"Nóng rẫy" đề án đổi mới sách tốn hơn 34 nghìn tỷ

15/04/2014 20:29
Xuân Trung
(GDVN) - Cuộc họp báo quý I của Bộ GD&ĐT diễn ra chiều nay (15/4) đã nóng lên với nhiều chất vấn liên quan tới Đề án đổi mới chương trình, SGK.

Nhiều câu hỏi cho rằng số tiền 34 nghìn tỷ để đối  mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) phổ thông sau 2015  là một con số rất lớn, nhiều chuyên gia khẳng định chỉ cần một phần nhỏ trong dự kiến kinh phí đó cũng có thể làm được.

Nhiều câu hỏi đặt ra khi xây dựng Đề án này, Bộ GD&ĐT có tính tới cơ sở thiết bị hay không? Có thể sách của các môn khoa học tự nhiên không cần làm mà tham khảo từ nguồn sách nước ngoài để đỡ tốn kém hay không?

Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thống – Vụ phó Vụ Giáo dục trung học, thường trực Ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước hết con số 34 nghìn tỷ chỉ là khái toán, chưa chính thức. 

Ông Đỗ Ngọc Thống cho biết, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa còn có nhiều hạng mục, sách giáo khoa thực tế chỉ tốn khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Ảnh Xuân Trung
Ông Đỗ Ngọc Thống cho biết, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa còn có nhiều hạng mục, sách giáo khoa thực tế chỉ tốn khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Ảnh Xuân Trung

Ông Thống cho rằng, bất kỳ một đề án nào cũng phải trình, phải trải qua nhiều quá trình thẩm định của nhiều cơ quan, trong đó có Quốc hội. Bộ GD&ĐT sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến góp ý từ xã hội để đề án được hoàn thiện hơn. 

Trao đổi thêm về ý kiến làm chương trình, SGK môn tự nhiên có thể tiếp thu chương trình từ nước ngoài để đỡ tốn kém, ông Thống cho hay, trên tinh thần chung là hội nhập quốc tế, xác định mặt bằng chung của chúng ta so với quốc tế là như thế nào. 

“Lãnh đạo Bộ đã tính đến điều này, dứt khoát xây dựng một chương trình, SGK của Việt Nam, nhưng sẽ học tập có hệ thống cơ bản để cập nhật mặt bằng chung của thế giới, trong đó có khoa học tự nhiên” ông Thống khẳng định. 

Ông Đỗ Ngọc Thống cũng cho biết, trên tinh thần đổi mới chương trình, SGK lần này sẽ tận dụng trang thiết bị hiện có, chỉ bổ sung những vấn đề thiết thực, tăng cường công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, ông Thống khẳng định lại, quan trọng của vấn đề không phải là nội dung mà ở đây là đổi mới cách dạy, cách học là chính. 

Sau khi công bố Đề án đổi mới chương trình, SGK này, xã hội đang quan tâm liệu so với chương trình đã thực hiện trước đó về chương trình, SGK, thì lần đổi mới này sẽ có những điểm gì mới căn bản.

Ông Thống cho rằng trong cuộc sống với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chương trình dù tốt đến mấy cũng trở thành lạc hậu và có những bất cập, do đó cần phải đổi mới.

“Lần này đổi mới khác là căn bản, chuyển cách tiếp cận nội dung chạy theo kiến sang hình thành năng lực (yêu cầu học sinh thay đổi không chỉ biết kiến thức mà còn phải biết làm gì để vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn), năng lực sẽ dẫn đến cách dạy học cũng phải thay đổi (tức là giúp cho học sinh vận dụng được vào tình huống cụ thể, sát với tiễn), tăng cường thời gian thực hành và vận dụng kiến thức”, ông Thống cho hay.

Ông Đỗ Ngọc Thống cũngcho biết, hiện tại kiểm tra đánh giá theo năng lực đang dần được thay đổi và Bộ GD&ĐT đang triển khai theo lộ trình.

Trong phiên giải trình của Bộ GD&ĐT với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có bản báo cáo về Đề án này. Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều đại biểu đã không đồng tình với Đề án mà Bộ GD&ĐT giải trình, lí do là còn sơ sài, chưa tính tới điều kiện kinh tế thực tế đất nước. 

Chiều nay, khi nói về buổi giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (14/4), ông Đỗ Ngọc Thống ví rằng đó như chỉ là buổi “bảo vệ” thử luận án mà thôi, còn phải xem xét và trình Quốc hội trong thời gian tới.

Giải thích thêm, ông Thống cho rằng tên Đề án khiến nhiều người hiểu lầm, thực tế chương trình và sách giáo khoa chỉ tốn khoảng 5 nghìn tỷ, còn lại là các hạng mục khác (khoảng 7-8 mục). 

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu mọi ý kiến đóng góp từ xã hội, tiếp thu ở khía cạnh không chỉ nói về con số “khái toán” 34 nghìn tỷ mà ở còn nhiều khía cạnh khác, với mục đích làm sao để ngân sách được tiết kiệm nhất.

Được biết, dự kiến ngày 25/4 tới Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ chính thức thẩm định đề án. Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dựa trên cơ sở thẩm định của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng để đưa ra Quốc hội trong tháng 5 và tháng 7 tới đây, trước mắt để hoàn thiện thì Bộ GD&ĐT phải hoàn thành một số nội dung tiếp theo.
Xuân Trung