Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh đưa giáo dục STEM vào nhà trường

09/05/2019 09:30
Phương Linh
(GDVN) - Hiện ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục triển khai, đẩy mạnh việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường.

Với kinh nghiệm triển khai các hoạt động đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, trong những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục triển khai, đẩy mạnh việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường.

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Math (Toán học). Giáo dục STEM được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học.

Phương pháp dạy học theo định hướng giáo dục STEM đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, mang lại hiệu quả hết sức tích cực, thúc đẩy học sinh nghiên cứu khoa học, xây dựng niềm đam mê khám phá tri thức, giúp trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết của tương lai.

Để thực hiện tốt việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước đi hết sức căn cơ.

Phòng học STEM với kính thực tế ảo tại Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, quận 3 (ảnh: SGGP)
Phòng học STEM với kính thực tế ảo tại Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, quận 3 (ảnh: SGGP)

Sở Giáo dục và Đào tạo đã hết sức quan tâm, tìm kiếm các đối tác uy tín trên thế giới, để phối hợp tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm giới thiệu giáo dục STEM cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của thành phố.

Hoạt động này giúp tạo sự thay đổi về nhận thức từng bước cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của thành phố. Dần dần, nhiều đơn vị và các cơ sở giáo dục cũng bắt đầu phối hợp tổ chức nhiều chuyên đề về giảng dạy theo định hướng giáo dục STEM, để cùng học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm.

Những cuộc thi giáo viên dạy giỏi, theo dự án, dạy học ứng dụng công nghệ thông tin…xuất hiện ngày càng nhiều, các bài giảng, sản phẩm dự thi có chất lượng cao theo phương pháp giảng dạy STEM.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã thực hiện thành công, đưa nội dung về giáo dục STEM vào các chuyên đề tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên…cho giáo viên các bộ môn.

Bên cạnh đó, Sở còn xây dựng, phối hợp tổ chức những chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về giáo dục STEM từ cơ bản đến nâng cao cho giáo viên phổ thông của thành phố.

Chương trình này ngày càng tạo được uy tín, thu hút không chỉ đội ngũ giáo viên của thành phố mà còn của các tỉnh thành bạn tham dự.

Từ đó, giáo viên đổi mới dần phương pháp giảng dạy trong từng bài giảng, từng giờ lên lớp để áp dụng giáo dục STEM giúp tiết học thêm sinh động, truyền tải kiến thức hiệu quả, giúp học sinh hình thành những kỹ năng cơ bản của người công dân toàn cầu.

Bên cạnh nhữn hoạt động nói trên, nhiều trường cũng đã mạnh dạn, chủ động phối hợp với các đối tác để trang bị cơ sở vật chất, phòng thực hành khoa học, thực hiện những chuyên đề, buổi sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, chương trình buổi 2…theo định hướng giáo dục STEM.

Hiện đã có một số trường mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, để áp dụng phương pháp giảng dạy này, như: Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận 3) với phòng học STEM có kính thực tế ảo, Trường trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10), Thủ Thiêm (quận 2) đầu tư, nâng cấp phòng thí nghiệm Hóa, Lý, Sinh theo định hướng STEM, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) phát triển câu lạc bộ robotic trong trường học.

Các hoạt động này được triển khai trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của phụ huynh và học sinh, góp phần bổ trợ, nâng cao hiệu quả các giờ dạy trên lớp, giúp học sinh có điều kiện thực hành, tiếp cận được một số chương trình, phương pháp tiên tiến và rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Trong thời gian sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giảng dạy tiếng Anh, Tin học, khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, đưa giáo dục STEM vào nhà trường.

Việc đa dạng hóa các hình thức, chương trình, nội dung giáo dục trong nhà trường sẽ giúp cho phụ huynh có nhiều lựa chọn cho việc học tập, rèn luyện phù hợp với đặc điểm của học sinh, định hướng và nhu cầu của gia đình.

Để hoạt động đổi mới, xã hội hóa trong giáo dục đạt được hiệu quả, rất cần sự thấu hiểu, đồng cảm, đồng thuận của các bậc phụ huynh, các em học sinh và toàn xã hội.

Phương Linh