Những chuyện lượm nhặt trong buổi dự lễ kỉ niệm 20/11

20/11/2016 07:58
Nguyễn Cao
(GDVN) - Trên đường về nhà tôi cứ nghĩ ngợi mãi hai câu chuyện mà mình đã chứng kiến. Và giá như nhà trường có nên cư xử khác hay không?

LTS: Ghi lại những điều còn suy tư trong buổi dự lễ kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, thầy Nguyễn Cao đặt ra nhiều câu hỏi về cách ứng xử và tổ chức của nhà trường.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết!

Sắp đến ngày 20/11, cậu con trai đi học về hí hửng đưa cho tôi một thư mời của nhà trường mời vào dự lễ kỉ niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam.

Cũng là giáo viên nhưng trường tôi kỉ niệm trước một ngày nên ngày trường con trai tổ chức tôi đã tranh thủ vào dự.

Học sinh tặng hoa thầy cô giáo ngày 20/11. (Ảnh: nld.com.vn)
Học sinh tặng hoa thầy cô giáo ngày 20/11. (Ảnh: nld.com.vn)

Phải nói rằng, trường con tôi đang theo học được Ban giám hiệu nhà trường chuẩn bị khá chu đáo cho buổi lễ, từ khâu trang trí, đón tiếp khách đến cả nội dung chương trình buổi lễ.

Nhìn thấy có quan khách và phu huynh học sinh vào dự khá đông nên tôi tôi tìm một ghế phía sau ngồi dự lễ.

Sau phần nghi thức là đến phần phát biểu của Ban giám hiệu; Công đoàn; Học sinh; Giáo viên; Hội cha mẹ học sinh rồi phát biểu chỉ đạo của cấp trên… 

Nói chung tất cả các thành phần dự lễ đều có người đại diện phát biểu.

Những chuyện lượm nhặt trong buổi dự lễ kỉ niệm 20/11 ảnh 2

"Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học"

Không khí buổi lễ khá trang nghiêm và có phần trang trọng khiến những người phụ huynh như chúng tôi thấy an lòng khi con mình được học trong mái trường như vậy.

Sau phần lễ thì cô dẫn chương trình nói lời cảm ơn các vị đại biểu và các phụ huynh đã bớt chút thời gian đến dự lễ chung vui cùng nhà trường.

Và, cô bắt đầu xướng tên các tổ chức đoàn thể, cá nhân đã ủng hộ tiền cho nhà trường trong buổi lễ. Cô đọc lần lượt từng người bao nhiêu tiền một cách cụ thể và chi tiết.

Sau khi được cô dẫn chương trình xướng tên từng người, nhiều đại biểu và phụ huynh nhìn nhau, người vui vẻ, có người lặng lẽ cúi đầu. 

Một số đại biểu và phụ huynh đứng lên tiến về bàn đón tiếp của nhà trường để đưa những chiếc phong bì của mình đã chuẩn bị sẵn.

Trên lễ đài cô dẫn chương trình tiếp tục công việc mình là mời phó Hiệu trưởng lên công bố các quyết định khen thưởng giáo viên và học sinh. 
Rồi lần lượt các giáo viên và học sinh lên nhận phần thưởng. 

Tôi cũng không chú ý nhiều đến phần này nhưng thấy sau khi lên nhận phần thưởng phong trào xong thì mấy thầy cô ngồi phía trước xúm đầu vào to nhỏ cùng nhau. 

Vì ngồi phía sau nên tôi nghe các thầy cô nói với nhau rất rõ, một cô nói: "Thi như vậy thì thi làm gì, ai đời giáo viên lại thi cùng học sinh thì học sinh làm sao mà làm lại với giáo viên". 

Một thầy nói thêm: "Chưa thi tôi đã biết nhóm chuyên sẽ đạt giải rồi. Học sinh Tiểu học thì làm thế nào được mà làm, thành ra mỗi lớp chúng ta chỉ có một giáo viên chủ nhiệm thì làm sao mà đấu lại với giáo viên chuyên cả gần chục người. 

Nào là giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc, tiếng Anh, Thể  dục. Mà, mấy thầy cô ấy đa phần còn trẻ cả, còn như tôi và các cô ở đây đều già rồi, làm thì làm chứ làm sao thi lại với người ta.

