Nguyên Vụ trưởng đại học chỉ ra cách hiểu đúng về phân tầng, xếp hạng

29/03/2016 07:13
GS. TSKH Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Hiểu thế nào cho đúng nghĩa phân tầng và xếp hạng đại học để từ đó đưa hệ thống giáo dục đại học phát triển, tiến kịp các nước là điều cần trao đổi và tiếp thu

LTS: Tiếp theo bài trước, trong bài này GS. TSKH Lâm Quang Thiệp sẽ đưa ra phương hướng giải quyết bài toán phân tầng giáo dục đại học. Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Lời giải phân tầng giáo dục đại học

Như đã nói ở bài trước, thuật ngữ phân tầng giáo dục đại học mới bắt đầu được đưa vào từ Luật giáo dục đại học năm 2012 và được cụ thể hóa gần đây nhất ở Nghị định 73/2015/NĐ-CP.  

Tuy nói là “cụ thể hóa” nhưng dường như ý tưởng của Luật giáo dục đại học và Nghị định 73 không hoàn toàn giống nhau.

Luật giáo dục đại học phân biệt “phân tầng” và “xếp hạng” và nêu rõ mục tiêu của phân tầng là “nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển” trong khi mục tiêu của xếp hạng là “đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo”. 

Trong khi đó Nghị định 73 không nêu rõ mà làm lu mờ sự khác nhau giữa hai mục tiêu của hoạt động phân tầng và xếp hạng đã được nêu ở Luật.

Như vậy, theo Luật giáo dục đại học thì phân tầng và xếp hạng là 2 khái niệm khác nhau: phân tầng liên quan đến sứ mạng, chức năng còn xếp hạng liên quan đến uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học. 

Tuy nhiên, theo Nghị định 73, phân tầng và xếp hạng lại được xem thuộc cùng một khái niệm, chỉ khác nhau: phân tầng là “xếp hạng” trong 3 tầng lớn, còn xếp hạng được thực hiện chi tiết hơn trong từng tầng. 

Sự khác nhau giữa “phân tầng” và “xếp hạng” 

Trên thế giới việc phân tầng giáo dục đại học, hoặc chính xác hơn, giáo dục sau trung học đã được nhiều nước thực hiện. Sau đây có thể nêu hai ví dụ rõ nhất của Mỹ và của Trung Quốc.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp đang trao đổi với phóng viên. Ảnh của Xuân Trung
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp đang trao đổi với phóng viên. Ảnh của Xuân Trung

Trường hợp Mỹ: Việc phân tầng giáo dục đại học để sử dụng các chính sách của Nhà nước tác động nhằm tạo nên một hệ thống giáo dục đại học thống nhất, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả  (unity, equity, quality & efficiency) nổi tiếng nhất của Mỹ và thế giới là phân tầng của Bang California, Mỹ.

Phân tầng được triển khai đầu tiên cho hệ thống giáo dục đại học công lập của California vào năm 1960, điều chỉnh và mở rộng ra hệ thống giáo dục đại học tư và đào tạo nghề vào năm 1987 và tiếp tục hoàn chỉnh vào năm 2009. 

Vào thập niên 1980 các chuyên gia giáo dục đại học OECD nghiên cứu hệ thống giáo dục đại học của California, thấy rõ tính ưu việt của nó, đã khuyến cáo các nước OECD nghiên cứu học tập mô hình này áp dụng cho giáo dục đại học thế kỷ 21 và gọi đó là “Giấc mơ California”.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, sự phân tầng tương đối ổn định từ năm 1960 cho đến tận đầu thế kỷ 21, có thể tóm tắt như sau:   

Thứ nhất, tầng trên cùng gồm 10 viện đại học (university) đẳng cấp cao nhất, mỗi cơ sở được đặt tên thống nhất là University of California, X, với X là tên địa điểm đặt trường (ví dụ UC, Berkeley). 

Tầng này tuyển tốp 1/8 (12,5%) giỏi nhất của số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. 

Thứ hai, tầng giữa gồm 23 viện đại học tầm trung, mỗi cơ sở được đặt tên thống nhất là California State University, Y, với Y là tên địa điểm đặt trường (ví dụ CSU, Fullerton). Tầng này tuyển nhóm 1/3 (33,3%) số học sinh tốt nghiệp PTTH kế tiếp, có quyền đào tạo đến bằng thạc sĩ (muốn đào tạo tiến sĩ phải phối hợp với các UC).  

Thứ ba, tầng dưới bao gồm khoảng 110 trường cao đẳng cộng đồng (Community College) của California, nhận bất cứ học sinh nào muốn được học đại học.

Nguyên Vụ trưởng đại học chỉ ra cách hiểu đúng về phân tầng, xếp hạng  ảnh 2

Hai bất cập lớn trong hệ thống giáo dục quốc dân

(GDVN) - Từ hai bất cập này dẫn đến hệ thống giáo dục đi chệch hướng, thậm chí sai hướng và khắc phục không hề dễ, ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn nhân lực.

