PGS. Văn Như Cương: “Sẽ còn “hơn 1 lần” nữa phải điều chỉnh giờ học…”

09/02/2012 15:18
Thu Hòe (thực hiện)
(GDVN) - “Tôi hoan nghênh UBND TP Hà Nội đã biết lắng nghe, nhận sai và sửa sai kịp thời nhưng sẽ còn “hơn 1 lần” nữa phải điều chỉnh giờ học”

Ngày 12/1/2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định 315 về điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là một trong những giải pháp đồng bộ nhằm tìm ra lời giải với bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, sau một tuần thực hiện, việc quy định kết thúc giờ học buổi chiều của khối học sinh THPT sau 19 giờ là chưa phù hợp và gặp phải nhiều phản pháo của nhân dân.

Hôm qua 8/2, UBND TP Hà Nội đã có công văn hỏa tốc gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định điều chỉnh  giờ tan học buổi chiều của khối THPT vào 18 giờ và bắt đầu thực hiện ngày 13/2 tới. UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có hướng dân cụ thể các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT thực hiện điều chỉnh giờ học tập theo quy định và áp dụng một cách linh hoạt  với mục tiêu giãn mật độ giao  thông trong giờ cao điểm.

Hôm nay 9/2, báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh xung quanh câu chuyện tiếp tục điều chỉnh giờ học của UBND TP Hà Nội.

PGS. Văn Như Cương gọi đây là một hành động nhận sai, sửa sai của UBND TP Hà Nội. Ông vui mừng và hoan nghênh quyết định của UBND TP Hà Nội song cũng đưa ra dự đoán là sẽ còn có “nhiều hơn 1 lần” nữa UBND TP Hà Nội tiếp tục điều chỉnh giờ học trong thời gian tới.

Sau đây là nội dung trao đổi giữa phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam với PGS. Văn Như Cương:

- Thưa PGS. Văn Như Cương, UBND TP Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định tiếp tục điều chỉnh giờ tan học buổi chiều của khối THPT vào 18 giờ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS. Văn Như Cương: Tôi thấy vui và hoan nghênh trước quyết định điều chỉnh của UBND TP Hà Nội. Quyết định này chứng tỏ, lãnh đạo đã biết lắng nghe dư luận, đã xem xét tình hình thực tế và đưa ra quyết định điều chỉnh cho hợp lý hơn. Trường học, giáo viên, học sinh và phụ huynh thuận tiện và đỡ khổ hơn với khung giờ mới được điều chỉnh. Tuy nhiên, cá nhân tôi vẫn chưa thấy yên tâm, chưa thấy hài lòng… và còn nhiều băn khoăn  trước quyết định này của lãnh đạo thành phố.

PGS. Văn Như Cương: "Sẽ còn "hơn 1 lần" nữa phải điều chỉnh giờ học..."
PGS. Văn Như Cương: "Sẽ còn "hơn 1 lần" nữa phải điều chỉnh giờ học..."

- Khung giờ mới sẽ có những tác động tích cực như thế nào, thưa PGS Văn Như Cương?

PGS. Văn Như Cương: Hãy khoan bàn đến chuyện khung giờ mới có làm giảm thiểu tình trạng ắc tắc giao thông trên địa bàn thành phố hay không. Tuy nhiên, có một cái “được” mà ai cũng nhìn thấy đó là trường học, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh thuận tiện hơn, đỡ khổ hơn.

Trường học trở lại gần như bình thường so với trước khi có sự điều chỉnh giờ học mới. Áp lực của việc đội giá các khoản chi phí không cần thiết như: sắm máy phát điện phòng khi mất điện, trang bị thêm bóng đèn thắp sáng hành lang, nhà xe, sân trường, cổng trường, chi phí nước sạch, nỗi lo chi phí khi phải tăng số lượng xe đưa học sinh… cũng không còn đè nặng với các trường học. Giáo viên, học sinh được về nhà trước 1 tiếng đồng hồ. Phụ huynh đón con khớp với giờ tan ca, tan sở của mình hơn. Các gia đình sẽ không phải chịu thêm những chi phí phát sinh.

Học sinh không còn vô hình chung bị người lớn tạo điều kiện cho lười hơn khi phải tan học vào lúc 19 giờ… Đó là những cái được mà ai cũng khấn khởi, ai cũng vui mừng khi có quyết định điều chỉnh giờ tan học lên 18 giờ thay vì 19 giờ.

Điều chỉnh giờ tan học buổi chiều lên 18 giờ sẽ tạo thuận lợi cho cả nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh
Điều chỉnh giờ tan học buổi chiều lên 18 giờ sẽ tạo thuận lợi cho cả nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh
Học sinh không còn phải trở về nhà quá muộn nữa
Học sinh không còn phải trở về nhà quá muộn nữa

- Theo ông, đây có phải là hành động nhận sai và sửa sai của UBND TP Hà Nội với quyết định 315 về đổi giờ làm, giờ học trên địa bàn thành phố?

