Nguyên Bộ trưởng GD Phạm Minh Hạc góp ý việc giảm tải SGK

23/08/2011 07:26
Xuân Trung
(GDVN) - "SGK lĩnh vực xã hội thừa rất nhiều câu từ, thiếu kĩ năng, thừa tri thức" nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc nói

Khi  biết được tin Bộ Giáo dục và Đào tạo có lộ trình thực hiện giảm tải chương trình SGK từ lớp 1 đến lớp 12, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, đó là điều đáng mừng vì hiện nay chương trình SGK đang có vấn đề. “Bước vào năm học mới, lãnh đạo Bộ đã có quyết định giảm tải chương trình học và SGK. Điều đó chứng tỏ ý kiến đông đảo của các nhà giáo, phụ huynh trong toàn quốc đã được Bộ lắng nghe”.

Điều chỉnh kiến thức địa phương?

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong năm nội dung giảm tải SGK năm nay sẽ tính đến việc rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương.

Về nội dung này, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, mục tiêu của chúng ta trước khi tính tới chuyện giảm tải là đang ở trong một phạm trù không gian và thời gian nhất định, do vậy tính chất, hoàn cảnh xã hội phải được thể hiện như thế nào trong SGK: “Tôi nghĩ cần có một bộ SGK chung, nhưng chúng ta cũng phải tính đến việc truyền đạt, giảng dạy thì mỗi địa phương có một đặc thù khác, cái gì chung của cả nước, cái gì riêng ở địa phương và cần có mức độ, tỉ lệ hợp lí giữa các vùng. Vấn đề này cần phải bàn thảo” GS Hạc cho biết.

Thực tế, vấn đề quá tải chương trình SGK Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân là thời gian dạy học ít, nhưng lượng kiến thức đòi hỏi phải trang bị cho các em rất lớn. Thêm nữa, lực lượng giáo viên còn hạn chế về phương pháp dạy học theo hướng đổi mới.

Từ ngữ, câu cú trong SGK quá rườm rà

Chương trình SGK có vấn đề, nhiều khi dài dòng không cần thiết. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, nguyên tắc của việc giảm tải này phải đảm bảo không phá vỡ cấu trúc của chương trình SGK hiện hành. Có thể cắt bớt nội dung ở những phần không hợp lí trên cơ sở vẫn đảm bảo giữ được mạch của chương trình.

Chia sẻ về vấn đề này, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, thực tế hiện nay có quá nhiều từ ngữ, câu cú thừa, rườm rà trong sách thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. “Chữ thừa trong sách khoa học xã hội rất nhiều, bên cạnh đó chúng ta vẫn thiếu nhiều kĩ năng trong SGK, mặc dù từ những năm 1985 và năm 1990 Bộ đã ban hành văn bản trong việc dạy học ở SGK phải đạt được ba thành phần: Tri thức, kĩ năng và thái độ (đạo đức), nhưng chúng ta chỉ làm được phần tri thức là chính, kĩ năng hầu như không có, thái độ rất ít. Tức là chúng ta thiếu thực hành trong việc học. Giáo dục trước hết dạy cho con người biết sống, sống trước hết phải có kĩ năng, cái này chúng ta đang thiếu”.

SGK hàn lâm

Theo GS Hạc, ngoài cái thiếu ở trên, chương trình SGK hiện hành đang mang nặng yếu tố hàn lâm, muốn học sinh trở thành những “vĩ nhân” ngay tức thì thử hỏi có bao nhiêu tỉ lệ được như thế. “Nhiều giáo viên tiểu học kêu với tôi là chương trình toán tiểu học quá nặng so với sức chịu đựng của học sinh. Ngược lại, các môn sinh vật, lịch sử ở cấp phổ thông lại được học quá ít. Đó cũng là điều mất cân đối. Hơn nữa, ở lĩnh vực môn nào cũng muốn học sinh phải trở thành nhà toán này, nhà vật lí kia ngay được. Như vậy là chưa đúng”

Nhìn lại "thảm hoạ" môn sử năm nay

Lấy ví dụ điểm thi Lịch sử năm nay thấp đột biến để minh chứng cho sự bất hợp lí trong chương trình SGK phổ thông, GS Phạm Minh Hạc dẫn chứng, hiện tại lượng giờ cho môn sử ở lớp 10 và 11 là 90 phút/tuần, lên lớp 12 được giảm xuống còn 60/tuần. Theo GS Hạc, thử hỏi với lượng kiến thức trong SGK nhiều như vậy thì giáo viên lấy đâu ra thời gian để dạy, chuyện thường xuyên cháy giáo án là bình thường.

GS Phạm Minh Hạc thẳng thắn: “Nhiệm vụ của người viết sách là phải biết chọn lọc câu cú. Hơn nữa, tôi lấy ví dụ ngay trong SGK lịch sử lớp 12, kiến thức còn thiếu tính thực tế. Viết sử tối thiểu phải có sự kiện và  nhân vật, nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì người thầy không thể nói được cái tinh túy của môn sử. Thế nên, sách viết làm sao phải hội tụ ngoài sự kiện, nhân vật còn phải có ý nghĩa, vận dụng vào điều kiện thực tế như thế nào thì mới đạt hiệu quả cao” GS Hạc nói.

Theo GS Hạc, ngay như trong SGK lịch sử phổ thông, những sự kiện nào không lớn lắm thì nên rút ra. Ngoài ra, phần lịch sử thế giới không nên chiếm số lượng nhiều quá. Lịch sử thế giới nên biết qua các đại thể từ các thời đại là đủ, ngược lại sử Việt Nam phải được viết nhiều hơn.

 

 Không chỉ là giảm tải, mà phải...

Tuy nhiên, để chương trình giảm tải được hiệu quả, GS Hạc chỉ ra một số vấn đề khiến chương trình SGK không còn phù hợp với thời đại.

GS Hạc cho rằng, chính phương pháp dạy học kết hợp với nội dung sách khô cứng là điều khiến học sinh không hứng thú học.

Để tình trạng SGK hiện nay bi đát, khô cứng, theo GS Hạc thì trong tình hình hiện nay các giờ học đang trở nên hành chính hóa. Chúng ta đặt mục tiêu giảm chỗ này, bớt chỗ kia nhưng nếu các tiết dạy của giáo viên vẫn cứng nhắc, máy móc, dập khuân thì không thể đạt được mục đích của việc giảm tải.

Trước lo lắng, việc giảm tải sẽ ảnh hưởng tới tâm lí của học sinh khi cho rằng, giảm tải sẽ giúp học sinh không còn áp lực và trở nên lười học. GS Hạc cho biết, giảm tải không có nghĩa làm cho học sinh lười học, chăm học hay không không phải ở quyển sách dầy hay mỏng. Giảm tải còn theo nghĩa, học sinh học để cảm thấy phục vụ cho chính bản thân mình, cho sự tồn tại của xã hội và cả cộng đồng. 

 Theo GS Nguyễn Lân Dũng, giảm tải chương trình SGK hiện nay chỉ ở mức tình thế. Cần tham khảo những chương trình giáo dục của nước ngoài, có nhiều bộ sách giáo khoa tốt, đồng thời để học sinh chủ động được lựa chọn học theo bộ SGK phù hợp.


“Muốn giảm tải chương trình và SGK, phải xác định mục tiêu đào tạo cụ thể của từng cấp học trong từng giai đoạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đánh giá được chương trình hiện nay thiếu cái gì, thừa cái gì”.   
Xuân Trung