PGS. Văn Như Cương: Đổi giờ học, phải chăng đã quá quan liêu?

03/02/2012 19:43
Thu Hòe
(GDVN) - “Giờ học mới hoàn toàn bất ổn và không tối ưu. Không hiểu sao lại có phương án này? Phải chăng người ra quyết định đã quá quan liêu?

Sau 3 ngày, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng khung giờ học mới, phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPH Dân lập Lương Thế Vinh xung quanh vấn đề này.

Hoàn toàn bất ổn và không tối ưu

GS. Văn Như Cương cho biết: “Mục đích của đổi giờ học, giờ làm là để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, phương án này không tối ưu và đã bộ lộ những khiếm khuyết, bất ổn và những điều không hợp lý.

Sau 3 ngày thí điểm thực hiện khung giờ học mới, cả thầy và trò đều “hoa mắt, chóng mặt” với việc đổi giờ. Giờ học mới đã ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của học sinh, việc giảng dạy của giáo viên, công việc của phụ huynh… và việc quản lý trường của Ban giám hiệu các trường học.

Hiện tại, trường chúng tôi vẫn cho học sinh vào học ca chiều lúc 13 giờ và kết thúc lúc 17 giờ 15 phút với những lớp học 5 tiết. Nhưng, theo đúng quy định của UBND thành phố Hà Nội thì 19 giờ mới được cho học sinh học buổi chiều tan học. 3 ngày nay, chúng tôi luôn phải “giam” học sinh ở lại trường gần 2 tiếng đồng hồ.

Với những học sinh chỉ có lịch học 3 hoặc 4 tiết trong buổi chiều còn “thê thảm” hơn vì bị “giam” vài tiếng đồng hồ ở trường học…
”.

GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội)
GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội)

Trước câu hỏi của phóng viên báo Giáo dục Việt Nam là tại sao trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh không tiến hành học ca chiều vào lúc 14 giờ 30 phút (theo đúng quy định - PV) để học sinh tan học đúng vào lúc 19 giờ. GS Văn Như Cương bày tỏ:

Chúng tôi có thể làm điều đó. Nhưng tôi không muốn để học sinh của mình phải học vào cái khung giờ đó. Học sinh học tập vào khung giờ đó hoàn toàn không đảm bảo được chất lượng vì uể oải, mệt mỏi và đói. Không những thế, trường chúng tôi là trường ngoài công lập. Chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê giáo viên và ổn định lại nề nếp trường học”.

“Không hiểu sao lại có phương án này?”

GS. Văn Như Cương bức xúc: “Không hiểu sao lại có phương án này? Các nhà quản lý phải nghiên cứu đi. Phương án này có giúp làm giảm tắc đường không? Giảm được bao nhiêu %? Ảnh hưởng xã hội thế nào? Chi phí xã hội tăng lên thế nào?

Một quyết định làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm nghìn người mà không được nghiên cứu, thăm dò kỹ càng thì làm sao quyết định đó đúng được với mong muốn của người dân. Phải chăng người ra quyết định đã quá quan liêu?

8 giờ tối, học sinh vẫn ở ngoài đường vì thay đổi giờ học mới. (Ảnh Thu Hòe)
8 giờ tối, học sinh vẫn ở ngoài đường vì thay đổi giờ học mới. (Ảnh Thu Hòe)

“20 giờ ngày 2/2, tôi đi dọc đường Hà Nội vẫn thấy có rất nhiều học sinh đang lóc cóc, hối hả đạp xe về nhà. Học sinh thẫn thờ chờ bố mẹ đến đón. Thấy vậy mà thương, mà lo lắng, mà buồn… và thấy sao học sinh khổ thế!

19 giờ  học sinh mới ở trường về, 20 giờ 30 phút mới tắm giặt và ăn cơm tối xong, 21 giờ mới được ngồi vào bàn học. Bất ổn, bất ổn!

Khung giờ mới cũng “hành” giáo viên. Bởi lẽ, ngoài thời gian đứng lớp, giáo viên còn con cái, nhà cửa. Với quỹ thời gian eo hẹp như vậy, giáo viên còn đâu thời gian để soạn bài, để nghiên cứu, tìm tòi, sang tạo trong từng bài giảng cho học sinh?...”, GS. Văn Như Cương lo lắng.

Giờ học mới khiến nhiều trường học vi phạm luật lao động

Với khung giờ học mới, cán bộ, giáo viên các trường phải làm việc đến 12 giờ/ngày. Trong khi đó,  Nhà nước quy định, cán bộ, công nhân viên làm việc không quá 8 giờ/ngày. Giờ học mới đã khiến nhiều trường vi phạm luật lao động.

Học buổi tối cũng khiến chi phí tiền điện bị đội lên nhiều hơn so với bình thường. Có quá lãng phí không khi Nhà nước đang kêu gọi nhân dân tiết kiệm điện?…
”, GS. Văn Như Cương nhận định.

Tình trang giao thông trong ngày đầu tiên áp dụng khung giờ học, giờ làm mới, ngày 1/2. GS. văn Như Cương lo lắng liệu đó có phải là phương án tối ưu và có hiệu quả? (Ảnh Thu Hòe)
Tình trang giao thông trong ngày đầu tiên áp dụng khung giờ học, giờ làm mới, ngày 1/2. GS. văn Như Cương lo lắng liệu đó có phải là phương án tối ưu và có hiệu quả? (Ảnh Thu Hòe)

GS. Văn Như Cương cho biết thêm: “Với khung giờ học mới, rất nhiều học sinh của chúng tôi đang từ có xe đưa, xe đón của trường phải chuyển sang tự túc về phương tiện đi học. Chúng tôi đang cân nhắc tăng số lượng xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, nếu tăng số lượng xe thì học sinh lại phải đóng thêm tiền. Rồi chuyện học sinh phải chịu thêm chi phí gửi xe vào buổi tối, chi phí ăn căng tin... Rõ ràng, mỗi gia đình sẽ bị đội phí một mức kha khá với giờ học mới hiện nay

“Tôi quan ngại tâm lý thất bại của lãnh đạo”

Tôi không phán xét việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đúng hay sai khi ban hành quyết định này. Việc giao thông mấy ngày qua có thông thoáng hơn hay không tôi cũng không bàn đến ở đây. Điều khiến tôi quan ngại lúc này là: Tâm lý thất bại của lãnh đạo.

Một quyết định được đưa ra gặp phải nhiều phản pháo của dư luận. Nếu lãnh đạo thu hồi ngay sẽ khiến dân mất niềm tin hơn, lãnh đạo mất uy tín hơn trước dân. Do đó, hãy chờ đợi thêm 1 thời gian nữa để phán xét đổi giờ học, giờ làm có thật sự hiệu quả với bài toàn chống ùn tắc? Nếu bất hợp lý thì hãy sửa. Nếu hợp lý thì duy trì…
”, GS. Văn Như Cương gửi gắm.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Thu Hòe