Người thầy và lòng tự trọng

20/11/2014 13:51
NGUYỄN VĂN LỰ
(GDVN) - Đối với người thầy dạy người, dạy chữ, lòng tự trọng tỉ lệ thuận với phẩm giá và nhân cách, với sự ngưỡng mộ và yêu kính của học trò và nhân dân.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Văn Lự-một tác giả quen thuộc trên Báo Giáo dục Việt Nam- có bài viết đặt vấn đề về lòng tự trọng của những người làm nghề giáo. Đây là một góc nhìn nghiêm túc, trong sự biến đổi không ngừng của xã hội, của ngành giáo dục.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Là một trong những tư chất thiên lương của con người nhân nghĩa, nhân ái, nhân cách trong sáng và đúng đắn, lòng tự trọng giúp chúng ta giữ gìn phẩm hạnh, điều chỉnh ý nghĩ và hành động trong bất cứ cảnh huống nào. Đối với người thầy dạy người, dạy chữ, lòng tự trọng tỉ lệ thuận với phẩm giá và nhân cách, với sự ngưỡng mộ và yêu kính của học trò và nhân dân.

Sâu thẳm trong tim người Việt, thời nào cũng vậy, thầy giáo vẫn được dành cho nhiều tình cảm kính trọng, vẫn được tôn vinh nhất. Biến thiên của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, luật pháp không thể làm thay đổi quan điểm về lòng tự trọng. Thầy cô giáo, những người mô phạm, làm gương cho học sinh và nhân dân không thể thiếu thiên lương, thiếu tự trọng. Lòng tự trọng thể hiện ở hành vi đạo đức, ở tư tưởng nhân đạo và ý chí hướng thiện, ở tư cách tác phong và bản lĩnh tri thức…

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Sứ mệnh vinh quang đòi hỏi người thầy giáo nhiều hi sinh và nỗ lực. Cách nhìn của xã hội về thầy có thể rất khắt khe. Đời sống vật chất và tinh thần của nhà giáo nhọc nhằn trăm nẻo với hành khúc bảng đen phấn trắng, bàn tay trắng. Mấy năm gần đây, không ít thầy cô giàu lên đã khơi nhiều ngại trách trong lòng dân về dạy thêm, làm thêm. 

Mấy năm gần đây đã bùng lên dư luận không tốt về lòng tự trọng của quan chức giáo dục và thầy cô giáo. Là người, thầy giáo có đủ quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng và được bảo trợ và tôn trọng. Hàng triệu nhà giáo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, luôn giữ mình, bảo trọng thực sự chiếm được lòng tin yêu và kính trọng của học sinh và nhân dân.

Nhiều danh hiệu cao quý hàng năm được trao tặng khẳng định tài năng và nhân cách nhà giáo có nhiều thành công, nhiều đóng góp. Những kết quả của Ngành Giáo dục và Đào tạo đạt được khẳng định rất nhiều nỗ lực của đội ngũ thầy cô giáo. Các nhà giáo được vinh danh và cả chưa được vinh danh vẫn thầm lặng miệt mài dạy người dạy chữ, vẫn đang gồng mình hoàn thành trọng trách vẻ vang trồng người. Những thầy cô giàu lòng tự trọng đã góp phần vẽ nên bức tranh toàn cảnh Giáo dục nước nhà thêm nhiều niềm tin và hy vọng.

Người thầy và lòng tự trọng ảnh 2Nước ngập tận nóc, thảm họa hết đường cứu chữa

(GDVN) - Giáo dục bằng cách “cấm” là giáo dục từ ngọn, phải giáo dục cho học sinh nhận thức được cách tôn trọng người khác thông qua sự tôn trọng chính bản thân mình.

Qua bao thăng biến, lòng tự trọng của người thầy không tránh khỏi quy luật ở đời. Không ít thầy cô thiếu tự trọng: học hành lơ mơ, kỹ năng chuyên môn, phương pháp giảng dạy yếu. Không ít người rơi vào vòng xoáy của tình tiền. Bả vinh hoa phú quý đã hạ gục lòng tự trọng bao nhiêu thầy cô giáo.

Báo chí gần đây đưa nhiều vấn đề nóng: thầy cô nhận quà, tiền của học sinh chuyển lớp chuyển trường, thầy cô ăn tiền vô tội vạ của học sinh, ép học thêm; lạm thu, đổi điểm, xin điểm; sai phạm quản lý, tham nhũng, trù dập đồng nghiệp…Chuyện thường ngày ở trường học còn nhiều chương hồi (không ai không biết) chưa thể nói ra hoặc không thể nói ra.

Bỏ mặc lòng tự trọng, người thầy đã quên đi ý thức về nhân cách và đạo lí, quên đi tài năng và lòng nhân ái của mình. Từ người được học hành, được đào tạo sư phạm để thành người mô phạm; người có lòng tự trọng, có thiên lương, có hiểu biết; người được học trò yêu kính, nhân dân trọng thị; không ít cán bộ, giáo viên các cấp đã dâng linh hồn cho tiền bạc. Chân dung thật của những thầy cô ấy khuất trong vẻ đẹp của kim tiền và quyền chức nên rất khó nhận ra.

Cũng vì thiếu lòng tự trọng, không ít thầy cô có hành vi, lời nói sai trái, không đúng chuẩn mực đạo đức và luật pháp. Có thể đến nay, chỉ có tòa án lương tâm phán xét những hành vi ấy. 

Lòng tự trọng bắt nguồn từ tư tưởng nhân nghĩa, coi trọng phẩm cách và giá trị con người mình, sống vì người khác, tôn trọng người khác, nhằm làm đẹp cho xã hội cộng đồng. Nói cách khác, lòng tự trọng có bản chất văn hóa và tinh thần nhân văn. Người có lòng tự trọng biết tiếp thụ sự giáo dục đúng đắn, chu đáo, tốt đẹp từ gia đình mình, nhà trường và xã hội. 

Ba môi trường giáo dục này trong sáng, lành mạnh sẽ đào tạo những con người có lòng tự trọng với những phẩm cách tốt đẹp. Mỗi thầy cô giáo cần tự giáo dục, tự điều chỉnh hành vi của mình theo truyền thống đạo lí dân tộc và lối sống có văn hóa, để trở thành người lương thiện, biết mình hiểu người, để làm người có lòng tự trọng.

Thương trường xâm nhập, xã hội hóa giáo dục, thầy cô giáo cần nhận thức đúng về danh dự, nhân phẩm, kiềm chế và cẩn trọng nhằm hạn chế sai sót, lỗi lầm và dám sửa chữa lỗi lầm. Thầy cô giáo luôn nuôi dưỡng và giữ gìn lòng tự trọng, xứng đáng với tình yêu kính của trò và sự ngưỡng vọng của nhân dân.

NGUYỄN VĂN LỰ