Chắc tới họp hội đồng, tôi sẽ có ý kiến với Ban giám hiệu về chuyện này…"


Những mẩu chuyện to nhỏ chắp nhặt ấy tôi đã lần ra câu chuyện mà mấy thầy cô đang trao đổi với nhau.

Thì ra, nhà trường phát động làm báo tường.

Những chuyện lượm nhặt trong buổi dự lễ kỉ niệm 20/11 ảnh 3

"Tôi chúc các thầy cô mạnh khỏe, hạnh phúc"

Mỗi lớp làm một tờ, còn các giáo viên chuyên trong nhà trường không chủ nhiệm thì làm một tờ nên một số giáo viên chủ nhiệm so bì bởi học sinh tiểu học thì các em đâu giúp được gì nên một mình cáng đáng.

Còn nhóm giáo viên chuyên thì có cả gần chục người nên tờ báo tường của họ đẹp hơn, nội dung tốt hơn nên giành giải nhất.

Mải theo dõi câu chuyện của mấy thầy cô phía trên nên đến khi nghe cô giáo dẫn chương trình tiếp tục đọc sách ủng hộ tiền nhà trường lần thứ 2 và tuyên bố kết thúc buổi lễ tôi đứng lên cùng các phụ huynh ra về. 

Đám học sinh thì nháo nhào chạy lại tặng hoa, quà cho thầy cô, nhiều phụ huynh kéo con lại chỗ sân lễ để đứng bên những lẳng hoa để chụp hình…

Trên đường về nhà tôi cứ nghĩ ngợi mãi hai câu chuyện mà mình đã chứng kiến. Chuyện nhà trường công bố danh sách từng phụ huynh tặng tiền cho nhà trường liệu có cần thiết không nhỉ?

Khi đọc lên, người tặng nhiều thì vui vẻ ra mặt, người tặng ít thì lặng lẽ âm thầm. Rồi, những phụ huynh không có tiền tặng cho nhà trường mà ngồi dự lễ chắc họ sẽ tủi thân lắm. 

Nhà trường mời họ đến dự lễ là đến chung vui trong ngày tri ân thầy cô giáo… hay là vì mục đích nào nữa?
 
Và, với cách xướng danh từng người và cả số tiền đó có thực sự cần phải làm không. Bởi đây là một việc hoàn toàn tế nhị. 

Giá như gần kết thúc buổi lễ người dẫn chương trình chỉ cần nói lời cảm ơn phụ huynh đã đến chung vui cùng nhà trường và đã có sự đóng góp, ủng hộ nhà trường về vật chất thì có lẽ chắc nhiều phụ huynh không phải suy nghĩ đến chuyện… nếu được mời ở lần sau.

Còn chuyện làm báo tường thì tại sao Ban giám hiệu nhà trường khi lên kế hoạch lại không nghĩ đến những chuyện thắc mắc về sau. 

Tại sao lại cho giáo viên làm báo tường thi cùng với học sinh. Làm sao những em học sinh Tiểu học có thể giành giải được với nhiều thầy cô giáo của mình nhỉ?

Giá như nhà trường chỉ cho các lớp thi với nhau thì mọi chuyện đâu phải để giáo viên xì xầm to nhỏ, gây nên sự tị nạnh không cần thiết với nhau.

Mỗi năm có một ngày Nhà giáo Việt Nam để tri ân thầy cô giáo, thiết nghĩ các Ban giám hiệu nhà trường cũng không cần nghĩ đến chuyện “xã hội hóa buổi lễ” như một số địa phương đã và đang làm.

Một vài triệu bạc có thấm tháp vào đâu với kinh phí hoạt động của một đơn vị sự nghiệp. Bởi nhiều phụ huynh có kinh tế khó khăn họ sẽ rất ngại mỗi khi nhận được thư mời của nhà trường. 

Những chuyện tế nhị tưởng nhỏ mà không hề nhỏ đối với Ban giám hiệu nhà trường trong việc lãnh và chỉ đạo công việc hoạt động của đơn vị mình.

Nguyễn Cao