Nguyên Bộ trưởng GD: Càng hiện đại, càng nhiều bằng giả!

28/09/2011 06:56
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Vấn nạn sử dụng bằng giả, điểm giả, đã xuất hiện từ lâu. Trong thời gian gần đây, dư luận lại phẫn nộ trước việc nhiều quan chức dùng nó như một công cụ.
Nguy hiểm hơn khi những kiến thức vô danh từ những tấm bằng đó được một số vị quan chức, lãnh đạo lấy đó là công cụ để quản lí cấp dưới và khi đó toàn xã hội vô tình trở thành “nạn nhân” của hệ quả thương mại hóa.
Để nhìn nhận vấn đề sáng tỏ hơn, Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời là Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Việt Nam về vấn đề trên.

Bằng giả là tột cùng của sự tiêu cực
Thưa GS, tồn tại thực trạng sử dụng bằng thật nhưng kiến thức giả, hay bằng giả tràn lan như hiện nay, nguyên nhân là ở đâu?GS Phạm Minh Hạc: Thực tế, vấn đề này đã nổi cộm từ đầu thế kỷ XIX, sau khi tôi đề xuất thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định đợt thanh tra bằng giả vào năm 2004. Sau một thời gian thanh tra đã phát hiện được trên 10.000 trường hợp vào thời điểm đó. Nhưng từ đó tới giờ, chúng ta lại làm không thường xuyên việc thanh tra nữa. Hiện nay cũng đã phát hiện được thêm nhiều trường hợp từ Bắc – Trung  - Nam. Trong đó có nhiều cán bộ quản lí từ cấp thấp cho tới cấp cao (cấp Bộ, ngành) sử dụng văn bằng giả mạo trong khi còn đương chức. Nguyên nhân thì có nhiều, trước hết là do tiêu chí tổ chức cán bộ của chúng ta chưa rõ ràng. Thí dụ như bằng loại này thì phải vào đâu làm. Đến một cấp nhất định như từ huyện trở lên tới Bộ thì phải có bằng đại học chẳng hạn. Hay bây giờ là phải thạc sỹ, tiến sỹ. Cho nên động cơ chủ yếu là kiếm lấy một mảnh bằng để đề đạt chức danh.Thứ hai, hiện nay chúng ta tuyển dụng không đánh giá bằng năng lực mà lại đánh giá theo hồ sơ. Và thời buổi thị trường có những hiện tượng thương mại hóa giáo dục (mua và bán) nhất định sẽ diễn ra. Thứ ba, rồi hiện nay lại có chuyện liên kết đào tạo với các trường nước ngoài, thực tế nhiều trường rởm ở nước ngoài mà trong nước mình không biết, chúng ta liên kết với họ có khi chỉ cần trả một lượng tiền nhất định là có một tấm bằng tiến sỹ nào đó, hay tấm bằng theo mong muốn. Hay có thể học qua loa, thậm chí 6 tháng cũng có thể có một bằng đại học. Nói như vậy để thấy rằng, có được tấm bằng hiện nay không phải là khó như trước kia, có thể rút ngắn thời gian và bằng mọi cách khác nhau người ta vẫn có thể có bằng. Nhưng tôi nghĩ, vấn đề quan trọng là đạo đức xã hội hiện nay đang có nhiều vấn đề, trong đó xã hội thương mại, xã hội hàng hóa cũng làm ảnh hưởng tới đạo đức xã hội. Đạo đức con người phần lớn là tốt nhưng có những người lại không giữ được, cũng sa đà vào tình trạng mua bán bằng cấp, do vậy đạo đức của cán bộ cũng có phần xuống cấp.Phải chăng, xã hội chúng ta đang chuyển hóa theo số lượng, coi trọng bằng cấp hơn là đi tìm người tài, giỏi? Chúng ta phải phân ra thành nhiều loại. Thí dụ như các Doanh nghiệp tuyển dụng thì bằng khác, các cơ quan Hành chính sự nghiệp như Giáo dục, Y tế thì sử dụng bằng khác, các cơ quan Đoàn thể lại khác và các cấp Chính quyền và Đảng lại khác. Tức là có nhiều loại tuyển dụng như thế thì phải xem loại nào là hợp lí nhất, cái đó chúng ta chưa nghiên cứu tới nơi tới chốn. Bằng cấp bây giờ là một tiêu chí bình thường trong xã hội công nghiệp, vì phải tiêu chuẩn hóa. Trong thời đại công nghiệp, muốn gì cũng phải có tiêu chuẩn, nhưng tiêu chuẩn hóa mà thực chất thì còn được, nhưng đồ giả thì không chấp nhận được.  Chúng ta còn yếu so với nước ngoài, thậm chí chỉ là doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài ở chỗ, trước khi muốn vào làm các ứng viên phải qua bước phỏng vấn để xem trình độ thực của ứng viên (giao tiếp thế nào, độ yêu nghề ra sao…).
