Ngày 20/11, trò rủ nhau góp gạo tặng thầy

19/11/2014 06:42
Phương Thảo
(GDVN) - Trong ký ức của mình, những hình ảnh trò cũ chân tay lấm lem lên lớp, ê a từng câu chữ sẽ mãi là những hình ảnh đẹp nhất, dù cho đã nghỉ dạy học.

Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam (20/11) hàng năm, ký ức trong cô giáo “già” Phan Thị Duyên lại ùa về. Gặp chúng tôi trong một ngày mưa rét của miền Bắc, cô Duyên trầm ngâm suy nghĩ về nghề, cái nghề dạy chữ, dạy người mà cô khẳng định chắc nịch rằng nếu được chọn lại một lần nữa cô khẳng định vẫn sẽ chọn đi dạy học.

Nghề giáo-nghề gian nan nhưng cao quý

Nói gian nan, vất vả với nghề giáo hiện nay nhiều người tặc lưỡi bảo, nghề sáng đi, chiều về, gì đâu mà vất vả, lại nhàn cái thân. Nhưng câu chuyện đó có lẽ chắc chỉ có ở các trường miền xuôi, thành thị. Với những giáo viên miền ngược (vùng sâu, vùng xa) thì làm nghề giáo không đơn giản là chỉ dạy chữ, mà họ còn kiêm nhiều việc không tên khác.

Trường hợp của cô giáo Phan Thị Duyên là một thí dụ, cô Duyên tốt nghiệp ngành sư phạm năm 1970, học xong được phân công công tác về Trường Tiểu học Tân Hợp – một trong những trường xa nhất, khó khăn nhất của huyện Mộc Châu, Sơn La, đường đi lại gập ghềnh và hiểm trở. 

Ngày 20/11, trò rủ nhau góp gạo tặng thầy ảnh 1

Cô giáo "già" Phan Thị Duyên sẽ vẫn nhớ những hình ảnh học trò yêu quý trong những năm đầu bước vào nghề dạy học của mình. 

Cô Duyên nhớ lại, buổi đầu tiên đi dạy học đối với một cô giáo trẻ người, trẻ cả tuổi nghề rất hồi hộp và những kỷ niệm đầu sẽ không bao giờ quên, nhất là dịp nhận lớp, nhận trường đúng vào ngày 20/11 – Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo (lúc đó chưa có ngày kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam).

Ngày 20/11, trò rủ nhau góp gạo tặng thầy ảnh 2Muôn kiểu quà tặng thầy cô, nhưng quan trọng nhất ở tấm lòng

(GDVN) - Ngày Nhà giáo Việt Nam đang cận kề, việc chọn quà gì tặng thầy cô cũng khiến không ít phụ huynh đau đầu. Theo đó, muôn kiểu quà tặng khác nhau được lựa chọn...

Từ trung tâm xã vào tới trường giáo viên phải đi đường rừng qua bản Chiềng Sơn, Chiềng Trung đi qua suối và đèo, chỉ còn cách đi bộ mới tới được trường ở Tân Hợp. Nghe tin cô giáo trẻ về trường, hôm đó người dân và học sinh chạy ra tận con suối chạy ven danh giới xã để đón cô, niềm vui và phấn khởi được nhân dân ra tận nơi đón và đi theo cô giáo về trường. Đoạn đường cũng vài km, sợ cô giáo đi nhiều mỏi chân, người dân trong xã đã đóng sẵn "kiệu" để khiêng cô giáo. Khoảnh khắc và hình ảnh đó sẽ mãi mãi không bao giờ quên với “bà giáo” Phan Thị Duyên.

Gắn bó với trường, lớp, với học sinh Tân Hợp được 2 năm, nhưng trong hai năm đó để lại trong long người thầy nhiều ấn tượng đẹp về học sinh và người dân nơi đây. Cô Duyên vẫn nhớ như in chuyện tiếp tế lương thực, vì ở nơi khó khăn, hàng tháng giáo viên phải ra trung tâm huyện lấy gạo, có những hôm mang gạo về bản, đi qua suối thì gặp đúng lúc nước lũ tràn về, các thầy cô không còn cách nào khác đành ngủ lại bên này, hôm sau đợi nước rút mới trở lại trường.

Ngày 20/11, trò rủ nhau góp gạo tặng thầy ảnh 3

Học sinh nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, các em đi học do nhà ở xa nên phải trọ lại gần trường. 

Lòng quý trọng mà người dân Tân Hợp trao cho các thầy, cô không chỉ là những buổi mang ngô, mang sắn lên biếu mà còn mời thầy, cô giáo về nhà ăn cơm. Những năm 1970, ở Tân Hợp người dân vẫn có thói quen săn bắn thú rừng, những hôm săn được người dân nhất thiết kéo bằng được thầy, cô giáo về nhà ăn cơm. Trong bữa cơm không thể không có rượu, các thầy, cô ở đây vẫn bảo nhau rằng, chỉ cần công tác thời gian thì hầu như ai cũng tới ngưỡng “nghiện rượu”. 

Sau 2 năm, cô giáo Phan Thị Duyên được phân công về Trường tiểu học xã Tô Múa, đây cũng là xã vùng ba, khó khăn đủ đường. Ngày về nhận công tác cũng là ngày mà cô Duyên và các thầy cô khác trong trường phải đi về các bản vận động các em đi học trở lại, do đến mùa phần lớn học sinh bỏ học theo bố mẹ lên rẫy đốt nương. 