PGS. Văn Như Cương: Có thể gọi đó là một hành động nhận sai và sửa sai kịp thời của lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Biết sai thì phải sửa, sai đâu sửa đó… là chuyện thường tình.

Tuy nhiên, tôi rất ngạc nhiên! Tại sao, người nắm rõ nhất, hiểu rõ nhất về trường học trên địa bàn thành phố như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại không có sự tham mưu gì với lãnh đạo UBND TP Hà Nội trong cuộc chiến đổi giờ học, giờ làm này?

Học sinh khối THPT tan vào lúc 18 giờ sẽ khiến giao thông rối ren hơn
Học sinh khối THPT tan vào lúc 18 giờ sẽ khiến giao thông rối ren hơn

- Điều chỉnh giờ tan học của khối THPT vào 18 giờ, đây đã là khung giờ lý tưởng để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa thưa PGS. Văn Như Cương?

PGS. Văn Như Cương: Đó là vấn đề tôi đang băn khoăn, lo lắng và thấy chưa hài lòng, chưa yên tâm. Không cần nói thì ai cũng biết, 18 giờ là khung giờ cao điểm về ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do đó, cho học sinh khối THPT tan vào thời điểm đó, vô tình chúng ta lại đi đóng góp một số lượng lớn người tham gia giao thông ở mọi ngõ ngách đường phố Hà Nội. Đường đã ùn nay lại càng thêm ùn, đã tắc nay lại càng tắc. Đây chưa phải là thời gian phù hợp và lý tưởng để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.

Quyết định điều chỉnh của UBND TH Hà Nội là đúng, là sâu sát. Tuy nhiên, lãnh đạo vẫn chưa chọn được khung giờ phù hợp. Điều này thể hiện sự lung túng của lãnh đạo và thiếu những sự nghiên cứu thực tế kỹ càng.

- Thay vì cho học sinh tan vào 19 giờ và nay là 18 giờ, chúng ta nên cho học sinh tan học buổi chiều vào thời điểm nào thì hợp lý?

PGS. Văn Như Cương: Trường THPT Dân Lập Lương Thế Vinh vẫn cho học sinh vào tiết buổi chiều từ 13 giờ và kết thúc lúc 17 giờ 15 phút với học sinh học 5 tiết. Với khung giờ tan học như vậy, trường chúng tôi không đóng góp người và phương tiện gây ùn tắc giao thông. Tôi cho rằng, thời điểm 17 giờ 15 phút là thời điểm hợp lý hơn cả để cho học sinh tan. Nó sớm hơn với 19 giờ gần 2 tiếng đồng hồ nên học sinh không phải trở về nhà quá muộn. 17 giờ 15 phút cũng sớm hơn 18 giờ những 45 phút và không phải giờ cao điểm của ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bởi theo PGS Văn Như Cương, thời điểm 18 giờ là giờ cao điểm của ùn tắc giao thông trên các tuyến phố của Hà Nội.
Bởi theo PGS Văn Như Cương, thời điểm 18 giờ là giờ cao điểm của ùn tắc giao thông trên các tuyến phố của Hà Nội.

- Trong lần chia sẻ trước đó với báo Giáo dục Việt Nam, PGS có chia sẻ rằng: “Tôi quan ngại tâm lý thất bại của lãnh đạo…”. Liệu sự thay đổi này có phải là biểu hiện cho tâm lý thất bại của lãnh đạo không thưa PGS?

PGS. Văn Như Cương: Tôi mừng trước quyết định của UBND TP Hà Nội. Lãnh đạo đã dám nhìn thẳng vào sự thật, biết nhận sai, biết sửa sai một cách rất kịp thời. Ban đầu, tôi quan ngại rằng lãnh đạo sẽ không dám sửa sai vì sợ dư luận lên tiếng chỉ trích không sâu sát với thực tế, vì có những quyết định không hiệu quả, chưa phục vụ và mang lại lợi ích cho nhân dân. Nhưng, quyết định đổi giờ tan học cho học sinh khối THPT buổi chiều lên 18 giờ chỉ trong 1 tuần thí điểm thực hiện đã thể hiện sự vào cuộc thật sự nghiêm túc và thiện chiến của UBND TP Hà Nội. Các lãnh đạo đã biết lắng nghe, biết thừa nhận những điểm bất hợp lý, những khúc mắc, khó khăn từ quyết định ban hành lần đầu tiên…

- Cám ơn PGS. Văn Như Cương đã dành thời gian chia sẻ cùng báo Điện tử Giáo dục Việt Nam!

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục



Thu Hòe (thực hiện)