều người không trực tiếp làm nhà giáo, không trực tiếp đứng lớp nên nghĩ rằng công việc giáo viên rất khỏe, chỉ đến lớp dạy học sinh rồi còn được nghỉ 2 tháng hè.

Nhưng chỉ có những giáo viên trực tiếp đứng lớp, trực tiếp đứng trên bục giảng làm về công tác chuyên môn là giảng dạy và giáo dục mới thấu hiểu rằng:

Nghề giáo là một nghề vô cùng vất vả, chịu rất nhiều áp lực về công việc, cuộc sống, phong trào.

Giáo viên đến lớp để dạy kiến thức thì phải dành thời gian nghiên cứu trau dồi kiến thức, chuyên môn, luyện tay nghề.

Bên cạnh đó, ngoài giờ dạy giáo viên phải chấm trả bài kiểm tra, soạn giáo án, tham gia vô số các phong trào, hội thi, viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, hội họp, chuyên đề, bồi dưỡng,…

Trong thời gian hè, giáo viên cũng không được nghỉ mà phải tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, trực hè, hội họp,…

Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên "hy sinh" ngay trên bục giảng? ảnh 2Chính sách đối với một số nhà giáo chuyển công tác

Không chỉ có thế giáo viên còn phải chịu áp lực về thành tích, thi đua, áp lực chất lượng về phía giáo viên và học sinh.

Và quan trọng nhất là giáo viên trực tiếp đứng lớp sắp về hưu hầu hết đều mắc bệnh nghề nghiệp như phổi (hít bụi phấn), viêm thanh quản, viêm họng (do nói quá nhiều), đau dạ dày, tiểu đường (ăn uống không điều độ), viêm khớp (đi lại nhiều), cao huyết áp, tim mạch (nóng giận khi xử lý học sinh vi phạm),… có nhiều trường hợp nặng hơn thì gây bệnh ung thư, tai biến,…

Có nhiều giáo viên đã mãi mãi ra đi khi mái đầu chưa bạc.

Do đó có thể nói giáo viên cống hiến tới khi về hưu như hiện nay là nữ đủ 55 tuổi, nam 60 tuổi là trung bình khoảng 35 năm cống hiến là đã quá sức chịu đựng của giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Tới đó, ngoài các nhà giáo làm nhiệm vụ nghiên cứu, các giáo viên trực tiếp đứng lớp chỉ mong muốn được về an hưởng tuổi già một vài năm cùng gia đình, con cháu,… đến khi nhắm mắt.

Phải thừa nhận dù đến tuổi nghỉ hưu hiện nay là nữ đủ 55 tuổi, nam 60 tuổi vẫn còn một số giáo viên còn rất khỏe mạnh, minh mẫn và còn có nhiều cống hiến, giúp ích cho xã hội.

Do đó theo những người trên nên có thể tiếp tục công tác, dưới dạng nghiên cứu khoa học, hay tiếp tục hợp đồng làm việc trong các cơ quan khi có yêu cầu (vừa nhận lương hưu, vừa công tác để nhận lương theo hợp đồng làm việc).

Sẽ có nhiều giáo viên chết trên bục giảng nếu tăng tuổi hưu?

Lý do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra phương án trên được giải thích là do tuổi thọ trung bình của Việt Nam đang tăng dần là nam 70,8 tuổi, nữ 76,1 tuổi, nên người hưởng lương hưu nhiều hơn sẽ lo sợ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.

Đây là tuổi thọ trung bình chung nhưng chưa có nghiên cứu cho từng loại đối tượng cụ thể.

Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên "hy sinh" ngay trên bục giảng? ảnh 3Tuổi về hưu - Giáo sư ở Cộng hòa Liên bang Đức nghỉ hưu thế nào?

Như đã nói ở trên, giáo viên trực tiếp đứng lớp và giảng dạy tuổi thọ trung bình theo tôi nghĩ sẽ thấp hơn nhiều so với con số trên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ dựa vào con số tuổi thọ trung bình để đề xuất tăng tuổi hưu là một đề xuất mang tính chất cảm tính chưa dựa vào khoa học, thực tế của Việt Nam.

Thật ra nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng tuổi thọ trung bình hiện tăng là do khoa học đã hiện đại hơn, con người sống nhờ thuốc là chủ yếu.

Đa số nam, nữ đến từ trên 55 tuổi hàng ngày phải dùng thuốc tim mạch, tiểu đường và huyết áp,… để duy trì cuộc sống, nên thật ra tuổi có tăng nhưng chất lượng cuộc sống đang suy giảm, thử hỏi những người như trên khi kéo dài thời gian làm việc thì có mang lại hiệu quả không?

Hay chỉ đến cơ quan để chờ lĩnh lương hàng tháng? Nó sẽ kéo theo bộ máy, trì trệ, ỳ ạch, thiếu sức sống và sự phát triển.

