Nghị lực chàng sinh viên nghèo “5 tốt”

10/01/2013 07:37
Theo Dan tri
Sinh ra không biết mặt cha, thương mẹ dù đau bệnh nhưng phải bươn chải kiếm sống nuôi con ăn học, Trần Công Minh luôn nỗ lực vươn lên học khá giỏi. Cậu sinh viên vượt khó ấy vừa vinh dự nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương.
SV Trần Công Minh (thứ 2, bên trái) là một trong 4 sinh viên của tỉnh Bình Định nhận danh hiệu "SV 5 tốt" cấp Trung ương.
SV Trần Công Minh (thứ 2, bên trái) là một trong 4 sinh viên của tỉnh Bình Định nhận danh hiệu "SV 5 tốt" cấp Trung ương.

Trần Công Minh ở thôn An Hòa 1, xã Phước An, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), hiện là sinh viên năm 4, lớp K3.102A, Khoa công nghệ - Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Quang Trung (Bình Định).

Chào đời đã thiếu tình thương của cha, mẹ lại bị bệnh khớp nặng mất khả năng lao động, nên tuổi thơ Minh có phần thiệt thòi hơn với các bạn cùng trang lứa ở trong xóm. Từ nhỏ hàng ngày ngoài giờ học trên lớp, Minh đã biết phụ giúp mẹ việc đồng áng, nuôi gà lợn… Bởi thương mẹ hay đau ốm lại phải tảo tần nuôi con, ngay từ bé Minh đã có ý thức trong việc học, luôn nỗ lực học tốt để đền đáp công lao của mẹ.

Tuổi thơ vất vả là vậy, nhưng chưa bao giờ Minh nghĩ đến chuyện bỏ học, trái lại điều đó như tiếp thêm nghị lực để em tiếp tục đến trường. Minh nhận ra chỉ có học thì mơ ước trở thành thầy giáo mới thành hiện thực. Chính từ suy nghĩ đó, cho dù vất vả bao nhiêu Minh lại càng cố gắng học tập bấy nhiêu. 

Nung nấu ước mơ trở thành thầy giáo, tốt nghiệp lớp 12, Minh quyết định làm hồ sơ đăng ký vào ngành Sư phạm Vật Lý Trường ĐH Quy Nhơn, vừa đỡ tốn kém vừa gần nhà tiện việc chăm sóc mẹ hay ốm đau. Thế nhưng năm đó em rớt đại học. Không buông xuôi, Minh quyết định vào TPHCM làm thuê kiếm tiền ôn thi.

Chân ướt chân ráo vào Sài Gòn không người thân nhưng để có tiền ôn thi, Minh làm đủ nghề từ làm làm hồ, phụ ở quán phở đến làm công nhân hàn công trình.“Ngày đó, ban ngày đi làm tối về em ôn thi ở trường Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và thi vào trường này luôn nhưng năm đó em vẫn không đậu. Có lúc, nản em đã muốn từ bỏ mơ ước nhưng nghĩ tới mẹ, thầy cô, bạn bè nên mình lại cố gắng hơn. Nếu không vì ước mơ vào đại học làm thầy giáo sau này có một việc làm ổn định, có thời gian chăm sóc mẹ...” - Minh cười hiền chia sẻ.
Trần Công Minh (đứng ngoài cùng, bên trái) cùng các sinh viên tình nguyện trong trường giúp bà con nông dân gặt lúa.
Trần Công Minh (đứng ngoài cùng, bên trái) cùng các sinh viên tình nguyện trong trường giúp bà con nông dân gặt lúa.

Con đường vào đại học của Minh thật lận đận, phải mất 4 năm vừa làm thuê kiếm tiền vừa ôn thi, vừa lo mẹ già bệnh, cuối cùng em đậu vào khoa Công nghệ - Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Quang Trung.

Vào đại học lại là một thử thách lớn bởi nhà nghèo, nên ngoài thời gian học trên lớp, Minh bố trí thời gian nhận dạy thêm tự nuôi mình mà không để mẹ phải lo lắng.

Nỗ lực vươn lên, trong 4 năm học qua Minh đều là sinh viên giỏi của trường. Học kỳ nào, Minh cũng giành được học bổng như là phần thưởng động viên em tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa. Ngoài ra, Minh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội với 5 lần hiến máu nhân đạo; thành viên đội tuyển điền kinh, bóng đá, CLB thanh niên xung kích của trường; đạt danh hiệu cán bộ quản lý giỏi cấp trường. Đặc biệt, mới đây Minh vinh dự là 1 trong 4 sinh viên tiêu biểu của tỉnh Bình Định được nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương năm 2011 - 2012 dựa trên các tiêu chí: học tập tốt, đạo đức tốt, thể lực tốt, kỹ năng tốt, hòa nhập tốt.

Nói về chàng "SV 5 tốt" Trần Công Minh, Th.sĩ Trần Văn Phát, giảng viên Khoa Kỹ thuật xây dựng - Trường ĐH Quang Trung nhận xét ngắn gọn: “Em Trần Công Minh là một sinh viên nghèo hiếu học, có nghị lực. Dù thiếu vắng cha, mẹ lớn tuổi lại bệnh, bản thân phải đi làm thuê kiếm tiền ôn thi đại học nhưng đã nỗ lực vượt qua qua mọi khó khăn. Một sinh viên giỏi toàn diện, lại có tính khiêm nhường. Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng”.

Hiện Minh đang bận rộn với việc làm đồ án Tốt nghiệp. Chia sẻ về ước mơ, Minh vẫn nung nấu ước mơ thuở nhỏ là trở thành một người thầy giáo để truyền dạy những kiến thức mà em học được từ nhà trường, thầy cô, bạn bè.

Theo Dan tri