Nếu không có sự bao che sao hiệu trưởng dám liều mình đến thế?

07/09/2018 06:44
Phan Tuyết
(GDVN) - Trước những khoản thu vô lý, nhiều người thắc mắc “liệu có cấp lãnh đạo nào bao che cho việc lạm thu này? Nếu không có sự bao che sao hiệu trưởng dám liều mình

LTS: Tiếp tục bàn luận về vấn đề lạm thu tiền trường cũng sự lộng hành của một số hiệu trưởng, cô Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Là giáo viên cũng từng biết khá nhiều chuyện lạm thu ở một số trường học trong nhiều năm qua, nhưng khi đọc bài "Choáng váng trước 18 khoản thu lớp 1 Trường Sơn Đồng" tôi thật sự choáng váng.

Bởi, tôi không thể hình dung ra được lại có nhiều khoản thu hết sức vô lý đến như vậy.

Không chỉ thế, nhiều khoản thu ấy thực sự vi phạm quy định của ngành (Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm; Thông tư số: 55/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh).

Nhà trường “dài tay” và những khoản thu cực kì vô lý

Học sinh lớp 1 nhưng đã phải oằn mình gánh những khoản đóng góp lên đến 8 triệu đồng/học sinh.

Ngoài khoản tiền nhà trường “dài tay” làm hộ việc cho cha mẹ các em như tiền đồng phục và sách giáo khoa 800.000 đồng; sách Anh văn tăng cường 130.000 đồng; vở ô ly, vở luyện viết, vở chính tả 64.000 đồng; bài tập cuối tuần 82.000 đồng; sách buổi chiều và vở 104.000 đồng. Tổng cộng số tiền làm hộ cho phụ huynh lên đến hơn 1.000.000 đồng.

Vì sao nhà trường lại “dài tay” như thế? Nếu không vì món lợi hoa hồng hấp dẫn dành cho kế toán và hiệu trưởng của trường?

Tiền hoa hồng và sự mờ mắt của hiệu trưởng (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Tiền hoa hồng và sự mờ mắt của hiệu trưởng (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Khoản thu vi phạm Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm là tiền học hè 800.000 đồng.

Theo quy định của Thông tư, cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học kể cả dịp hè. Nhà trường chỉ được phép mở các câu lạc bộ năng khiếu, kĩ năng sống.

Cuối năm học, phụ huynh nào thích thì tới trường đăng kí cho con, không thích cũng chẳng sao.

Nay mới bước vào năm học mới, nhà trường đã đưa ra mức thu chẳng khác nào là ép buộc tất cả học sinh trong trường buộc phải tham gia và phải đóng tiền.

Tiền lớp chất lượng cao 600.000 đồng; Bảng tính thông minh 650.000 đồng; một loạt loại quỹ nghe thật sự bất bình.

Nào quỹ phụ huynh trường 250.000 đồng; quỹ lớp 300.000 đồng; quỹ học tập 150.000 đồng.

Điều này là vi phạm trắng trợn Thông tư số: 55/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nếu không có sự bao che sao hiệu trưởng dám liều mình đến thế? ảnh 2Choáng váng trước 18 khoản thu lớp 1 Trường Sơn Đồng

Điều 10 Thông tư 55 đã nêu rõ: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh  lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”.

Nay chưa họp phụ huynh, nhà trường đã ấn định mức thu. Chưa hết còn “đẻ” thêm nhiều loại quỹ như quỹ phụ huynh trường, quỹ lớp, quỹ học tập.

Trong khi đó, Thông tư 55 nêu rõ: “Quỹ phụ huynh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”. Nhưng nhà trường lại không làm thế và thu riêng thành các khoản tách biệt.

Trách nhiệm của các cấp liên quan

Trước những khoản thu bất thường, vô lý đó, câu hỏi mà nhiều người thắc mắc “liệu có cấp lãnh đạo nào bao che cho việc lạm thu này?

Nếu không có sự bao che sao hiệu trưởng dám liều mình đến thế?

Ngoài trường học này, những trường học khác trong cùng địa bàn có dính lạm thu thế này không?

Nhà trường không thể hoạt động độc lập. Cùng lúc các trường học đang chịu sự quản lý và giám sát của cả ngành dọc và ngành ngang.

Ngành dọc như Phòng, Sở, cao hơn nữa là Bộ Giáo dục quản lý về chuyên môn. Ngành ngang chính là cấp chính quyền địa phương như Ủy ban xã (phường), Ủy ban huyện (thị xã) và Ủy ban tỉnh…

Nếu không có sự bao che sao hiệu trưởng dám liều mình đến thế? ảnh 3Vụ 18 khoản thu cao ngất ở trường Sơn Đồng, Sở sốt sắng, Phòng thờ ơ

Về nguyên tắc, trường học muốn thu những khoản nào phải được sự đồng ý của ngành ngang mà trực tiếp là Ủy ban nhân dân xã phường và huyện thị mà trường học ấy đóng. Nhà trường không thể tự mình và không được phép đưa ra bất kì khoản thu nào.

Nếu các cấp chính quyền địa phương nơi đây làm đúng trách nhiệm, quản lý và giám sát theo đúng quy định thì chuyện lạm thu vô lý này sẽ không thể xảy ra.

Nhưng, Trường Tiểu học Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại ngang nhiên làm điều này.

Chúng tôi có quyền đặt câu hỏi “vai trò của địa phương nơi ấy ra sao? Sự buông lỏng quản lý này lẽ nào chỉ mới xảy ra trong năm học này? Những năm về trước sẽ thế nào?

Rất cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Đồng thời chúng tôi kiến nghị cần xử lý mạnh tay với những hiệu trưởng có lòng tham vô đáy và coi thường quy định pháp luật như thế.

Có vậy, mới làm gương cho những hiệu trưởng đang có rắp tâm rút tiền túi từ hầu bao của phụ huynh về xây nhà cho mình.

Phan Tuyết