Ông Sáo một chân, mở lớp gieo mầm chữ trên đá

08/10/2017 06:36
Vương Tiến Hùng
(GDVN) - Gian khó đã bắt đầu ngay từ ngày đầu ông giáo Sáo đến trường nhận lớp và cứ theo ông suốt hơn chục năm trời.

Tuy không còn đứng lớp dạy học nhưng thương binh Bùi Văn Sáo ở xóm Diềm Trong, xã Tân Dân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vẫn còn được người dân ở đây vẫn gọi trìu mến: Người gieo mầm chữ trên đá.

Gặp ông, ông cười và khiêm tốn bảo: “Có gì to tát thế đâu, tớ cũng chỉ làm phận sự của một người lính trên mặt trận giáo dục thôi”.  

Người thương binh già cần mẫn gieo mầm chữ cho trẻ em vùng khó khăn

Sinh năm Ất Mùi (1955), năm 1972 vừa tròn 17 tuổi chàng trai Bùi Văn Sáo rời quê hương Tân Dân lên đường nhập ngũ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết định, ác liệt nhất.

Sau thời gian huấn luyện ở Lạc Thuỷ, đến tháng 8 năm 1972 đơn vị của ông hành quân vào Nam chiến đấu.

Cái ước mơ được cầm súng chiến đấu, sao gắn trên mũ từ thủa chăn trâu, cắt cỏ đã trở thành hiện thực.

Ông Bùi Văn Sáo dạy chữ cho các cháu nhỏ
Ông Bùi Văn Sáo dạy chữ cho các cháu nhỏ

Từ Ninh Bình vào đến Thanh Hóa rồi tham gia chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, cái tên Bùi Văn Sáo có thể là quá nhỏ bé trên bước đường chiến đấu của cả dân tộc.

Nhưng với đồng đội ở đơn vị C4 - D7 - E209 - F312 trên chốt Động Ông Do xã Triệu Thành - Triệu Phong - Quảng Trị thì đó lại là một niềm tin vững vàng.

Ngồi bên cửa voóng nhìn ra phía hồ mênh mang nước, ông Sáo bùi ngùi: "Vào mùa này, nước sông Thạch Hãn cũng trong xanh và êm đềm như nước hồ Hòa Bình vậy.

Trong những trận chiến đấu giữ chốt Động Ông Do bên dòng Thạch Hãn lịch sử nhiều đồng đội của tớ đã hi sinh, còn tớ thì may mắn hơn nhưng cũng đã phải để lại một phần xương máu lại chiến trường sau những đợt rải thảm của máy bay B52".

Ông Sáo đã bỏ lại một phần thân thể trong chiến tranh
Ông Sáo đã bỏ lại một phần thân thể trong chiến tranh 

"Ngoài chân trái bị dập nát bởi bom đạn phải cắt đến nửa đùi, hiện trong cơ thể tớ vẫn còn những mảnh bom đạn găm vào còn chưa lấy ra được, mỗi khi trái nắng, trở trời vết thương cũ tái phát cứ phải trèo trẹo nghiến răng chịu cơn đau hành hạ.

Những mảnh đạn còn trong người đã trở thành một phần trong cơ thể tớ rồi", ông Sáo kể.

Rời chiến trường với một chân, nhọc nhằn trên đôi nạng gỗ cùng những vết thương, mảnh đạn vẫn còn nằm trong cơ thể với thương tật hạng 2/4 nhưng ông đã vượt qua những cơn đau buốt thường xuyên hành hạ, vượt qua được những khó khăn đời thường.

Thời gian điều dưỡng ở đoàn 541, ông đã tranh thủ học văn hóa. Sau đó về trạm điều dưỡng thương binh 1 (Kỳ Sơn), ông học thêm được nghề may.

Đến tháng 2 năm 1976 trên đôi nạng gỗ và chiếc ba lô con cóc đã sờn bạc, ông đã ngược núi, vượt qua hàng chục thác ghềnh lởm chởm đá của con sông Đà hung dữ về lại đất Tân Dân.

Về quê, cái nghề may học được trong thời gian điều dưỡng tại trạm điều dưỡng thương binh Kỳ Sơn đã trở thành nguồn sống chính của ông và gia đình.

Từ năm 1988, ông Sáo bắt đầu chuyển sáng nghề "gõ đầu trẻ".
Từ năm 1988, ông Sáo bắt đầu chuyển sáng nghề "gõ đầu trẻ".

