Niềm tin vào Bộ Giáo dục cứ vơi dần

12/11/2014 11:47
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ Giáo dục lý giải sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa "chuẩn" âu cũng là chuyện dễ hiểu, nhưng khổ nỗi bây giờ nhiều người không tin vào bộ.

Chỉ trong 1 tháng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phạm Vũ Luận hai lần khẳng định, Bộ Giáo dục sẽ tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông để sử dụng thống nhất trong toàn quốc.

Trước những lo lắng về thiếu sự công bằng minh bạch, ông Luận từng lý giải: "Lo lắng đấy là một thực tế, nhưng lo lắng đấy không đúng bản chất của vấn đề, vì không phải Bộ Giáo dục Đào tạo lựa chọn để chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất, mà chủ trương là hướng tới việc có nhiều bộ sách giáo khoa".

Thế nhưng dù chỉ còn ít ngày nữa Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhiều Đại biểu Quốc hội vẫn không đồng tình với việc Bộ Giáo dục đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện đã nói tuột ra rằng, Bộ Giáo dục là cơ quan quản lý, nên tập trung cho việc quản lý chiến lược, ban hành văn bản pháp luật, kiểm tra, định hướng… Bộ quản lý và tham gia soạn sách là vừa đá bóng vừa thổi còi. Bộ soạn ra thì Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục phải dùng, tính khách quan không còn, đổi mới gãy ngay từ đầu. Nếu Bộ soạn, các Sở Giáo dục không dùng thì bỏ phí tiền tỷ.

Nhiều ý kiến không ủng hộ Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa. Ảnh: TPO.
Nhiều ý kiến không ủng hộ Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa. Ảnh: TPO.

Đại biểu Võ Thị Dung, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan và Đại biểu Huỳnh Thành Đạt cũng không ủng hộ việc Bộ Giáo dục đứng ra biên soạn sách, vì Bộ cũng phải đi nhờ chuyên gia. Vì vậy, nên làm một cách bình đẳng, tức là Bộ chỉ nên xây dựng chương trình khung, tổ chức thẩm định công bằng khoa học, độc lập và minh bạch.

Lo lắng của ông Đạt, ông Thiện, hay bà Lan, bà Dung cũng là lo lắng của nhiều chuyên gia giáo dục nổi tiếng như GS. Nguyễn Minh Thuyết hay GS. Trần Đình Sử.

Thậm chí Giáo sư Thuyết còn nói thẳng rằng, hiện nay cơ quan chuyên môn của Bộ đã lao vào tổ chức thi cử, làm dự án, nay kiêm cả việc biên soạn sách giáo khoa nữa thì còn thời giờ đâu thực hiện chức năng quản lý nhà nước? Hãy tưởng tượng sự phi lý của việc Bộ Công Thương đứng ra sản xuất đinh ốc, Bộ Y tế trực tiếp khám, chữa bệnh, sẽ thấy phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp sản xuất sách giáo khoa vô lý như thế nào…

Bộ trưởng Luận thì khẳng định, không có chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi". Hẳn là nhiều người rất muốn tin vào Bộ trưởng, nhưng rõ ràng chẳng nơi nào trên thế giới này có chuyện một ông trọng tài cầm còi điều khiển trận đấu lại kiêm luôn cả cầu thủ.

Người ta không tin vào năng lực của Bộ Giáo dục, không tin bộ sẽ làm được một bộ sách tốt nhất. Nói cách khác, người ta khó tin vào những lãnh đạo của Bộ Giáo dục hiện nay, sau nhiều chuyện bùng nhùng quanh đề án này. Nói như Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thì "chỉ sợ bình mới rượu cũ, nhồi nhét kiến thức, muốn đào tạo toàn siêu nhân không biết làm gì".

Người ta không tin vào bộ, cũng bởi từ con số 34 nghìn tỷ giờ đã tuột xuống 450 tỷ, vậy thì khi biên soạn sách giáo khoa bằng tiền nhà nước và bán đấu giá cho các nhà xuất bản có tiêu cực không?

Cách đây hơn 1 tháng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng đặt ra câu hỏi: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tham gia viết sách, nếu như các trường học không chọn bộ sách giáo khoa của bộ mà chọn của các tổ chức, cá nhân khác thì bao nhiêu tiền của Nhà nước đổ vào việc biên soạn bộ sách giáo khoa này sẽ tính thế nào?”.

Câu hỏi mà Phó Chủ tịch nước đặt ra cho tới nay chưa có lời giải. Nếu sách không đạt chất lượng tốt nhất nghĩa là các Sở Giáo dục, các trường có quyền không dùng. Nếu không dùng thì lấy đâu ra nguồn hoàn lại hàng tỷ đồng mà Bộ Giáo dục tạm rút ra từ ngân sách để tổ chức biên soạn? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu bộ sách này không đạt yêu cầu? Vậy nên, GS.Nguyễn Minh Thuyết cảnh báo: "Nếu Bộ làm sách thì theo lẽ thường cấp dưới sợ cấp trên, chắc chắn các Sở sẽ chấm bộ sách giáo khoa đó. Sở đã có ý chấm thì chẳng Phòng giáo dục hay trường nào dám đi ngược lại. Như vậy, cạnh tranh sẽ không công bằng".

Nếu nhìn rộng hơn, mỗi giai đoạn lịch sử phát triển xã hội, con người hiện đại thì hầu như nước nào cũng phải có mô hình con người được định nghĩa hết sức rõ ràng, để từ đó nền giáo dục trang bị cho công dân những năng lực thiết yếu phù hợp. Vậy trong bối cảnh kinh tế thị trường, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thì mô hình con người Việt Nam sẽ như thế nào, để từ đó chương trình giáo dục được thiết kế phù hợp? Liệu chúng ta đã đặt vấn đề này thực sự nghiêm túc đê xây dựng chương trình? Sau khi đổi mới chương trình – sách giáo khoa, chúng ta lấy gì để đảm bảo học sinh sẽ không bị quá tải và nạn dạy thêm học thêm, bỏ học ở phổ thông sẽ giảm?

Phải đặt ra một loạt những câu hỏi như vậy là vì từ trước đến nay, chúng ta đổi mới chương trình và sách giáo khoa, nhưng thường thiếu đồng bộ về đội cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tuyên sinh, phân luồng… trong đề án đã tính đến rủi ro này chưa?

Thật có lý khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải tạo được sự đồng bộ trong hệ thống, phải tính toán toàn diện mối liên hệ giữa nhà trường và thầy cô giáo, giữa thầy cô giáo với học trò và với xã hội: “Tôi lo ở chỗ trình độ thầy khác nhau, học trò khác nhau, vậy bây giờ thống nhất chương trình kiểu gì đây? 

Chương trình là do Bộ Giáo dục, nhưng bây giờ tổ chức soạn sách giáo khoa thì thế nào, có đảm bảo dân chủ không? Trách nhiệm của Bộ Giáo dục là làm chương trình, nhưng Bộ ban hành chương trình thế nào không thấy nói? Bộ làm thế nào thì không thấy nói? Tổ chức làm chương trình thế nào, hay là mấy vụ thiết kế ra rồi các đồng chí ký, gọi là chương trình?”.

Niềm tin không tự nhiên sinh ra và cũng chẳng tự mất đi. Nó tồn tại hay không tồn tại đều dựa trên văn hóa ứng xử, những lời nói thật và những việc làm thật (có giá trị thật). Vậy mà niềm tin của người dân dành cho Bộ Giáo dục cứ vơi dần...

Ngọc Quang