Hệ thống cao đẳng cộng đồng có các chương trình đào tạo nghề từ đơn giản (vài tháng) đến phức tạp (vài năm) và chương trình 2 năm đầu đại học, được gọi là chương trình chuyển tiếp (transfer programs), cấp bằng đại học đại cương (associate degree). 

Với bằng đại học đại cương, tùy theo kết quả học tập, sinh viên có thể chuyển lên học hai tầng Đại học UC và CSU và các đại học 4 năm khác ở Mỹ. 

Hiện nay có khoảng 1600 cao đẳng cộng đồng ở Mỹ, các chuyên gia giáo dục đại học Mỹ rất tự hào về hệ thống cao đẳng cộng đồng của họ (Mỹ), vì hệ thống đó giúp mọi thanh niên Mỹ có thể “ăn cơm nhà đi học đại học”, giúp cho nước Mỹ bước vào giai đoạn giáo dục đại học đại chúng và giáo dục đại học phổ cập sớm nhất thế giới, giúp kinh tế xã hội Mỹ phát triển nhanh chóng và ổn định.

Trường hợp Trung Quốc: Theo số liệu thống kê năm 2004 [Uwe Brandenburg – Jani Zhu, 2005], Trung quốc có 1731 cơ sở giáo dục đại học công lập đào tạo chính quy.

Vào năm 1995 Chính phủ Trung Quốc đưa ra Dự án 211 nhằm xây dựng cỡ 100 trường đại học hàng đầu khi bước vào Thế kỷ 21. Trong 2 kế hoạch 5 năm Dự án này được tài trợ hơn 4 tỷ US$.

Vào năm 1998, Dự án 985 lại được đề xuất với mục tiêu xây dựng khoảng 10 trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Pha đầu của Dự án (1998-2003) đầu tư khoảng hơn 1,5 tỷ US$ cho 10 trường đại học hàng đầu, pha 2 của Dự án (2003-2008) đầu tư một lượng kinh phí lớn hơn cho 39 trường đại học.

Các trường đại học hàng đầu thường được nhắc đến là đại học Bắc Kinh, đại học Thanh Hoa, đại học Giao thông Thượng Hải v..v..  

Hiện nay Trung Quốc phân chia các trường đại học hàng đầu làm 3 tầng: 1) Tầng trên cùng là 2 đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa và 7 trường khác; 2) Tầng thứ 2 là 38 trường đại học được Dự án 985 hỗ trợ; và 3) Tầng thứ 3 là khoảng 100 trường đại học được Dự án 211 hỗ trợ. 

Các trường hàng đầu này thuộc quản lý của trung ương, các trường còn lại thuộc  quản lý của cấp tỉnh (nên lưu ý là tỉnh của Trung Quốc có quy mô lớn cỡ bằng cả nước ta). 

Qua các thí dụ trên có thể thấy các chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã chủ động phân tầng hệ thống giáo dục đại học và đưa ra các chính sách cụ thể tác động vào từng tầng để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và ổn định của hệ thống giáo dục đại học.  

Hoạt động xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học phổ biến nhất chính là hoạt động kiểm định-công nhận (accreditation) các trường đại học hoặc chương trình đào tạo đại học trong các hệ thống đảm bảo chất lượng (quality assurance) quen biết. 

Một hoạt động xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học đặc biệt được nhiều quốc gia quan tâm trong thập niên qua là xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học ở các tầng cao, mà người ta thường gọi là các trường đại học “đẳng cấp thế giới”.

Có nhiều tổ chức xếp hạng các trường đại học ở các tầng cao, được chú ý nhất là việc xếp hạng của đại học Giao thông Thượng Hải (Shangai Jieotung University - SJTU) và của Phụ trương giáo dục đại học thuộc Thời báo London (Times Higher Education Suplement – THES).  

Cả hai bảng xếp hạng đều nặng về tiêu chí nghiên cứu, tuy rằng bảng tiêu chí của THES có toàn diện hơn. Dù sao cho đến nay không có cơ quan xếp hạng nào không bị chỉ trích về các khiếm khuyết khác nhau. 

Qua việc xem xét hoạt động “phân tầng” và “xếp hạng” trên đây có thể thấy có sự khác biệt của hai khái niệm, đặc biệt là ở các khía cạnh sau đây.  

Trước hết, vì chất lượng và uy tín của một cơ sở giáo dục đại học là yêu cầu đối với mọi cơ sở giáo dục đại học ở bất cứ tầng nào, cho nên mức chất lượng cao nhất của xếp hạng không dành riêng cho cơ sở giáo dục đại học ở bất cứ tầng nào, và việc một trường đại học phấn đấu để chuyển từ hạng thấp lên hạng cao là điều hiển nhiên. 

Nguyên Vụ trưởng đại học chỉ ra cách hiểu đúng về phân tầng, xếp hạng  ảnh 3

Bậc trung học phổ thông nói có ba luồng là nhầm lẫn lớn

(GDVN) - Nhận định của GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định về Khung cơ cấu giáo dục quốc dân mà Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ.