Ngỡ đâu an phận với cái nghề may nhàn nhã, nhưng đến tháng 9 năm 1988, ông lại rẽ ngang sang nghề “gõ đầu trẻ” theo lời mời của ông Kiều Xuân Phú, Hiệu trưởng trường cấp I Tân Dân.

Ông chuyển nghề! Người dân ở xóm Diềm Trong và cả xã Tân Dân thường thấy thầy giáo Sáo trên đôi nạng gỗ tập tễnh cùng chiếc chân giả lọc cọc trên con đường đến trường gập ghềnh đá.

Con đường từ xóm Diềm Trong đến trường lỏng chỏng đá đã mòn vẹt vết chân người, trên đó còn in dấu những vết chân tròn của một anh thương binh trở về từ sau cuộc chiến để đến trường “...dạy các em thơ bài hát quê hương...”.              

Thành quả sau những ngày gian nan!

Cách đây mươi năm về trước Tân Dân còn vô cùng khó khăn, không có đường đi lại, cuộc sống người dân còn biệt lập với bên ngoài, đời sống khó khăn nên chẳng có mấy ai dám lên đây và trụ lại ở đất này.

Vì lẽ đó, Tân Dân cũng hiếm có người được học hành đến nơi đến chốn.

Trong xã cứ 3 người thì có đến 2 người không biết chữ. Trường lớp thì tạm bợ chỉ là tranh tre vách nứa trống huếch trống hoác, bàn ghế là những mảnh tre gỗ ghép tạm.

Thầy cô giáo người vùng xuôi chẳng có ai muốn gắn bó lâu dài. Người dân thì cũng chẳng mấy hứng thú với con chữ.

Ký ức của ông giáo thương binh Bùi Văn Sáo về nỗi nhọc nhằn gieo chữ đến bây giờ vẫn là vậy.

Ông bảo: “Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để nói về những khó khăn, nhọc nhằn trong công tác dạy và học ở vùng núi Tân Dân này”.

Đó là nỗi nhọc nhằn chung của ngành giáo dục ở vùng đất “quanh đi thấy khó, ngoảnh lại thấy nhọc”.

Trong khó khăn đó, ông giáo Sáo cũng đã phải gồng lên, cố hết sức mình để mang đến cái chữ cho lũ trẻ ở tít tận nơi heo hút thiệt thòi về điều kiện sống và học tập này.

Thời kỳ còn bao cấp, lương tháng của thầy giáo quèn trường làng như ông chỉ vỏn vẹn hơn 40 đồng, chỉ đủ đong được 10kg gạo, lúc cao nhất cũng chỉ được hơn 100 đồng.

Ông Sáo mở lớp xóa mù chữ cho bà con xã Tân Dân
Ông Sáo mở lớp xóa mù chữ cho bà con xã Tân Dân

Ấy vậy mà tháng nào anh cũng dành ra một nửa tiền lương để mua sách mua bút cho các em.

Người dân ở đây còn nghèo lắm, đói lắm thế nên chuyện cho con em đi học là cả một cố gắng lớn.

Nhà nghèo nên các em đi học cũng làm gì có tiền để mua sách, mua bút, muốn các em đến trường thì mình phải mua cho các em để các em còn có sách có bút mà học.

Tiền lương mình mua sách bút cho các em, mọi thứ chi tiêu gạo nước thì đành phải nhờ vào gia đình”, vừa nói ông Sáo vừa tủm tỉm cười nhìn về phía bà vợ đang ngồi bên bếp lửa chăm chú nghe câu chuyện của chồng mình với khách lạ.

Gian khó đã bắt đầu ngay từ ngày đầu ông giáo Sáo đến trường nhận lớp và cứ theo ông suốt hơn chục năm trời.

Ban đầu trường đóng ngay gần nhà, còn dễ dàng trong việc đi lại. Thời gian đầu ông gặp khó khăn về nghiệp vụ sư phạm.

Vậy là đích thân ông hiệu trưởng nhà trường bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho ông trong thời gian đúng... một tuần.

Sau khi được bồi dưỡng anh thương binh Bùi Văn Sáo đã chính thức trở thành thầy giáo dạy chữ cho các em từ lớp 1 đến lớp 3 của Trường cấp 1 Tân Dân.

Do thiếu giáo viên, từ năm 1990 đến năm 1996, ông được nhà trường điều vào dạy ở xóm Cải rồi sang xóm Chiêng.

Đây chính là thời kỳ khó khăn nhất, nhọc nhằn nhất của tớ”, ông Sáo nhớ lại.