Có nhiều giáo viên vừa nghỉ hưu đã ra đi, hay chỉ nghỉ được một thời gian ngắn rồi cũng ra đi mãi mãi, nếu phương án tăng tuổi hưu được thông qua là nữ 60 tuổi (tăng thêm 5 năm), nam 62 tuổi (tăng thêm 2 năm) thì sẽ có nhiều giáo viên đang giảng dạy gục ngã ngay trên lớp.

Chúng tôi thường đùa nhau là sẽ có nhiều giáo viên được công nhận “liệt sĩ” vì đang làm nhiệm vụ giảng dạy mà “chết”.

Một vấn đề khác không kém quan trọng khác là, không biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có cùng Bộ Tài chính nghiên cứu thêm phương án nếu tăng tuổi hưu thì sẽ có hàng ngàn người tiếp tục hưởng lương ở mức rất cao (gần về hưu thì đương nhiên thời gian công tác dài, lương sẽ rất cao), hơn gấp ít nhất từ 3 - 5 lần người mới nhận việc.

Sức lao động suy giảm, hiệu quả thấp nhưng phải chi trả gấp 3 – 5 lần lương là bất hợp lý.

Nếu giả sử có 1000 người nghỉ hưu nếu chỉ cần nhận thêm 500 người, vừa giảm biên chế vừa giảm chi ngân sách, có thể giảm ngân sách chi một khoản đáng kể (có thể cao hơn khoản chi cho người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội), khoản đó nếu quỹ bảo hiểm xã hội thiếu có thể Bộ Tài chính cân đối chuyển sang một phần sẽ có lợi hơn nhiều so với tăng tuổi hưu.

Nếu được thông qua hàng ngàn cử nhân sư phạm thất nghiệp sẽ đi về đâu?

Đây có thể là đề xuất của ngành bảo hiểm xã hội khi mà nỗi lo vỡ quỹ xã hội là có thẻ xảy ra nếu chúng ta không có một giải pháp hiệu quả và kịp thời

Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên "hy sinh" ngay trên bục giảng? ảnh 4Đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu để đảm bảo an toàn cho quỹ hưu trí

Nhưng mấu chốt của vấn đề không phải vì vậy mà tăng tuổi hưu lên được, nếu tăng tuổi hưu chỉ có thể tăng cho những đối tượng làm các công việc nghiên cứu, không tăng cho các đối tượng giáo viên, y tế, công nhân và những người làm các công việc nặng nhọc, độc hại,…và kiên quyết cho thôi chức vụ lãnh đạo đối với những người tiếp tục công tác.

Chúng ta phải tính đến vấn đề lâu dài, hiện nay có hàng ngàn cử nhân trong đó có cử nhân sư phạm thất nghiệp, chưa tìm được việc làm.

Trong số đó, có rất nhiều em được đào tạo bài bản, công nghệ thông tin, ngoại ngữ rành rọt rất thích hợp cho việc đổi mới hiện nay, nhưng đành ngậm ngùi chờ kiến thức dần dần mai một theo thời gian vì không tìm được việc.

Nếu tăng tuổi hưu thì không những không kéo theo sự phát triển mà còn hạn chế cơ hội tìm việc làm, cơ hội cống hiến sức trẻ của các em.

Trách nhiệm này thuộc về ai?

Một số đề xuất

Tiếp tục giữ tuổi nghỉ hưu theo phương án như hiện nay, tinh giản các ban ngành, bộ máy cồng kềnh của cơ quan Bảo hiểm xã hội từ Trung ương đến địa phương, sát nhập một số cơ quan quản lý tương đồng, tiết kiệm ngân sách tối đa cho cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan khác như tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên "hy sinh" ngay trên bục giảng? ảnh 5Những nhà giáo nghỉ hưu không nghỉ việc

Chuyển ngân sách hỗ trợ một phần do chênh lệch từ người nghỉ hưu đang nhận so với người mới ra trường (người sắp hưu lương cao, người mới nhận việc lương thấp) để cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.

Có thể tăng mức đóng bảo hiểm xã hội ở một số đối tượng có thu nhập cao để cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.

Nếu đến tuổi nghỉ hưu giáo viên hoặc người lao động chưa muốn nghỉ hưu thì có thể cho tiếp tục công tác nhưng chỉ làm công tác chuyên môn, lao động không cho giữ bất kỳ vị trí nào của cán bộ kể cả phó phòng, ban,…hay làm nhiệm vụ quản lý.

Thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trên kèm việc cho nghỉ hưu đúng tuổi, tinh giản biên chế, tăng thời gian làm việc quyết liệt chắc chắn sẽ không còn tình trạng lo vỡ quỹ bảo hiểm như hiện nay, thậm chí còn tiết kiệm ngân sách.

NHẬT KHOA