Nên có đề cương ôn tập cho học sinh hay không?

26/11/2017 07:07
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Tôi thiết nghĩ, tùy vào tình hình thực tế và năng lực, ý thức học tập của học sinh mà từng nhà trường, thầy cô giáo đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

LTS: Trao đổi vấn đề về việc giáo viên có nên giới hạn đề cương ôn tập cho học sinh không, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc bày tỏ quan điểm của mình dưới góc nhìn của một Phó hiệu trưởng nhà trường.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Lâu nay, nhiều nhà trường, thầy cô giáo phổ thông thường giới hạn đề cương, yêu cầu các em soạn, ôn tập và ra đề kiểm tra học kỳ theo đề cương.

Kể cả, các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết trở lên, không ít giáo viên cũng giới hạn một số bài, nội dung nhất định.

Đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trước khi tổ chức kỳ thi, bộ phận chuyên môn của một số Sở Giáo dục và Đào tạo lại có văn bản hướng dẫn ôn tập, giới hạn đề cương, các bài, chương trọng tâm.  

Theo nhiều giáo viên, cách làm này đem lại những tiện lợi. Trước hết học sinh được giảm tải lượng kiến thức rất lớn trong từng môn học.

Từ đó giúp các em giảm bớt áp lực trong kiểm tra, thi cử.

Nên có đề cương cho học sinh hay không? (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Nên có đề cương cho học sinh hay không? (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Nhờ ôn và học đề cương nên điểm số, kết quả học tập từng bộ môn của học sinh được cải thiện, nhất là đối với diện học sinh trung bình, yếu, những trường lớp có điểm đầu vào thấp.

Giáo viên đỡ “đau đầu” về điểm số, chỉ tiêu… khi nhà trường, cấp trên về kiểm tra, đánh giá.  

Tuy nhiên, một số nhà trường, thầy cô giáo lại nhất quyết không cho học sinh ôn theo đề cương.

Bởi họ cho rằng học thì phải thi. Học thật, thi thật mới công bằng.

Thế là mỗi bài kiểm tra, kì thi các em muốn đạt thành tích cao phải học thật nhiều, học bài bản, học toàn diện.

Nên có đề cương ôn tập cho học sinh hay không? ảnh 2Thuộc đáp án trong đề cương thì sẽ được điểm cao thôi!

Hơn nữa, cách dạy ôn tập kiểm tra học kỳ, thi tuyển sinh theo đề cương chỉ khiến các em càng thêm ỷ lại, lười học, đa số học sinh chỉ học vẹt để đối phó với kiểm tra, thi cử.

Thế nên mới có tình trạng, nhiều em lười học trong quá trình trên lớp song tới ngày thi chỉ cần học thuộc đề cương là đạt điểm cao.

Mỗi nhà trường, các giáo viên đều có lý khi đưa ra quan điểm, ý kiến của mình về việc giới hạn hoặc không giới hạn đề cương cho học sinh.

Tôi thiết nghĩ, tùy vào tình hình thực tế và năng lực, ý thức học tập của học sinh mà từng nhà trường, thầy cô giáo đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Có thể, cung cấp, hướng dẫn đề cương ôn tập thi học kỳ, thi tuyển sinh vào lớp 10 cho mọi học sinh nhưng nhà trường, giáo viên có biện pháp hữu hiệu để “chống” số học sinh xao nhãng, lười học trong quá trình học tập thì mới là nhà trường tốt, thầy giáo tốt.

Không nên cứng nhắc, cực đoan thấy học sinh lười học lại đổ thừa cho đề cương, yêu cầu xóa bỏ đề cương.

Phương thức ra đề kiểm tra, thi theo trắc nghiệm khách quan như Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nhiều năm qua do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì buộc mọi thí sinh phải học toàn diện, không thể bỏ sót một đơn vị kiến thức nào.

Một số nhà trường, tổ bộ môn đã xây dựng được ngân hàng đề trắc nghiệm, đến lúc kiểm tra, thi lấy trong đó ra xử lý, dùng chung.

Đây là một cách hay, cần nhân rộng, không có “đất” cho những lệch lạc, tiêu cực phát sinh trong học sinh và giáo viên.

ĐỖ TẤN NGỌC