Những lần đi vận động như vậy, cô Duyên chia sẻ rằng, xuống tới nơi, bố mẹ học trò nói với thầy cô: “Cô giáo thông cảm, giờ gia đình khó khăn thì phải cho các em nó đi làm nương thôi”. Mặc dù đã được thầy cô vận động đến lớp, nhưng khi đi học trở lại nhiều em cũng vẫn nghỉ học, thậm chí có tuần vẫn nghỉ 1 đến 2 buổi, những hôm trời nắng là y rằng các em nghỉ học nhiều vì phải đi đốt nương.

Ngày 20/11, trò rủ nhau góp gạo tặng thầy ảnh 4Hoa, quà hay phong bì cho ngày Nhà giáo Việt Nam?

(GDVN) - Đừng để giá trị vật chất từ những bông hoa, món quà hay chiếc phong bì làm mất đi ý nghĩa nhân văn của ngày lễ tri ân thầy cô 20/11.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Phan Thị Duyên bày tỏ, mỗi lần nghĩ về ngày Nhà giáo Việt Nam, mặc dù biết có chỗ đối xử với giáo viên rất tốt, nhất là ở đô thị, còn ở đây thì không có gì, nhưng gắn bó với nghề thì cũng quen. 

“Phong tục tập quán từng vùng, từng nơi thì mình cũng phải chấp nhận, cũng quen đi ấy mà. Nếu được chọn lại nghề tôi vẫn chọn làm giáo viên, vì thời còn ít tuổi các thầy đến đây vận động đi dạy học, vì ở vùng sâu, vùng xa dân trí thấp nên cần nhiều nhà giáo” cô Duyên cho biết.

Suốt những năm dạy học, cô Duyên tự hào rằng từ khi đi dạy học chưa năm nào phải xếp hạng trung bình.

Ngày 20/11, học sinh mang gạo đi biếu thầy

Trong khi trò chuyện với chúng tôi, thầy Hà Văn Pấng – hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Múa, huyện Mộc Châu liên tục nhìn ra phía cổng trường như đang dõi theo từng bước chân học trò. Thầy Pấng cho biết, ở đây tùy rằng vài năm nay số học sinh bỏ học ít nhưng không phải không có. Nguyên nhân vẫn như bao đời là ở nhà đi làm nương cùng bố mẹ. 

Ngày 20/11, trò rủ nhau góp gạo tặng thầy ảnh 5

Ông Lương Tân Xuân  - Bí thư Đảng ủy xã Tô Múa, Mộc Châu, Sơn La. 

Cuộc vận động học sinh tới trường và cùng ăn, cùng ở, cùng sống với người dân luôn luôn thường trực trong mỗi thầy cô nơi đây. Chính những công việc “không tên” bận bịu đó mà nhường như những ngày 20/11 ở nơi đây hầu như ít được nhắc tới.

Thầy Pấng cho hay, học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn, chủ yếu là dân tộc Thái, Dao lại sống ở những bản xa như Đồng Thái, Đá Mài nên đi học rất vất vả. Việc lo cho học sinh tới trường, không để các em phải nghỉ học là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất với các thầy cô, chứ không nghĩ gì tới ngày Nhà giáo Việt Nam.

Dù còn khó khăn, nhưng qua từng năm học các em học sinh nơi đây cũng biết tới ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Pấng kể, những ngày này dù nhiều hay ít các em bằng tấm lòng của mình rủ nhau góp để mua quyển sổ tặng thầy. Nhiều em gia đình khó khăn nhưng với tình cảm kính trọng, các em cũng góp gạo, về nhà lấy từng buồng chuối, quả cam mang tặng thầy, cô nhân ngày 20/11.

Những món quà đơn giản là thế nhưng chứa đựng tình thầy trò cao cả. Thầy Hà Văn Pấng vẫn thường mong ước, làm sao để cơ sở vật chất, trường lớp ở những vùng sâu, vùng xa được đầy đủ hơn, học sinh có điều kiện học tốt hơn để dần san bằng khoảng cách miền ngược với miền xuôi.

Hiện tại, ở Trường tiểu học Tô Múa đang có 7 điểm trường, mỗi điểm nằm ở các bản cách xa trung tâm xã. Thầy Pấng cho biết, phải gom học sinh về những điểm trung tâm để dễ quản lý và dễ huy động học sinh tới trường hơn. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Tân Xuân- Bí thư Đảng ủy xã Tô Múa cho biết, mỗi lần Ngày Nhà giáo Việt Nam đến, chủ yếu là xã tổ chức cho các thầy cô. Quà cho các cô chỉ là quyển sổ viết, tạm thời đây là xã vùng cao được ưu tiên, đời sống giáo viên tương đối ổn định. 

Cùng với đó học sinh ở xã cũng được quan tâm hơn, tuy nhiên còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng, lúc đó nhiệm vụ của thầy cô là động viên và chia sẻ các em để các em tiếp tục được đến trường. Công việc của các thầy cô cứ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm lặng thầm như thế, nhưng những thành quả khi chứng kiến các em không bỏ học, được ra ngoài học lên cao rồi về địa phương làm việc làm điều hạnh phúc vô bờ bến.

Phương Thảo