Ở New Zealand không có sách giáo khoa cho bậc tiểu học

21/05/2018 06:00
Thùy Linh
(GDVN) - Bậc tiểu học của New Zealand không có sách giáo khoa và Bộ Giáo dục chỉ xây dựng khung chuẩn đầu ra để giáo viên đảm bảo học sinh đạt được các chuẩn này.

Được biết, hệ thống giáo dục của New Zealand được chia thành 3 cấp độ: Giáo dục mẫu giáo: từ khi mới sinh cho tới tròn 5 tuổi; Giáo dục phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông): từ 5 tuổi tới 18 tuổi và Giáo dục đại học và sau đại học: từ 18 tuổi trở lên. 

Trong đó, giáo dục phổ thông bao gồm 13 lớp, từ Lớp 1 (5 tuổi) đến Lớp 13 (18 tuổi).

Cụ thể, giáo dục tiểu học: lớp 1 tới lớp 6 (từ 5 tuổi tới 11 tuổi); Giáo dục trung học cơ sở: lớp 7, 8 (từ 11 tuổi tới 13 tuổi); Giáo dục trung học phổ thông : lớp 9 đến lớp 13 (từ 13 tới 18 tuổi). 

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp gặp gỡ và trao đổi cùng chị Tạ Thị Tam Hà – hiện đang là Hiệu phó trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hà Nội – Thăng Long và cũng là phụ huynh có hai con đi học phổ thông 2 năm tại New Zealand để có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về chương trình học bậc tiểu học ở xứ sở kiwi. 

Theo chị Tam Hà cho biết, bậc tiểu học của New Zealand không có sách giáo khoa và Bộ Giáo dục chỉ xây dựng khung chuẩn đầu ra để giáo viên đảm bảo học sinh đạt được các chuẩn này (Ảnh lấy từ website của trường College Street Normal School nơi hai con của chị Tạ Thị Tam Hà học tại New Zealand)
Theo chị Tam Hà cho biết, bậc tiểu học của New Zealand không có sách giáo khoa và Bộ Giáo dục chỉ xây dựng khung chuẩn đầu ra để giáo viên đảm bảo học sinh đạt được các chuẩn này (Ảnh lấy từ website của trường College Street Normal School nơi hai con của chị Tạ Thị Tam Hà học tại New Zealand)

Chị Tam Hà chia sẻ: “Khi bé thứ nhất học lớp 2, bé thứ hai học lớp 5 tuổi thì tôi sang học Thạc sĩ tại New Zealand theo chương trình học bổng của chính phủ New Zealand (New Zealand ASEAN Scholarship) và đưa cả hai cháu sang đó học tiểu học. 

Kết thúc 2 năm học thạc sĩ, tôi và các cháu về nước và hiện tại các con tôi đang học tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hà Nội – Thăng Long”. 

Theo lời kể của chị Hà, tại New Zealand, giờ học thường bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều (các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tan học vào lúc 3 giờ 20-3 giờ 30), trong đó từ 12 giờ 30 giờ trưa đến 1giờ 30 chiều là thời gian nghỉ trưa. 

Sĩ số trong từng lớp do nhà trường qui định, tuân thủ theo những hướng dẫn của Bộ Giáo dục. 

Học sinh phải bắt đầu vào trường tiểu học ngay khi tròn 5 tuổi và được xếp vào lớp entrance (lớp đầu tiên) vài tháng để làm quen về số và chữ qua các câu chuyện tập đọc theo lứa tuổi trước khi được chuyển sang lớp 1 (Year 1). 

Như vậy, mỗi bạn nhỏ sẽ có một ngày bắt đầu năm học khác nhau (ngay sau khi tròn 5 tuổi) và nhà trường không đón tất cả học sinh lớp 1 cùng một lúc.  

Việc này sẽ giúp các thầy cô và học sinh có thời gian để làm quen với nhau và giúp các em dần quen với môi trường giáo dục tiểu học. 

Ở bậc tiểu học, học sinh thường học toán và tiếng Anh vào buổi sáng, và mỹ thuật, thể thao vào buổi chiều sau giờ ăn trưa. 

Thời gian học thể thao rất nhiều và học sinh học nhiều môn thể thao trong một học kỳ, mỗi tuần một môn thể thao và luân phiên nhau, với sự hướng dẫn của các vận động viên chuyên nghiệp mời từ bên ngoài về dạy.

Bậc tiểu học ở New Zealand, học sinh thường học toán và tiếng Anh vào buổi sáng, và mỹ thuật, thể thao vào buổi chiều sau giờ ăn trưa. (Ảnh lấy từ website của trường College Street Normal School nơi hai con của chị Tạ Thị Tam Hà học tại New Zealand)
Bậc tiểu học ở New Zealand, học sinh thường học toán và tiếng Anh vào buổi sáng, và mỹ thuật, thể thao vào buổi chiều sau giờ ăn trưa. (Ảnh lấy từ website của trường College Street Normal School nơi hai con của chị Tạ Thị Tam Hà học tại New Zealand)

Đặc biệt, bậc tiểu học của New Zealand không có sách giáo khoa và Bộ Giáo dục New Zealand chỉ xây dựng khung chuẩn đầu ra để giáo viên đảm bảo học sinh đạt được các chuẩn này. 