Tuy nhiên, việc xếp một cơ sở giáo dục đại học ở một tầng nào chính là việc Nhà nước quy định sứ mạng, chức năng cho cơ sở đó để phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội nói chung, vì vậy không nên đặt vấn đề một trường đại học có thể phấn đấu để chuyển từ tầng này lên tầng khác. 

Do đó việc Nghị định 73/2015/NĐ-CP đưa ra thời hạn 10 năm để đánh giá sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học trong các tầng là không phù hợp với khái niệm phân tầng. 

Hơn nữa, động tác phân tầng thường căn cứ trên năng lực của cơ sở giáo dục đại học và dựa vào nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đó là một quyết định phân công tương đối bền vững, cho nên thường là quyết định của Nhà nước. 

Còn hoạt động xếp hạng, thì trên thế giới có khá nhiều hệ thống, mỗi hệ thống chú trọng vào các tiêu chí khác nhau và có những ưu nhược điểm khác nhau, cũng rất khó thực hiện một cách chính xác, ổn định.

Các cơ sở giáo dục đại học và công chúng lựa chọn sử dụng các dịch vụ đó tùy theo sự tín nhiệm và nhu cầu của mình. 

Nhà nước rất không nên can thiệp quá sâu vào các hệ thống xếp hạng này, do đó quy định ở điều 9 Luật giáo dục đại học về việc Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng công nhận việc xếp hạng tương ứng đối với trường đại học, trường cao đẳng có lẽ không thích hợp. 

Việc Nhà nước can thiệp sâu vào hệ thống này sẽ tạo khó khăn cho hoạt động của hệ thống, giảm sự cơ động của các cơ sở giáo dục đại học.

Nhà nước chỉ nên quản lý chặt việc phân tầng để đảm bảo có một hệ thống giáo dục đại học hợp lý, mỗi cơ sở thực hiện tốt sứ mạng và chức năng của mình, và nên thả nổi việc xếp hạng giáo dục đại học cho các tổ chức xã hội và cộng đồng giáo dục đại học thực hiện. 

Xu hướng “hệ thống đẳng cấp thế giới” về giáo dục đại học

Như đã nói trên, trong thập niên qua Nhà nước đã dành không ít sức lực để mong xây dựng được một vài trường đại học đẳng cấp thế giới, nhưng triển vọng thành công rất thấp. 

Theo tôi, có lẽ Nhà nước ta nên “tạo dựng cho mình một hệ thống đẳng cấp thế giới về giáo dục đại học hơn là tập trung phần lớn nguồn lực của mình để tạo nên một số ít cái gọi là trường đại học đẳng cấp thế giới”.

Hệ thống đẳng cấp thế giới về giáo dục đại học chính là “hệ thống giáo dục đại học nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và sự đa dạng của nền học vấn - năng lực của sinh viên do kết quả của việc đại chúng hóa.

Các trường đại học cần có các sứ mạng khác nhau và cần phục vụ nhiều loại nhóm người có lợi ích liên quan khác nhau đối với giáo dục đại học”. 

Một vài đóng góp về phân tầng giáo dục đại học 

Điều 9 Luật giáo dục đại học năm 2012 đã nêu ý tưởng tổng quát về phân tầng giáo dục đại học như sau: “Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng thành:

a) Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu;

b) Cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng;

c) Cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành”.

Chắc rằng trong tương lai không xa chủ trương phân tầng giáo dục đại học sẽ được cụ thể hóa hơn. Dưới đây tôi xin nêu một số ý tưởng cụ thể hơn về phân tầng giáo dục đại học, hoặc chính xác hơn, giáo dục sau trung học.

Tầng 1: Các cơ sở giáo dục đại học tập trung nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ. Tầng trường đại học  này có thể được hình thành từ một số trường đủ tiêu chuẩn trong 16 trường đại học trọng điểm và các trường đại học “xuất sắc” đang xây dựng.

Tầng 2: Các cơ sở giáo dục đại học tập trung đào tạo nghề nghiệp. Tầng này có thể được chia ra 2 tầng con: 

Thứ nhất, các trường đại học được đào tạo thạc sĩ và liên kết với các trường ở tầng 1 để đào tạo tiến sĩ; 

Thứ hai, các trường đại học chỉ được đào tạo tới cấp cử nhân.

Ở tầng thứ nhất có 2 trường đặc biệt là 2 đại học mở với chức năng dùng phương pháp giáo dục mở và từ xa để đào tạo số đông.

Có thể cấu trúc lại và đầu tư cho 2 đại học mở để chúng có khả năng xây dựng công nghệ giáo dục mở và từ xa tiêu chuẩn hóa nhằm làm nòng cốt đào tạo không chính quy đảm bảo chất lượng cho cả hệ thống giáo dục đại học.  

Tầng 3: Các trường cao đẳng cộng đồng và các trường cao đẳng khác. Các trường thuộc tầng này có quyền đào tạo đến bằng đại học đại cương để sinh viên chuyển tiếp học phần giáo dục chuyên nghiệp ở các trường đại học khác, cũng như đào tạo đến bằng cao đẳng.

Ngoài ra các trường cao đẳng thuộc tầng này có các chương trình đào tạo nghề ngắn hoặc dài hạn.

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp