Nỗi khổ của giáo viên khi đi coi thi trong địa bàn

30/04/2019 06:43
Thảo Ly
(GDVN) - Chuyện gửi gắm “gà” vẫn đang đang diễn ra ở nhiều kỳ thi, kể cả kỳ thi được xem là quan trọng như thi trung học phổ thông quốc gia.

Đến mùa thi vào lớp 10, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, khá nhiều giáo viên ước ao mình sẽ không có tên trong danh sách làm giám thị hoặc chí ít được đi coi thi ở huyện xa chứ không phải ngay địa bàn mình công tác.

Làm gì để giảm gian lận trong kỳ thi quốc gia?(Ảnh minh họa VOV)
Làm gì để giảm gian lận trong kỳ thi quốc gia?(Ảnh minh họa VOV)

Lý do được các thầy cô đưa ra là, bổng lộc chẳng có mà trách nhiệm lại quá nhiều. Nhưng có lẽ điều làm các thầy cô e ngại nhất là phải nhận trách nhiệm trông “gà” cho người thân, cho đồng nghiệp, cho các vị lãnh đạo khi họ gửi gắm.

Ngay từ đêm hôm trước khi kỳ thi diễn ra, những thầy cô giáo đi coi thi đã được nhiều người đến cậy nhờ.

Một giáo viên chia sẻ: “Nhận thì có chuyện gì mình chịu, không nhận khó ăn nói với người thân, khó nhìn mặt bạn bè và khó sống với cấp trên”.

Bất kỳ một kỳ thi nào dù được đánh giá là nghiêm túc vẫn không tránh khỏi sự gửi gắm, nhờ cậy của mọi người.

Gian lận điểm thi, kiến nghị gửi Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng

Gửi gắm theo dây chuyền, người này nhờ người kia, người kia nhờ người nọ… Và trong các giám thị coi thi cũng nhờ vả lẫn nhau.

Ngồi trong Hội đồng thi, khi có tên giám thị coi thi phòng nào ít nhất cũng nhận được một vài mảnh giấy nhỏ ghi số báo danh của đồng nghiệp truyền tới.

Hay vài lời dặn dò bên tai về một số báo danh nào đó của một số cán bộ lãnh đạo Hội đồng thi.

Vào phòng thi, có biết bao tình huống xảy ra như học sinh quay tài liệu, hỏi bài nhau, thậm chí xin ra ngoài đi vệ sinh nhưng thực chất có em ra lấy bài giải sẵn mang vào phòng chép…

Nếu là “gà” đã được nhờ cậy, những giám thị này cũng giúp đỡ bằng cách làm ngơ hoặc nhắc nhở chỉ để cho có thôi, để các em làm bài.

Ngược lại, với những học sinh không có được sự nhờ vả, gửi gắm thì thầy cô giám thị sẽ “chăm sóc” khá đặc biệt.

Nhắc nhở lần 1 đến lần 2 thì thẳng tay đánh dấu bài và lập biên bản.

Theo chia sẻ của một số thầy cô giáo, chính họ cũng không muốn làm điều này nhưng khi đã bị “ép” vào thế có không muốn cũng chẳng được.

“Vết nhơ giáo dục” - người Việt hôm nay chẳng lẽ không ai phải chịu trách nhiệm?

Đã từng có giáo viên sau khi kỳ thi kết thúc, vị hiệu trưởng nhà trường đã đốp chát thẳng vào mặt:

“Chị thật sự thất vọng vì em. Em đã nhận lời ngỡ cũng nhiệt tình giúp cháu thế nhưng nó về nói chẳng được gì hết”.

Giáo viên ấy hết lời thanh minh: “Vì em không coi thi phòng ấy nhưng em cũng đã gửi gắm bạn em rồi”.

Cô bạn ấy nói rằng mình áy náy, bất an vì chắc chắn từ đó trở đi sẽ vô cùng bất lợi trong công việc khi đã bị chính hiệu trưởng quở trách.

Chuyện gửi gắm “gà” vẫn đang đang diễn ra ở nhiều kỳ thi, kể cả kỳ thi được xem là quan trọng như thi trung học phổ thông quốc gia.

Điều này, đã tạo nên nhiều bất công cho các em học sinh. Những em có lực học kém hơn lại thế chỗ những học sinh khá giỏi hơn mình.

Để tạo công bằng cho tất cả thí sinh, tránh tình trạng gửi gắm, cậy nhờ giám thị cũng như tránh việc đưa giám thị vào tình cảnh khó xử, thì rất cần sự điều động giám thị xem thi chéo giữa các huyện thị với nhau.

Thảo Ly