Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục mong gì ở Hiệp hội lớn?

10/12/2014 07:11
Xuân Trung
(GDVN) - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam sẽ đại hội thành lập trong vài ngày tới, nơi hội tụ các trường trong cả nước vì mục tiêu cho nền giáo duc phát triển

LTS: Giáo dục đại học ngoài công lập trong những năm qua đã đóng góp cho xã hội một lực lượng nhân lực đáng kể, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập Việt Nam từ khi ra đời cho tới nay đã thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục, giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước và từng bước khẳng định được vị thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học. 
Trong những năm qua, việc ra đời Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập Việt Nam (VIPUA) đã tạo điều kiện cho các trường có được tiếng nói, những đóng góp về mặt chủ trương, chính sách thiết thực cho nhà nước. Thực tế, nhiều nội dung góp ý từ VIPUA, từ các trường đã được Nhà nước tiếp thu và đang thực hiện triển khai. 

Tuy nhiên, với xu hướng phát triển của thời đại đòi hỏi cần có một sân chơi bình đẳng giữa các trường ĐH, CĐ Công lập và Ngoài công lập, thực hiện chủ trương của Nhà nước và Chính phủ, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam được thành lập để đáp ứng nguyện vọng chung. 

Thực hiện chuyên đề trước thềm Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam lần lượt chuyển tải tới độc giả những bài viết bày tỏ lòng tri ân với VIPUA và các cá nhân đóng vai trò “khai quốc công thần” của VIPUA để thấy được ý nghĩa và nhiệm vụ vinh quang mà VIPUA đã thực hiện trong thời gian qua.

Trải qua nhiều thăng trầm cùng VIPUA

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Ngoài công lập Việt Nam (VIPUA) nhớ lại thời gian đầu với ý tưởng thành lập một Hiệp hội với mục đích để giúp các trường phát triển.

Sau khi nghỉ công tác quản lý, PGS. Trần Xuân Nhĩ và GS. Trần Hồng Quân (Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) luôn đau đáu suy nghĩ một điều giáo dục Việt Nam mình chưa tới đâu, trong khi các nước giáo dục rất phát triển, nhà nước luôn tạo điều kiện để cho các trường đại học phát triển, vấn đề làm thế nào để các trường được tự chủ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục mong gì ở Hiệp hội lớn? ảnh 1

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch VIPUA.

Bản thân PGS. Trần Xuân Nhĩ trước khi nung nấu thành lập Hiệp hội ông và các đồng nghiệp đã sang thăm Đài Loan, tại đây ông đã chứng kiến số trường ngoài công lập mọc lên rất nhiều, nhà nước hết sức ủng hộ các trường ngoài công lập (cho mượn tiền và cho đất để xây dựng trường). Thậm chí ở Đài Loan nhà nước xây hẳn trường rồi giao cho một tập thể quản lý và đào tạo. 

Ở nước ngoài là vậy, nhìn về Việt Nam phần lớn các trường đại học lại được nhà nước bao cấp. Chính vì vậy cần có một Hiệp hội để tạo điều kiện hợp tác, đồng thời tư vấn với nhà nước về chính sách, làm thế nào cho giáo dục đại học được phát triển. Từ đó Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập (VIPUA) ra đời.

Ngay từ đầu thành lập sự quan tâm của Nhà nước đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chưa được nhiều, thậm chí người gây dựng trường đem tiền, đem của nhưng cũng chưa được sự giúp đỡ, trong khi đó các trường vẫn phải chịu thuế. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục mong gì ở Hiệp hội lớn? ảnh 2Nền móng cho ngôi nhà chung các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam

(GDVN) - Ngày 18/5/2004 là ngày quan trọng trong dấu ấn cho sự ra đời của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam, khi chính thức được Bộ Nội vụ công nhận.

PGS. Trần Xuân Nhĩ cũng trao đổi, ngay từ những năm 1988 ý tưởng cho các trường ngoài công lập nhen nhóm với tiền thân là Trung tâm đại học Thăng Long.  Cho tới năm 1994 mới bắt đầu ra đời một số trường đại học ngoài công lập như Đại học Duy Tân, Đại học DL Hải Phòng, Đại học Thăng Long…

Ngay từ những năm 2007 Nhà nước đã bắt đầu có những quyết định về xã hội hóa và thời điểm đó là Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có ý tưởng phát triển mạnh các trường ngoài công lập, tỷ lệ có thể 40-60%, trường nhà nước chỉ số ít.

