Nhiều trường Đại học, sinh viên không dám... đi vệ sinh

03/10/2012 16:45
Theo Thanh Niên
Nhà vệ sinh ở các KTX Học viện Hành chính, ĐH Quốc gia... xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe của hàng nghìn sinh viên.
Nhiều trường nhà vệ sinh xuống cấp

Vào một sáng gần cuối tháng 9, vừa bước vào cửa nhà vệ sinh của ký túc xá (KTX) Học viện Hành chính, cơ sở TP HCM trên đường 3/2, quận 10, mùi hôi khai đã xộc vào mũi chịu không nổi.
M.Q.H, sinh viên năm thứ 2, cho biết: “Khoảng 2, 3 ngày mới có người đến dọn một lần”.
Tại đây, có 8 phòng để SV đi vệ sinh nhưng 1 phòng thì bị khóa trái cửa, 3 phòng đã bị mất mái tôn trống hoác.
Đ.L.P (sinh viên năm thứ 2) lắc đầu: “Khi trời mưa thì nước chảy xối xả nên không thể nào đi được”. KTX này có 1 trệt, 2 lầu với 72 phòng sức chứa khoảng 400 sinh viên nhưng chỉ có 3 khu nhà vệ sinh tập thể. Đã vậy, rất nhiều phòng tắm và phòng vệ sinh bị hư hỏng.

Khu vệ sinh và nhà tắm tại khu C, KTX Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM xuống cấp, tường đóng rêu.
Khu vệ sinh và nhà tắm tại khu C, KTX Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM xuống cấp, tường đóng rêu.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

N.V.H (sinh viên năm thứ 2), ngụ tại lầu 3, than: “Do số lượng sinh viên rất đông mà chỉ có 6 phòng tắm có thể sử dụng được nên mỗi lần đi tắm là phải đứng xếp hàng chờ đợi, có khi chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt mình”.
Nhà vệ sinh dành cho sinh viên của Trường CĐ Nghề TP.HCM trên đường Trần Khánh Dư, phường Tân Định (quận 1) cũng hôi hám và xuống cấp không kém. Cả 4 khu nhà vệ sinh chung dành cho nam, nữ đều bị bung cửa…
Còn hệ thống nhà vệ sinh riêng tại khu C của KTX Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (quận Thủ Đức) thì đã bị xuống cấp nhiều năm. Các bức tường nhem nhuốc, bồn cầu thì bị hư hỏng.
T.Q.T (sinh viên năm thứ 2) bức xúc: “Hồi vào ở năm thứ nhất, mình có nghe nhà trường nói là chỉ bố trí cho sinh viên ở tạm trong thời gian ngắn, sau đó sẽ cho đập bỏ khu này để dời sinh viên qua khu KTX mới nhưng chờ cả năm nay có thấy chuyển biến gì đâu? Khi nào đi thì hẵng hay chứ nếu sinh viên còn ở tại đây thì Ban quản lý phải có trách nhiệm sửa chữa lại hệ thống nhà vệ sinh cho sạch sẽ, đàng hoàng chứ”.
“Học hơn 2 năm chẳng dám đi vệ sinh”
Đến Trường dự bị ĐH TP.HCM trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), ngoại trừ nhà vệ sinh của giáo viên sạch sẽ một chút, còn lại hầu hết khu vệ sinh cho sinh viên bị xuống cấp trầm trọng và luôn bốc mùi hôi khai nồng nặc.
T.T.T (sinh viên hệ tại chức của Trường ĐH Kinh tế TP HCM) chia sẻ: “Nói thật, mình học ở đây cũng hơn 2 năm rồi nhưng chẳng dám đi vệ sinh, nhiều khi cũng bí lắm nhưng cố nhịn đợi về đền nhà đi luôn”.
Thử vào một nhà vệ sinh nằm cạnh văn phòng Công đoàn - Đoàn thanh niên ngay tầng trệt thì thấy ở đây không những quá cũ kỹ, xuống cấp mà dường như chẳng có ai dọn dẹp nên bốc mùi khai rất khó chịu. Tình trạng tương tự tại lầu 6 và lầu 8 của KTX Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (đường Trần Hưng Đạo, quận 5). Bồn cầu cũ kỹ và dơ bẩn, đèn cái sáng cái tắt ngúm từ lâu, cửa phòng hư hỏng nhưng chẳng thấy ai ngó ngàng.

