Người phụ nữ đi nhờ xe

01/05/2019 07:32
NGUYỄN VĂN KHÁNH
(GDVN) - Chị và hàng ngàn phụ huynh khác đã và đang âm thầm gieo những hạt giống tốt cho đời, cho xã hội.

Kết thúc buổi dạy cuối tuần, một chị phụ bán căn tin trong trường ngỏ lời xin đi nhờ xe tôi để về nhà vì biết tôi sẽ đi cùng đường với chị.

Tất nhiên, tôi không chối từ lời đề nghị của chị bởi lâu nay chị cũng đã khá quen thuộc mỗi khi chúng tôi ghé vào căn tin nhà trường uống nước, ăn cơm trưa.

Quãng đường từ trường trở về đến nhà hơn 20 km, tôi có dịp hỏi han chị nhiều chuyện mà lâu nay chưa bao giờ hỏi.

Qua câu chuyện kể của chị, tôi hiểu hơn về nỗi vất vả hàng ngày và cả một nghị lực phi thường của một người mẹ đang âm thầm hy sinh vì tương lai của con mình.

Nhiều phụ huynh đang tất bật mưu sinh để lo cho con ăn học (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn)

Nhiều phụ huynh đang tất bật mưu sinh để lo cho con ăn học (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn)

Gia đình chị không có ruộng vườn gì cả, hai vợ chồng đều đi làm thuê, làm mướn đắp đổi qua ngày. Chồng chị chạy xe ba gác, ai thuê gì chở nấy-công việc cũng chẳng được thường xuyên.

Còn chị, thời trẻ cũng không ngại ngần những công việc nặng nhọc. Nhưng, bây giờ đã gần 60 tuổi rồi nên không thể làm được những việc nặng như trước nữa.

Mấy năm nay, chị đi phụ bán căn tin trong nhà trường. Lúc bưng ly nước cho giáo viên, học trò, lúc dọn rửa ly, bát, quét tước…

Trường quê nên số lượng giáo viên và học sinh cũng ít, việc mua hàng không nhiều, vì thế thu nhập của chủ căn tin cũng không lớn nên người làm cũng được trả công khiêm tốn.

Mỗi tuần, chị được chủ căn tin trả 500 nghìn đồng/ 6 ngày. Chiều thứ 7 về nhà và sáng thứ 2 lại đến- công việc cứ thế trôi qua từ tháng này sang tháng khác.

Tôi thầm tính, mỗi ngày chị được trả công hơn 80 nghìn đồng- số tiền này nếu với người giàu có thì chỉ đủ tiền một tô phở và ly cà phê buổi sáng. Còn chị, số tiền ấy giúp chị rất nhiều việc cho hiện tại, cho tương lai của con chị.

Chị có 2 đứa con, thằng con trai đầu vừa tốt nghiệp đại học sư phạm năm 2018. Đứa út đang học năm thứ nhất, khoa Bảo vệ thực vật của trường đại học trong tỉnh.

Người phụ nữ đi nhờ xe ảnh 2Bố mẹ có con gian lận điểm thi không xứng đáng làm cán bộ

Nghe chị kể đến đây, bản thân chúng tôi cảm phục chị vô cùng. Khó khăn là vậy, thu nhập chỉ vậy mà vợ chồng chị vẫn lo cho cả 2 đứa con ăn học đến nơi, đến chốn.

Nghị lực nào có thể khiến cả 2 vợ chồng không có công việc ổn định, quanh năm làm thuê, làm mướn mà nuôi dạy con mình vươn lên một cách phi thường đến vậy?

Chỉ thương đứa con trai đầu của chị sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, chuyên ngành Vật lý thì lại đúng vào thời điểm địa phương đang khủng hoảng thừa nhân lực nên không được tuyển dụng.

Vì thế, em vẫn chưa có việc làm đúng chuyên ngành đã học là trở thành thầy giáo dạy Vật lý. Nên, hàng ngày đang đi bán hàng cho một công ty và hưởng lương theo sản phẩm.

Một thoáng buồn, sau lời kể ngắt quãng của chị khiến tôi chạnh lòng xót xa.

Câu chuyện của chị cứ chập chờn, ẩn hiện, khiến tôi nghĩ ngợi mông lung nhiều ngày sau nữa. Thực tế có nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế nhưng lại chưa chú trọng việc học của con mình.

Nhiều em đã bỏ học giữa chừng, chưa chú trọng tương lai của mình. Nhiều phụ huynh thờ ơ trong việc học của con em mình vì gia đình mình có điều kiện.

Nhiều người quan niệm, con mình học được cũng được, không học được cũng chẳng sao vì nhà có nhiều tiền, ruộng đất cũng nhiều. Lớn lên thì lấy vợ, gả chồng, chia cho mỗi đứa một mớ tài sản, chúng vẫn ung dung sống khỏe.

Thậm chí, khi liên tưởng đến 222 thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã được xác định là sửa điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, chúng tôi lại càng xót xa hơn.

Người phụ nữ đi nhờ xe ảnh 3Ngày xưa ông bà, cha mẹ, thầy cô đã dạy chúng ta những gì?

Bởi, các phụ huynh này đa phần là những người có tiền, có quyền nhưng họ đã không cho con họ một nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

Họ chưa giáo dục con về lòng trung thực, về ý nghĩa tốt đẹp của cuộc đời.

Rõ ràng, có nhiều thứ họ dư thừa nhưng điều cốt yếu của con người là tri thức và nhân cách thì họ lại chưa làm được cho con mình.

Khi dừng xe để chị xuống bến xe buýt (vì từ nhà tôi đến nhà chị còn gần chục km nữa) mà trong lòng chúng tôi buồn vui lẫn lộn.

Hình bóng chị trong cái nắng chiều tà xiêu xiêu ôm bọc quần áo đựng trong cái túi vải cũ nhàu đứng chờ xe buýt thật tội nghiệp.

Nhưng, chúng tôi biết ẩn trong vẻ lam lũ bề ngoài kia là một nghị lực phi thường khi chị đã cùng chồng đang từng ngày cố gắng nuôi cho con mình khôn lớn, trưởng thành để trở nên những con người có ích cho xã hội.

Chị và hàng ngàn phụ huynh khác đã và đang âm thầm gieo những hạt giống tốt cho đời, cho xã hội. Chỉ thương cái nghèo cứ mãi đeo bám, chưa chịu buông tha họ.

Nhưng, chúng tôi tin con chị, con của bao nhiêu những người phụ huynh như chị sẽ có một tương lai tốt đẹp bởi các em được nuôi dưỡng bằng chính sự yêu thương, sự thật thà, đôn hậu của cha mẹ mình.

Sau này, các em sẽ biết trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống, biết sẻ chia, nhân ái với mọi người, với cuộc đời.

NGUYỄN VĂN KHÁNH