Ngôi trường đổi thay nhờ cô hiệu trưởng

04/10/2018 07:08
Phan Tuyết
(GDVN) - Chỉ hai năm trước, nơi đây là bãi đất sét “nắng không ưa mưa không chịu”. Thế mà bây giờ, nơi đây đã có vườn cổ tích cho học sinh học tập, thực hành.

Bước chân vào Trường mẫu giáo Tân Xuân huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận điều đập vào mắt đầu tiên là khung cảnh tươi mát của thiên nhiên. Một cảm giác thoải mái, yên bình tràn ngập.

Chỉ vào mảnh đất nơi cỏ cây, hoa lá đang hồ hởi khoe sắc trước cổng trường, cô Hồ Thị Mỹ Linh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Chỉ hai năm trước, nơi đây là những bãi đất sét “nắng không ưa mưa không chịu” trống không chói chang nắng, gió.

Thế mà bây giờ, nơi đây đã có vườn cổ tích cho học sinh học tập, có vườn cây xanh mát cho các em thực hành chăm sóc để rèn luyện kĩ năng, có những khóm hoa đủ màu âm thầm khoe sắc… Đó là cả một sự nỗ lực khá lớn của tập thể giáo viên, cán bộ công nhân viên nơi này.

Cô Hồ Thị Mỹ Linh - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Xuân (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cô Hồ Thị Mỹ Linh - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Xuân (Ảnh: tác giả cung cấp).

Cô Linh cho biết: “Lần đầu tiên về trường nhận chức, nhìn quang cảnh trường lúc đó thật sự muốn khóc”.

Cô nhớ mãi lời thầy Mai Tấn Quốc - Trưởng phòng Giáo dục huyện Hàm Tân khi ấy “đây là ngôi trường khó khăn nhất huyện. Em hãy về giúp cho ngành. Nếu khó khăn gì, báo cho phòng biết để hỗ trợ”.

Lúc đó, trường có 5 điểm trường lẻ, cơ sở chính đang xây dựng nên việc quản lý, kiểm tra không hề đơn giản chút nào. Khi ngôi trường mới khang trang đã được hoàn thành, trường chỉ còn 2 điểm lẻ.

Trường mới được xây dựng đẹp, khang trang nhưng khuôn viên trường khá nắng vì không hề có bóng mát của cây xanh. Trẻ mẫu giáo luôn phải học và chơi ngoài trời. Kế hoạch cải tạo môi trường xanh mát cho các em luôn là mong mỏi cấp thiết nhất.

Nhưng biết lấy kinh phí ở đâu? Vận động phụ huynh đóng góp như kiểu tự nguyện bắt buộc ở nhiều nơi ư? Kế sách này nghe không ổn.

Bởi, phần đông phụ huynh nơi đây đều là dân lao động thuần nông, đời sống kinh tế còn khá khó khăn. Trong đó, có không ít dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô Linh cho biết: “Xin kinh phí, vận động Mạnh Thường Quân là việc cần làm nên nhà trường không thể chất thêm gánh nặng kinh phí lên vai phụ huynh”.

Vậy nên ý nghĩ nhờ sự giúp đỡ về vật chất của cha mẹ học sinh để đầu tư thêm cơ sở vật chất, cải tạo quang cảnh cho trường xem như là suy nghĩ viển vông nhất.

Bằng sự nỗ lực của các thầy cô giáo tại Trường mẫu giáo Tân Xuân vườn cây xanh cho các em học sinh vui chơi, học tập đã ra đời (Ảnh: tác giả cung cấp).
Bằng sự nỗ lực của các thầy cô giáo tại Trường mẫu giáo Tân Xuân vườn cây xanh cho các em học sinh vui chơi, học tập đã ra đời (Ảnh: tác giả cung cấp).

Không nản chí với thực tại, cô Linh nói phải nỗ lực tự thân là chính. Mỗi người mỗi việc, từng bộ phận được phân công như Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên của trường đều phụ trách trồng, chăm sóc vườn cây. Học sinh các lớp cũng có khu vực trồng cây và chăm sóc riêng.

Những loại cây được trồng cũng khá phong phú nhưng phải đảm bảo vài tiêu chí như đẹp và trực tiếp phục vụ cho bài học của các em.

Ví như cây lúa, cây đậu, cây khoai… Hay một số loài hoa như hoa cúc, hoa mười giờ… trong các bài học, các câu chuyện kể có liên quan, giáo viên sẽ cho các em tận mắt quan sát.

Vườn cây xanh với đủ loại hoa đa dạng, rực rỡ (Ảnh: tác giả cung cấp).
Vườn cây xanh với đủ loại hoa đa dạng, rực rỡ (Ảnh: tác giả cung cấp).

Công phu nhất phải kể đến việc đầu tư “vườn cổ tích”. Đây là địa điểm học sinh trực tiếp ra học hằng ngày.

Xung quanh khuôn viên là những loại cây và hoa thường xuyên có mặt trong các bài học.

Bên trong là hòn non bộ do các thầy cô tự xây dựng, dưới nền được lát cỏ nhân tạo trông khá đẹp mắt.

Để có được vườn cổ tích trị giá hàng chục triệu đồng, đích thân cô hiệu trưởng đã tìm đến một số sân đá banh để xin mua lại loại cỏ người ta thanh lý.

Dù mua được giá rẻ nhưng nhà trường cũng không có tiền. Thế là bằng các mối quan hệ bên ngoài, nhà trường đi vận động, đi xin sự giúp đỡ.

Khu vực vườn cổ tích với nền cỏ nhân tạo xanh, sạch sẽ (Ảnh: tác giả cung cấp).
Khu vực vườn cổ tích với nền cỏ nhân tạo xanh, sạch sẽ (Ảnh: tác giả cung cấp).

Ngoài khu vườn cổ tích phục vụ cho việc học, nhà trường cũng đã xây dựng được một khu vui chơi cho học sinh. Cô Linh cho biết đó là sự giúp đỡ tận tình của một số cán bộ Ủy ban xã Tân Xuân.

Nhiều phụ huynh mừng vui vì con cái họ không chỉ được học mà còn được vui chơi những trò chơi đúng nghĩa của tuổi thơ.

Để giữ cho vườn cây, cho khung cảnh trường luôn đẹp, luôn tươi mới. Tất cả cán bộ công nhân viên nhà trường sau giờ làm việc đều cùng nhau ở lại và trở thành người làm vườn cần mẫn. Nhờ thế, diện mạo ngôi trường mỗi ngày một đẹp hơn.

Phan Tuyết