Người Nhật ăn và chơi gì ngày Tết?

11/02/2016 08:33
Bài, ảnh Nguyễn Quốc Vương
(GDVN) - Không giống với các nước chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa khác, Nhật Bản ăn Tết Dương lịch.

Tết (Oshogatsu) thông thường được hiểu là 3 ngày đầu tiên của tháng giêng. Các trường học, công ty thường nghỉ làm từ ngày 29 tháng 12 đến hết ngày 3 tháng 1. 

Trong thời gian này những người Nhật ở xa gia đình sẽ trở về sum họp và đón năm mới bên người thân.

Xin giới thiệu một số món ăn và trò chơi truyền thống của người Nhật trong ngày Tết do tác giả Nguyễn Quốc Vương (Đại học Đại học Kanazawa - Nhật Bản) trích dịch từ “A bilingual Handbook of Japanese Culture”, NXB Natsume, 2008.

Món Osechi (Osechi-ryori)

Là món ăn đặc biệt dành cho ba ngày tết. Thức ăn được đựng trong các hộp sơn mài bao gồm món băm, nướng và cả món chua. Nó được làm để giữ trong một thời gian dài bởi vẻ lộng lẫy của nó và đây cũng là một cách để giảm bớt gánh nặng cho các bà nội trợ vào những ngày này. 

Osechi thay đổi theo từng vùng tuy nhiên bên trong thì hầu như được cố định. Những món bên trong đều biểu hiện những điều ước nguyện: chẳng hạn như cá tráp (tiếng Nhật đọc là Tai) mang ý nghĩa hạnh phúc, vui vẻ (medetai), trứng cá trích (kazu no ko) diễn tả “hậu duệ phồn vinh” và tảo biển cuốn (Konbumaki) diễn tả hạnh phúc.

Món súp năm mới (Zoni)
 
Zoni là món súp gồm có Mochi (bánh nếp) và rau. Nó là món không thể thiếu vào ngày tết. Ở vùng Kanto (Đông Nhật Bản), người ta thường làm món Zoni với Mochi hình vuông trong khi ở vùng Kansai (Tây Nhật Bản) người ta lại làm Mochi hình tròn. 

Tuy nhiên những gia vị và các thành phần khác lại thay đổi tùy theo địa phương và gia đình. Đặc trưng của Zoni là sử dụng các sản vật nổi tiếng của địa phương, khu vực đó.

Bánh nếp hình tròn (Kagami-mochi)

Kagami-mochi là một cặp bánh hình tròn một to một nhỏ cỡ 10-20 cm được xếp chồng lên nhau. Vào dịp tết chúng được bày ở hốc tường (chỗ tường thụt vào để đặt giường) để cúng các vị thần của đạo Shinto và đạo Phật. 

Ở Nhật Bản người ta có niềm tin lâu đời rằng những vị thần tôn kính như thần năm mới Toshi-kami sẽ đến nhà và bánh Kagami-mochi được làm để dâng thần.Tuy nhiên gần đây rất ít người nhận thức điều đó mà chỉ đơn giản coi đó như vật trang trí vào ngày tết mà thôi. 

Chiếc bánh Kagamimochi sẽ được dỡ xuống từ bệ thờ để ăn vào ngày 11 tháng giêng. Ban đầu thì sự kiện này diễn ra vào ngày 20 nhưng do Shogun đời thứ ba tên là Iemitsu trong chế độ Mạc phủ qua đời vào ngày 20 (cho dù đó là ngày 20 tháng 4 năm 1651) nên người Nhật đã đổi sang ngày 11. 

Đến ngày 11 thì bánh đã trở nên giòn và cứng nhưng bởi đó là vật may mắn nên người ta tránh cắt nó bằng vật sắc nhọn mà dùng tay hoặc búa để chia. Việc này được gọi là “Kagami-biraki” với nghĩa đen là “ mở tấm gương”.

Món mì năm mới (Toshikoshi-soba)
  
Phong tục ăn món này vào đêm giao thừa bắt đầu lan rộng vào thời Edo. Nguồn gốc của phong tục này là khi một người thợ kim hoàn vào thời điểm quét dọn nhà cửa đón năm mới đã thu thập các mạt vàng rơi vãi xung quanh nơi ông ta làm việc với bột bánh soba, sau đó đốt cháy soba trong lò than và thu lại các vụn vàng.