“Một khi nhà nước đã có ý tưởng như vậy thì phải tạo mọi điều kiện để cho các trường ngoài công lập phát triển. Và giữa công lập và ngoài công lập không còn khác biệt. Và từ năm 2007 thì VIPUA ra đời, tuy nhiên từ đó đến nay cũng gặp nhiều trở ngại” PGS. Nhĩ bày tỏ.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam được ra đời đáp ứng mọi nguyện vọng của các trường, của tầng lớp trí thức. Nhìn lại quãng thời gian là lãnh đạo VIPUA, PGS. Trần Xuân Nhĩ vẫn không quên những điều còn trăn trở. Đó là các trường đại học chưa thực sự được quyền tự chủ, chưa thực sự được nhà nước hỗ trợ mặc dù đã có chủ trương xã hội hóa. 

Ngay cả các cấp chính quyền ở một số tỉnh, thành cũng chưa hiểu khi còn có những phân biệt trường công, trường ngoài công lập và không tuyển sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập. Trong lúc đó, trên thế giới những trường ngoài công lập rất có uy tín, điển hình nhất là Đại học Harvard (Mỹ). Hiện nay ở Việt Nam đang có một số trường Đại học ngoài công lập có quy mô, có chất lượng cao như Đại học Thăng Long, Đại học DL Hải Phòng, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Duy Tân…Điều đó cho thấy, giáo dục đại học ngoài công lập không phải không có chất lượng như nhiều người vẫn nghĩ.

Phó Chủ tịch VIPUA Trần Xuân Nhĩ cho rằng, với các trường ngoài công lập đã gánh đỡ cho nhà nước rất nhiều, vậy thì sao chúng ta không ủng hộ? 

Băn khoăn thêm, PGS. Nhĩ cho biết, một thời gian vấn đề tuyển sinh đối với các trường ngoài công lập cũng gặp rất nhiều khó khăn, điển hình là chưa tạo quyền tự chủ cho các trường. 

Trong thời gian hoạt động của mình, VIPUA đã thể hiện vai trò khá đậm nét, đặc biệt trong việc tư vấn cho nhà nước những chính sách: Tự chủ như thế nào, công tác tuyển sinh phải thay đổi cách làm, tư vấn và góp ý chính sách, nhà nước không nên bao cấp nhiều mà nên chuyển dần các trường công thành các trường được tự chủ. Tất cả những tư vấn và góp ý đó hiện nay đã và đang được thực hiện.

Ba kỳ vọng đối với Hiệp hội lớn

Trao đổi thêm về nguyện vọng và mong muốn khi chúng ta có Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam (Hiệp hội lớn), PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, ông muốn Hiệp hội lớn sẽ góp phần làm cho sự nghiệp giáo dục phát triển, đồng thời làm cho chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Hiệp hội sẽ tư vấn cho nhà nước những chính sách về phát triển sự nghiệp giáo dục, trong đó nhấn mạnh giữa công- tư, nhà nước có cần “ôm” trường công nhiều tới thế không trong khi kinh phí nhà nước có hạn? Đó là câu hỏi mà sắp tới cần làm rõ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục mong gì ở Hiệp hội lớn? ảnh 3Chính thức thành lập Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam

(GDVN) - Ngày 6/11/2014 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1157/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam.

“Việc phát triển các trường tự chủ, ngoài công lập là xu hướng của thời đại. Nhiều người cho rằng, nếu chuyển sang ngoài công lập thì người nghèo có đủ tiền đi học không? Lúc đó Hiệp hội sẽ phải tư vấn cho nhà nước hãy chuyển số tiền bao cấp cho trường công thành những suất học bổng, chuyển thành tiền ngân hàng để cho vay lãi suất thấp. Vay tiền để đi học thì khi học trên đồng tiền mình bỏ ra người học sẽ có trách nhiệm hơn” PGS. Nhĩ nêu quan điểm.

Mong muốn thêm của PGS. Trần Xuân Nhĩ, khi Hiệp hội lớn ra đời cần có vai trò kiểm định chất lượng giáo dục. Có thể tạo điều kiện cho mọi người học nhưng vấn đề cuối cùng cho xã hội sẽ nằm ở chất lượng, do đó Hiệp hội lớn làm thế nào để kiểm định được chất lượng các trường đại học.

Tiếp sau đó là vai trò tổ chức, liên kết các trường lại với nhau khi cùng tham gia Hiệp hội lớn. Theo ý tưởng của PGS. Nhĩ có thể tổ chức các trường để làm một thư viện nối mạng. Ngoài ra, có thể liên kết bồi dưỡng giáo viên, các trường có bề dày, có truyền thống có thể bồi dưỡng cho các trường còn non trẻ. 

Xuân Trung