Khó khăn, nhọc nhằn là bởi từ nhà vào đến xóm Cải dài gần 10km, xóm Chiêng cũng gần như vậy.

Thời kỳ ông được nhà trường điều vào dạy ở xóm Cải rồi sang xóm Chiêng là lúc ông thấy khó khăn, nhọc nhằn nhất
Thời kỳ ông được nhà trường điều vào dạy ở xóm Cải rồi sang xóm Chiêng là lúc ông thấy khó khăn, nhọc nhằn nhất

Chủ yếu là đường mòn chênh vênh trên đá núi. Người bình thường đi lại khó một thì với ông lại khó gấp mười.

Người ta đi mất 2 tiếng đồng hồ thì ông đi phải gấp đôi, gấp ba thời gian.

Vào dạy ở xóm Cải, tuy không về được thường xuyên nhưng ít nhất một tháng ông cũng phải đôi lần ngược dốc xuôi núi về nhà để lấy thêm lương thực và mua bút sách cho các em học sinh.

Cứ một bước nạng bằng 3 bước chân thường” ròng rã 3 năm trời con đường núi “trâu lăn xuống là chết” đã in dấu những vết chân tròn, thấm ướt đẫm mồ hôi của anh giáo thương binh.

Ngày nắng đã nhọc nhằn, những ngày mưa con đường trở nên trơn trượt và khó khăn gấp bội lần.

Ngày mưa, ầm ào lũ về ở hàng chục con suối không ai có thể lội qua. Cũng đã nhiều lần ông phải ngủ lại giữa rừng với mưa giăng gió rít, với tiếng ầm ào cuồn cuộn khi nước lũ về.

Giữa mưa, gió, đất ẩm lá ướt, chỗ ông dừng chân đợi lũ qua là hàng chục con vắt sau khi hút máu no kềnh nằm vương vãi xung quanh.

Chính ở thời điểm khó khăn này, thầy giáo thương binh Bùi Văn Sáo đã làm nên một kỳ tích.

Hàng ngày, buổi sáng đến trường dạy lớp 1, buổi chiều dạy lớp 2, lớp 3. Buổi tối về lại chong đèn dạy xoá mù cho đồng bào đến tận khuya.

Từ năm 1996 - 1998 khi được nhà trường về dạy ở xóm Diềm Ngoài cách nhà hơn 2km, bên cạnh việc gieo chữ trồng người, ông cũng đã tích cực tham gia dạy xóa mù ngay tại nhà.

Giữa mênh mang nước hồ, giữa màu xanh của núi rừng, ở Tân Dân cái chữ vẫn lung linh sáng.
Giữa mênh mang nước hồ, giữa màu xanh của núi rừng, ở Tân Dân cái chữ vẫn lung linh sáng.

Ông đã cải tạo, dỡ bỏ sàn nhà lấy gỗ làm bàn ghế, lấy vách nhà làm bảng. Rồi tự bỏ tiền túi ra mua giấy cấp không cho học sinh, cả mua dầu thắp sáng để dạy học.

Ban đầu chỉ có thanh niên rồi sau đó những người có tuổi cũng đã tích cực tham gia lớp học.

Chỉ trong thời gian ngắn, ông giáo Sáo đã xóa mù cho 80 người ở xóm Diềm Trong.

Còn ở các xóm khác anh cũng đã xoá mù được cho khoảng hơn 200 người. Trong đời dạy học, niềm vui lớn nhất đối với anh giáo Sáo chính là kết quả học tập của các em.

Năm học 1992 - 1993 và năm học 1994 - 1995, anh đã có học sinh giỏi cấp huyện.

Ngoài ra, với nỗ lực hết mình anh đã góp phần làm thay đổi nhận thức về chuyện học cho đồng bào ở xã vùng cao này.

Nếu như trước đây tỷ lệ trẻ em gái ở Tân Dân biết chữ rất hiếm thì ở thời kỳ ông dạy học, điều đó đã thay đổi hoàn toàn.

Tân Dân tuy còn khó khăn về đời sống kinh tế, giao thông đi lại chưa được thuận lợi nhưng cái chữ thì chưa bao giờ thiếu.

Từ chỗ số người biết chữ còn hiếm thì đến bây giờ, hơn 95% người dân ở đây đã biết chữ.

Công tác giáo dục đã luôn được chính quyền địa phương và nhân dân coi trọng.

Giữa mênh mang nước hồ, giữa màu xanh của núi rừng, ở Tân Dân cái chữ vẫn lung linh sáng.

Vương Tiến Hùng