Giáo viên sẽ chủ động tự xây dựng bài học trong cả năm và tự tìm tài liệu để giảng dạy. Phụ huynh hoàn toàn tin tưởng vào chương trình của mỗi trường, mỗi giáo viên và không can thiệp, thắc mắc về nội dung. 
 
Không có Ban phụ huynh ở mỗi lớp. Cả trường sẽ họp chung với Hiệu trưởng 1 lần 1 năm vào đầu năm để nghe Hiệu trưởng giới thiệu về kết quả năm học trước và kế hoạch năm học này. 

Phụ huynh xung phong hoặc đề cử vào Uỷ ban giáo viên và phụ huynh để cùng nhau bàn về các hoạt động của nhà trường cho học sinh. 

Mỗi học kỳ đều có một chủ đề xuyên suốt và do đó, các môn học đều xoay quanh chủ đề này.

Ở New Zealand không có sách giáo khoa cho bậc tiểu học ảnh 3Du học New Zealand – Sự lựa chọn tốt nhất cho học sinh trung học.

Ví dụ, nếu chủ đề của cả một học kỳ là về hệ mặt trời thì các em sẽ đọc sách tiếng Anh về Hệ mặt trời,  viết về Hệ mặt trời, làm dự án về Hệ mặt trời, học toán cũng về các con số liên quan tới Hệ mặt trời. 

Hết một học kỳ, các tác phẩm bài làm trong cả học kỳ của các em sẽ được tổng hợp và trưng bày ở trường, và gửi tới phụ huynh từng em trong buổi họp phụ huynh giữa giáo viên và từng phụ huynh.

Phụ huynh sẽ phải đặt lịch họp theo khung giờ nhà trường đưa lên mạng. Phụ huynh nào vào đăng ký sớm thì sẽ có khung giờ đúng ý mong muốn. 

Mỗi khung giờ chỉ kéo dài 15 phút và hết giờ là phụ huynh sẽ phải đứng dậy để nhường chỗ cho phụ huynh khác vào họp. Phụ huynh đến muộn sẽ phải vào mạng đặt lại lịch họp khác. 

Học sinh ở New Zealand tự mang đồ ăn trưa đi học và các em thường ăn ở ngoài trời.

Các em tuỳ chọn nhóm bạn ăn cùng, và mỗi hôm một nhóm cũng được, ăn với bạn ở lớp khác cũng được Các em có thể ngồi ở hành lang, bãi cỏ, sân trường…..và không ăn trong lớp. 

Lớp học New Zealand không kê bàn ghế thẳng hàng theo dãy như truyền thống.

Ở New Zealand không có sách giáo khoa cho bậc tiểu học ảnh 4Môi trường và hệ thống giáo dục New Zealand

Ngược lại, chỉ có một góc có bàn đủ cho khoảng 4-5 bạn ngồi quanh cô giáo (bàn bán nguyệt) để cô giáo kèm học.

Cùng thời điểm đó, các học sinh còn lại có thể ngồi ở các góc khác nhau để học đọc, học toán…, ngồi trên sàn nhà hoặc ghế bean bag.

Trong một lớp học có thể có học sinh ở nhiều trình độ khác nhau. Một em học sinh ở lớp 3 có thể học trình độ toán của lớp 4 nhưng nếu em học sinh đó là học sinh đến từ nước không nói tiếng Anh thì có thể em chỉ học tiếng Anh ở trình độ lớp 2.

Học sinh chỉ có 1 kỳ thi đánh giá theo chuẩn một năm và không có bài về nhà hàng ngày ngoài việc phải đọc mỗi tối ít nhất là 15 phút. Sau khi đọc xong, học sinh phải đưa bố mẹ ký vào sổ xác nhận là con đã đọc đủ 15 phút tối nay. 

Hàng tuần, tuỳ theo lớp, có thể sẽ có một phiếu về kiến thức chung để con và bố mẹ cùng làm ở nhà. Phiếu này làm trong cả tuần, cả nhà cùng tìm hiểu trên mạng để trả lời các câu hỏi về địa lý, xã hội, lịch sử, cuộc sống quanh em…..

Mỗi năm các em chỉ có 1 chuyến đi dã ngoại và phụ huynh cũng phải chuẩn bị đồ ăn cho các em mang đi. 

Các học sinh từ lớp 5 có thể đi cắm trại 2 ngày với nhiều trải nghiệm kỹ năng sống/sinh tồn như leo núi, lội suối, chèo thuyền thực sự. Càng lên cấp học trên số ngày đi cắm trại càng nhiều hơn và có thể đi cả 1 tuần ở một thành phố khác.

Để đi được lâu như vậy, học sinh và phụ huynh phải tiến hành gây quỹ qua việc bán đồ cũ, bán hàng ăn…..trong các ngày hội ở trường. 

Các học kỳ


Năm học bắt đầu vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng 2, sau một kỳ nghỉ hè khoảng 6 tuần, và chấm dứt vào tháng 12. 

Mỗi năm học được chia thành 4 học kỳ với số ngày nghỉ giữa các học kỳ khoảng từ 2 tuần lễ (đối với học sinh tiểu học). 

Ví dụ về học kỳ năm 2018: 

Học kỳ 1: 31/01 tới 13/04 

Học kỳ 2: 30/04 tới 06/07

Học kỳ 3: 23/07 tới 28/09

Học kỳ 4: 15/10 tới 14/12.

Thùy Linh