GS Phạm Minh Hạc cho rằng, việc dùng bẳng giả ví như sự tột cùng của tiêu cực. Ảnh Xuân Trung
GS Phạm Minh Hạc cho rằng, việc dùng bẳng giả ví như sự tột cùng của tiêu cực. Ảnh Xuân Trung
Nói như vậy để thấy được là họ tuyển người rất thực tế. Tôi được biết, ở các nước, hai người có bằng cấp như nhau, nhưng họ sẽ lấy người làm được việc. Ngay cả khi chọn người tài cũng vậy, phải dựa vào năng lực và việc làm cụ thể. Có khi anh có bằng cấp nhưng chưa chắc anh đã làm được việc. Nhưng ở ta thì không có cái này, ta thiên về lí luận, về động cơ, lí tưởng hay ảnh hưởng bởi một quan điểm khác (như chia đều cho vùng miền…).
Như vậy có nghĩa là vấn đề quản lí chúng ta đang rất lỏng lẻo?
Đúng như vậy, vấn đề quản lí mà để tình trạng bằng giả, kiến thức giả liên tục xảy ra như hiện nay thì không thể chấp nhận được. Vì rõ ràng đây là công tác tổ chức cán bộ, đây cũng là khâu lựa chọn ra những người đứng đầu các cơ quan, các cấp, nhưng nếu chọn sai người thì yếu tố mang tính quyết định sẽ liên tiếp sai. Vấn đề này còn kéo theo cả một bộ  máy, một tổ chức, cơ sở theo đó sẽ bị hỏng. Tôi cho rằng, nếu cứ để tình trạng như thế chẳng khác nào ví đây là sự tột cùng của tiêu cực. Và cũng là nguy cơ lớn nhất của mọi nguy cơ, vì những đội ngũ được chọn là những thành phần cốt cán, nòng cốt mà hỏng thì cả thân thể sẽ tàn tụa theo. Vấn đề liên quan nữa là cải cách hành chính. Đã có tư tưởng mua bằng thì làm sao mà cải cách hành chính được. Như vậy, chẳng khác nào chúng ta cứ hô khẩu hiện rút gọn từ nhiều cửa xuống một cửa, nhưng tôi nghĩ một cửa đó lại có nhiều khóa nữa đấy. Giá trị của giới trẻ trong 20 năm qua bị đảo lộnÔng  suy nghi thế nào khi có ý kiến nói rằng, việc dùng bằng giả, mua bằng có liên quan hay mối quan hệ với tệ tham nhũng? Cũng có thể lắm chứ, vì khi một người bỏ ra số tiền để mua bằng với mục đích là thăng quan tiến chức, thì sau đó họ phải có mục tiêu kiếm lại được với số tiền đã bỏ ra và số tiên đó phải có lãi. Cái này là vấn đề vụ lợi cá nhân chứ không cho nhân dân, cho một Đảng nào cả và cần phải lên án mạnh.Như vậy, rõ ràng vấn đề đạo đức của một số quan chức hiện nay đang biến chất? Vấn đề này phải có một đánh giá chung, chứ không thể nói chung về đạo đức được. Quan chức thì có nhiều cấp, nhiều ngành. Tuy nhiên, trong một công trình nghiên cứu của tôi, hiện nay thang giá trị của cán bộ cũng như thanh niên, sinh viên và của xã hội nói chung trong 20 năm qua nó đang đảo lộn rất ghê gớm, tôi không tiện nêu ra ở đây.  Hiện nay, thước đo giá trị cán bộ của chúng ta chưa có điều kiện nào để làm giá trị chuẩn mực. Thước đo giá trị của cán bộ hiện nay không thích ứng, chủ yếu đo theo cảm tính, chưa chuẩn xác về số lượng, định lượng lẫn định tính.Theo ông, để giá trị thực của con người và xã hội được công bằng như tuyển dụng thực chất được nhân tài, đi vào chất lượng. Đối với giai đoạn hiện nay chúng ta cần làm gì? Quy luật là những người tài phải được trọng dụng, vai trò của nó lớn lắm. Tôi thích dùng từ những người tài là những người đầu tầu của nguồn nhân lực. Trong sản xuất cũng thế, những người đứng đầu giỏi sẽ đạt được năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn. Hơn nữa, nhân tài muốn gì thì muốn phải có một điều kiện sống, đó là lương. Ngày trước, nước ta có chế độ học điền (người đi thi tiến sỹ về ở làng nào là làng đó phải cấp ruộng), nhưng bây giờ tôi thấy nhiều vị Giáo sư già mà vẫn phải ở trong ngôi nhà chật hẹp, chẳng ra gì. Phải làm sao cho giới trẻ và xã hội thấy được rằng, những ngành nghề, những công việc mà họ đóng góp cho đất nước  không phải là cái gì đó mơ hồ, là ngõ cụt.
Xin cảm ơn ông!
Xuân Trung (thực hiện)