Nhiều đại biểu thấu cảm với Bộ trưởng Nhạ

01/11/2017 15:19
Trinh Phúc
(GDVN) - “Nhiệm kỳ mới được hai năm, không phải chúng ta biện bạch cho cái sự chậm nhưng cần chia sẻ những khó khăn cho người kế thừa. Vì, kế thừa mà gần như làm lại".

Ngày mai (2/11), tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bên hành lang kỳ họp thứ 4, ngày 31/10, trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: “Tôi từng tham gia rất nhiều những cuộc thảo luận về giáo dục.

Tôi thấy, giáo dục là vấn đề luôn luôn chịu tác động mạnh mẽ từ các vấn đề xã hội và giải quyết không đơn giản chút nào".

Đại biểu Dương Trung Quốc đoàn Đồng Nai. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Đại biểu Dương Trung Quốc đoàn Đồng Nai. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ: "Việc chúng ta cố gắng xây dựng một chương trình giáo dục phù hợp với Việt Nam rất cần thiết, có thể nói đã vật vã bao nhiêu năm nay.

Chương trình phổ thông mới, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã thảo luận rất kỹ thậm chí gợi ý lùi nhiều thời gian hơn nữa. Bởi vì, chúng ta không thể biến học trò thành đối tượng thử nghiệm được.

Vì cần có thời gian trong khi chúng ta chịu áp lực của nhiệm kỳ. Chúng ta nên nhớ, khi kết thúc nhiệm kỳ trước, vấn đề giáo dục bừa bộn như thế.

Nay nhiệm kỳ mới được hai năm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải kế thừa cái cũ, để thực hiện nghị quyết mới được một thời gian ngắn.

Chuyện này, tôi mong muốn tạo thời gian nhiều hơn để có cơ sở chuẩn bị tốt hơn cho chương trình mới”.

Nhiều đại biểu thấu cảm với Bộ trưởng Nhạ ảnh 2Làm nhanh, nóng vội với giáo dục thì không thể hiệu quả được!

Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết thêm: “Vấn đề không đơn giản là xây dựng chương trình, sách giáo khoa mà sách giáo khoa đi vào nhà trường phải qua thầy cô, rồi cần điều chỉnh… Tất cả điều đó cần phải có thời gian.

Khi thảo luận chúng tôi thấy bên ngành giáo dục rất quyết tâm, muốn chỉ lùi một năm với cách tính toán cuốn chiếu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cố gắng nỗ lực không để thời gian áp dụng chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới lùi lại quá lâu.

Vì nếu lùi lại quá lâu thì sẽ bước sang một nhiệm kỳ nữa, không chừng nó rơi vào một chặng đường khác.

Tôi cho cách nghĩ nào cũng tốt, tôi nghĩ nên tạo môi trường ủng hộ cho người ta. Nhìn thấy trước khó, nhưng khó nhất ở lĩnh vực giáo dục là không cho phép sai sót, làm lại”.

Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Tôi đồng ý lùi lại để triển khai chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới để làm cho tốt hơn. Bởi vì bản thân việc xây dựng chương trình phổ thông mới khi kết thúc nhiệm kỳ trước còn bề bộn như câu chuyện môn sử bàn còn hay không còn trong chương trình mới. Trong khi, nhiệm kỳ này mới được hai năm.

Tôi phân tích như vậy không phải biện bạch cho cái sự chậm mà để chia sẻ những khó khăn cho người kế thừa. Nếu kế thừa cái gì đó thong dong, thanh thoát thì lại dễ, còn kế thừa gần như làm lại phải có thời gian để chuẩn bị tốt.

Tôi cũng chia sẻ với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cố gắng lắm khi đề xuất xin lùi một năm. Vấn đề này cũng được thảo luận rất kỹ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Đây là một ghi nhận, một sự quyết tâm, chia sẻ khó khăn, đó là một thử thách rất lớn”.

Đại biểu Bùi Văn Phương đoàn Ninh Bình (ảnh Trinh Phúc).
Đại biểu Bùi Văn Phương đoàn Ninh Bình (ảnh Trinh Phúc).

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương đoàn Ninh Bình có ý kiến: “Trong tờ trình của Quốc hội xin lùi thời gian thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.

Trong tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ lý do vì sao xin lùi. Tôi đồng tình với lý do đó. Bởi lẽ, giáo dục là vấn đề rất hệ trọng của quốc gia, không thể thiếu cân nhắc khi làm”.

Nhiều đại biểu thấu cảm với Bộ trưởng Nhạ ảnh 4Bộ trưởng Nhạ đang thuyết phục các bộ ngành cải thiện mức lương cho thầy cô

Vị đại biểu này cho rằng: “Rõ ràng, chúng ta mong muốn triển khai chương trình vào năm 2018, nhưng vì là việc hệ trọng nên cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở cơ quan chuyên môn, lắng nghe ý kiến của tất cả các nhà khoa học, của các thầy giáo, cô giáo và học sinh để hoàn thiện khung chương trình và sách giáo khoa một cách phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Chính vì thế, việc lùi lại để thực hiện cho tốt hơn, chuẩn mực hơn là rất cần thiết, không nên quá lo lắng vào việc triển khai chậm”.

Cũng theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương: “Chương trình mới cần được triển khai thì song song với nó là chuẩn bị đội ngũ cho tốt, tập huấn đội ngũ giáo viên.

Việc dạy tích hợp tôi cho là một thách thức mới. Tôi cho rằng, dạy tích hợp là đúng, thể hiện tinh thần tiếp thu tiên tiến của thế giới.

Quan trọng là do cách làm hay cũng chính là khâu chuẩn bị. Phương pháp dạy tích hợp chưa chuẩn bị đồng bộ thì chưa phát huy được.

Còn nếu triển khai dạy học theo tích hợp thì giúp học sinh có kiến thức tổng hợp và thực tiễn hơn. Các lĩnh vực, kiến thức khoa học gần nhau được tích hợp trong một bài giảng thì sau này, tiếp thu và đi vào thực tiễn sẽ giúp học sinh nhận thức tốt hơn”.

Trinh Phúc