Tường thấm nước, rong rêu tại nhà vệ sinh KTX Trường ĐH Nông lâm TP HCM.
Tường thấm nước, rong rêu tại nhà vệ sinh KTX Trường ĐH Nông lâm TP HCM.
Các khu vệ sinh tại KTX của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM (quận Thủ Đức) cũng không ngoại lệ. Riêng khu E mới xây dựng thì có nhà vệ sinh riêng tương đối sạch sẽ, 5 khu còn lại SV phải sử dụng nhà vệ sinh chung. Nhưng các khu này cũng bị xuống cấp trầm trọng và hằng năm nhà trường chỉ sửa chữa, chắp vá tạm thời để gắng gượng trong khi chờ xây dựng KTX mới. Hiện tại, một số nhà vệ sinh ở đây bị thấm nước nghiêm trọng, tường phủ đầy rong rêu, cửa bị hư hỏng, bung chốt khóa…
“Cố gắng lắm rồi mới được như thế”
Ông Võ Văn Thưa, Giám đốc KTX Trường ĐH Nông lâm TP HCM, phân trần: “Chúng tôi cũng đã cố gắng đầu tư, nâng cấp dữ lắm rồi nên các khu vệ sinh mới được như thế. KTX này xây dựng cách đây vài chục năm nên hiện tại đã bị xuống cấp là điều hiển nhiên. Hằng năm chúng tôi chỉ có một khoản kinh phí nhỏ để dự phòng cho việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục. Nói chung bị hư chỗ nào thì sẽ sửa chữa, khắc phục tạm thời chỗ đó thôi. Nếu bây giờ muốn sửa chữa lớn các nhà vệ sinh thì không có kinh phí để làm. Để làm được, phải chờ ở trên rót kinh phí xuống”.
Đặt vấn đề tại sao các nhà vệ sinh bị hư hỏng, xuống cấp đã lâu sao không được sửa chữa, ông Nguyễn Phương Vũ, Trưởng ban Tự quản KTX Học viện Hành chính, cơ sở TP HCM, cũng bảo: “KTX này có rất nhiều hạng mục bị hư hỏng và xuống cấp như hệ thống điện, nước, hành lang, ban công… chứ không riêng gì nhà vệ sinh”. Ông Vũ nói thêm: “Chúng tôi đã kiến nghị với Phòng Hành chính tổ chức của trường để sửa chữa lại các hạng mục bị xuống cấp nhưng nhà trường chỉ mới làm lại hệ thống điện, nước còn nhà vệ sinh thì chưa”.
Học sinh… bí tiểu

Một phụ huynh của Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM), phản ánh: “Con gái tôi thường xuyên nín tiểu, có những ngày về đến nhà, cháu chạy ngay vào nhà vệ sinh, ngồi trong đó nửa tiếng đồng hồ mà không đi tiểu được. Hỏi thì cháu cho biết sợ vào nhà vệ sinh của trường vì dơ”.

Nhiều phụ huynh của Trường tiểu học Đống Đa (cơ sở 2) tại quận Bình Thạnh cũng bày tỏ bức xúc khi con họ liên tục phải “nhịn” vệ sinh khi đến trường. Chúng tôi đã đến trường để tìm hiểu thực hư. Đây là một ngôi trường cũ, các phòng vệ sinh khá thô sơ. Mới đầu giờ sáng, chỉ đi ngang qua, đã cảm thấy mùi rất khó chịu.

Ông Ao Hữu Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận: “Trường có hơn 200 học sinh bán trú, nhưng chỉ có một người phụ trách vệ sinh. Vì vậy, có những lúc trời mưa gió, nhân viên này dù đã làm việc hết sức cũng khó đảm bảo được việc dọn dẹp vệ sinh cho toàn trường”.

Nguy hiểm đến sức khỏe

"Mỗi tuần, khoa niệu thận của bệnh viện tiếp nhận và khám hàng chục ca có liên quan đến các bệnh như tiểu lắt nhắt, tiểu gắt, tiểu khó, tiểu dầm… ở trẻ trong độ tuổi đi học, trong đó nhiều nhất là học sinh tiểu học. Y học quy căn bệnh này là rối loạn đi tiểu do bàng quang không ổn định. Nếu nhịn tiểu quá lâu, bàng quang giãn to và áp suất trong bàng quang tăng cao, nước tiểu có nguy cơ trào ngược lên niệu quản, thậm chí lên thận. Nếu như nước tiểu trong bàng quang có sẵn vi trùng thì tình trạng trào ngược sẽ khuếch tán lên niệu quản, thậm chí lên thận. Khi bị nhiễm trùng tiểu cao, thường gây tổn thương, sẹo thận (thận mất chức năng vùng sẹo)".

Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Khoa Thận niệu - Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM

Tác động không tốt đến tâm lý

"Học sinh nhịn tiểu trong giờ học sẽ gây nhiều tác động không tốt đến tâm lý. Các em cảm thấy bứt rứt, không tập trung, không chú ý học hành".

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh.

Theo Thanh Niên