Ngồi nhầm lớp, ngồi nhầm ghế!

10/03/2019 06:19
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Với giáo dục, phải loại bỏ ngay các bệnh nhân “ngồi nhầm” ở vị trí quản lý. Các “bệnh nhân” này, rào cản lớn nhất cho đổi mới giáo dục hiện nay.

LTS: Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp trở thành một vấn đề đáng lo ngại trong giáo dục.

Trong bài viết này, thầy Sơn Quang Huyến chia sẻ kiến nghị một số giải pháp để chữa "bệnh ngồi nhầm chỗ".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngồi nhầm lớp, hiện tượng không cá biệt ở một địa phương nào, nó là một hiện trạng phổ biến ở rất nhiều địa phương hiện nay.

Nếu là giáo viên, gặp học sinh ngồi nhầm lớp thường xuyên, ở mọi cấp học, bậc học, ngay cả trong trường chuyên, lớp chọn.

Ngồi nhầm ghế trong quản lý, ngồi nhầm chỗ trong giáo viên, ra nhầm thông tư, đã dẫn đến học sinh ngồi nhầm lớp.

Một bạn học sinh lớp 3 nhưng viết sai hầu hết những từ đơn giản vốn dành cho học sinh lớp 1 (Ảnh minh họa: VTV Online)
Một bạn học sinh lớp 3 nhưng viết sai hầu hết những từ đơn giản vốn dành cho học sinh lớp 1 (Ảnh minh họa: VTV Online)

Bệnh “ngồi nhầm” đã trở nên trầm kha, không có thuốc chữa trong xã hội chúng ta

Ngồi nhầm lan từ bên ngoài vào trong trường học; ngược lại, từ trường học lại lan ra ngoài, những cái “ghế do học sinh ngồi nhầm lớp”, được nhà trường cấp “bằng” làm chủ, gây đảo điên xã hội; cứ thế vòng luẩn quẩn đó kìm hãm sự phát triển của đất nước, của xã hội.

Có những “ông tướng”, “ông nghị”, “ông tổng” v.v..., ngồi nhầm, chứ chẳng riêng gì … học trò.

Từ khi Chủ tịch nước - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “khai lò”, đã chỉ ra những vị “ngồi nhầm” cộm cán; cậu học trò lớp 6 ở Gia Lai..., đã thấm tháp vào đâu!

Muốn chữa bệnh “ngồi nhầm” trong giáo dục, phải cùng chữa bệnh này bên ngoài xã hội, đó mới là điều căn cơ, phải làm hiện nay.

Bên ngoài xã hội, đang rất mong chờ hành động quyết liệt của Chủ tịch nước - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lan truyền từ trên xuống dưới, chứ không chỉ “trên nóng, dưới lạnh”.

Những “bệnh nhân” phải được vạch mặt, chỉ tên, không kể to hay nhỏ, không kể lĩnh vực nào, không kể đang tại vị hay đã hạ cánh an toàn; phải được uống thuốc “Công lý, pháp luật”.

Ngồi nhầm lớp, ngồi nhầm ghế! ảnh 2Vẫn nhức nhối nạn nâng, sửa điểm cho học sinh

Với giáo dục, phải loại bỏ ngay các bệnh nhân “ngồi nhầm” ở vị trí quản lý.

Các “bệnh nhân” này, rào cản lớn nhất cho đổi mới giáo dục hiện nay, chứ không phải ai khác.

Những “bệnh nhân” này thường ngại đổi mới, không thích người sáng tạo, chỉ thích “lối cũ ta về”, nên “thánh chỉ” của họ thường chỉ phục vụ lợi ích chính mình, hay một nhóm nào đó.

Các “bệnh nhân này” thường thể hiện rõ nét trong các “bệnh sử”: “đổ thừa” lý do khách quan, “lạm thu”, “làm trái nguyên tắc”, “thành tích báo cáo thì cao, hiệu quả thực tế chỉ như ao làng” … nhưng thuốc chữa chỉ là “rút kinh nghiệm”, không thể chữa dứt điểm được.

Với cấp độ vĩ mô, cần có thông tư quy định, cho học sinh được quyền lưu ban, không giới hạn số lần trong một cấp học.

Chữa học sinh ngồi nhầm lớp ở cơ sở, cần bỏ tất cả chỉ tiêu đăng kí đầu năm; cuối năm nay các thầy cô giáo được tổng kết thật, vào sổ thật; không cấy sạ trên bàn phím; năm sau sẽ giảm hẳn bệnh ngồi nhầm lớp, vài năm sau không còn học trò ngồi nhầm lớp nữa.

Bỏ hẳn các “tiêu chí” khác bên ngoài xã hội, liên quan đến tỷ lệ học sinh lên lớp của địa phương; giảm áp lực cho nhà trường, tạo điều kiện cho nhà trường được dạy thật, thi thật, tổng kết thật.

Phụ huynh học sinh, cần phải có cái nhìn khách quan về năng lực con em mình; đừng háo danh mà “ép”, “chạy”, cho con vào trường chuyên lớp chọn. Không có năng lực thực học, vào đây chẳng khác con quạ đen giữa đàn cò trắng; làm nhục con, khổ cả mình.

Nếu con mình không có khả năng học văn hóa, cho đi học nghề, vừa dễ xin việc, vừa tiết kiệm cho gia đình.

Nhà trường làm đúng chức trách hướng nghiệp, hướng nghề; giúp học sinh biết được năng lực, sở thích của mình; tự quyết định tương lai, học nghề hay học văn hóa tiếp.

Bệnh ngồi nhầm, không chỉ chữa trong trường học mà phải chữa từ bên ngoài. Ngồi nhầm, không chỉ thuộc trách nhiệm của các thầy cô giáo.

Ngồi nhầm lớp, chỉ là bức tranh phản ánh bệnh ngồi nhầm của xã hội; cần cả hệ thống chính trị, chung tay, đồng lòng mới có thể chữa được.

Sơn Quang Huyến