Bởi vậy người ta cho rằng soba có thể thu thập được tiền và dần hình thành  tập tục ăn Soba vào đêm giao thừa. Tuy nhiên ngày nay bởi vì soba dài và mảnh vì vậy người ta còn quan niệm nó có ý nghĩa trường thọ.

Cầu lông kiểu Nhật (Hanetsuki)

Là trò chơi được các bé gái chơi vào năm mới, nó gần giống như cầu lông. Người chơi dùng một chiếc vợt gỗ gọi là Hagoita trên đó có vẽ một bức tranh đẹp, đánh quả cầu đi.

Quả cầu nhỏ có cắm lông ở trên. Quả cầu này được hai người chơi đánh đi đánh lại. Một số vợt được trang trí bằng chân dung các nhân vật và thường kiểu này rất đẹp nên được ưa thích.
 
Người chơi trò này phải mặc trang phục trang trọng của ngày lễ và cũng có một luật khác được áp dụng là bé gái người bị bại trong trò chơi phải chịu một nhát vẽ trên mặt bằng bút lông chấm mực tàu.

Các bé gái mặc Kimono chơi trò này đã từng là một trong những nét đặc sắc của năm mới. Nhưng gần đây hiếm khi người ta nhìn thấy những nó nữa bởi nơi để chơi không còn do đô thị hóa và trò chơi dành cho trẻ em thì thay đổi và càng ngày càng bùng nổ.

Thả diều (Takoage)
 
Diều của Nhật thường có hình vuông được làm bằng giấy dán trên khung tre và có vẽ hình các võ sĩ hoặc các vũ công Kabuki cùng với các dòng chữ tiếng Nhật.

Diều vốn là trò chơi được dùng để cầu nguyện cho đứa bé trưởng thành và có tương lai hạnh phúc nhưng hiện nay nó được coi là một trong những hoạt động của Tết. Cũng có nơi nhân dịp năm mới người dân địa phương còn tổ chứ thi diều với những chiếc diều dài tới 10m. 

Chơi bài (Karuta)          

Từ Karuta này bắt nguồn từ từ Carta của tiếng Bồ Đào Nha. Karuta có hình chữ nhật giống như các quân bài bình thường trên đó có các bức hình hoặc các dòng chữ Nhật.

Khi chơi một người chơi sẽ đọc to một lá bài (yomifuda) và những người khác tranh nhau để giành lấy quân bài tương ứng với bài thơ ấy (efuda). Người nào giành được nhiều lá bài nhất sẽ thành người chiến thắng.
 
Như một khía cạnh tiêu biểu cho văn hóa Nhật bản, trong trò chơi này có chứa các câu cách ngôn và các bài thơ Nhật (uta-garuta) thường là các bài Tanka có 31 âm tiết. 

“Bách nhân nhất thủ” (haykunin Isshu).

Nghĩa của cụm từ trên chỉ một trăm bài thơ được viết bởi một trăm tác giả. Nói chung nó có ý chỉ tuyển tập thơ có nhan đề “Ogura Hyakunin Isshu” do Fujiwarano Teika tuyển chọn.

Nó bao gồm 100 bài tanka (những bài thơ Nhật cổ điểm có 31 âm tiết). Mỗi bài thơ được sáng tác bởi một nhà thơ nổi tiếng trong thời Heian (794-1185) và những năm đầu thời Kamakura. Từ thời Edo những bài thơ này được sử dụng rộng rãi như lá bài thơ (uta-garuta). 

Chiếm đa số là 43 bài viết về tình yêu và đứng thứ hai là các bài thơ về mùa (32 bài). Có 79 nam thi sĩ và 21 nữ sĩ.

Họ diễn tả cảm xúc của mình về tình yêu, mùa màng rất tinh tế đậm phong cách Nhật Bản. Nó được biết tới như một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học cổ đại Nhật Bản. Đây là một trò chơi phổ biến trong dịp năm mới.

Bài, ảnh Nguyễn Quốc Vương