PGS Văn Như Cương phân trần về những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook

17/01/2013 07:06
Xuân Trung
(GDVN) - Trước những thông tin về Quy định những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook đối với học sinh Trường THPT DL Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây chưa phải là một bộ quy tắc cũng không phải là một nội quy, mà đây chỉ là một lưu ý, một khuyến cáo…
Ngày hôm qua, khi một số trang mạng đăng tải nội dung về những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook của Trường THPT Lương Thế Vinh, trong đó có nội dung: “Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt, ví dụ như dm, vcl, vl, bts,… Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần việt; Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai.
Chỉ like Status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những Status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước Status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc Status. Bởi vậy viết Status phải rõ ràng”.

Quy định này lưu ý học sinh: “Mọi việc đều có hai mặt. Facebook là mạng chia sẻ, vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người”.

Dư luận đã có những phản ứng nhất định, một nickname có tên “Tong” phản đối: “Facebook là trang cá nhân của mỗi người nên tuyệt đối phải có quyền tự do của người đó. Họ muốn viết gì trên đó là quyền của họ, luật gì mà cấm cản? Nhà cung cấp không cấm thì nhà trường có quyền gì chứ? Tuy tôi biết việc học sinh lên Facebook nói xấu thầy cô là không đúng nhưng việc xen cả vào đời sống riêng tư của học sinh bên ngoài cánh cổng trường thực sự quá vô lý. Vấn đề ở đây không  phải cứ đưa ra cái luật rồi ép các em vào quy chế là xong mà phải diệt từ gốc rễ. Nếu 1 học sinh được giáo dục tốt thì không đời nào có hành vi xúc phạm thầy cô như thế. Hơn nữa, nhà trường nghĩ có thể quản lý được sao?”.

Tiếp ý kiến trên, một nickname có tên Haexotic thì tỏ ra thông cảm và giải thích vấn đề: “Nhà trường viết ra cái này không phải để đi lục lọi Face học sinh xem nó nói gì, làm gì mỗi ngày mà chỉ để các học sinh biết sẽ phải nhận những hình thức kỷ luật như thế nào nếu bị phát hiện có hành vi không tốt trên Face. Thế nên không có gì gọi là xâm phạm quyền riêng tư cả. Chắc chắc nhà trường không thể quản lý hết được. Nhưng nếu ai bị phát hiện thì chắc chặn sẽ vị kỷ luật nghiêm khắc. Đấy là cái đích hướng tới của nhà trường”.

Theo quan điểm của PGS Văn Như Cương, việc nói tục, chửi thề trong và ngoài nhà trường, kể cả trên Facebook là không được phép, nói tục ở đâu cũng là một khuyết điểm. Ảnh Xuân Trung
Theo quan điểm của PGS Văn Như Cương, việc nói tục, chửi thề trong và ngoài nhà trường, kể cả trên Facebook là không được phép, nói tục ở đâu cũng là một khuyết điểm. Ảnh Xuân Trung

Trước những luồng dư luận từ học sinh tới thanh niên – những người thường xuyên sử dụng Facebook như một diễn đàn, một công cụ trao đổi không thể thiếu, PGS Văn Như Cương khẳng định, những điều đề ra như trên hoàn toàn không phải là một bộ quy tắc, cũng không phải là một nội quy mà đây chỉ là một khuyến cáo mang tính chất lưu ý cho học sinh khi sử dụng Facebook.

PGS Văn Như Cương thông tin, những điều lưu ý trên cũng là một phép thử để nghe dư luận của học sinh  trong trường và dư luận của học sinh nói chung. Nhưng vấn đề lớn hơn không chỉ nằm ở hình thức thăm dò mà sau đó sẽ có một quy định màn tính chất định hướng và giáo dục. Đây có thể là những vấn đề lớn mà chưa được sự quan tâm của các nhà quản lí văn hóa và giáo dục. Thực tế, rất nhiều học sinh dành thời gian vào các diễn đàn và mạng xã hội, lơ là học hành, thậm chí nhiều học sinh mắc nghiện mà bài học game online trước đó đã là ví dụ cụ thể. Trong tương lai Facebook sẽ còn phát triển mạng và thu hút nhiều học sinh, nếu không có cách quản lí tốt sẽ rất nguy hiểm.
Nhận định về tác hại của việc học sinh sa đà vào mạng xã hội hiện nay, cụ thể là Facebook, PGS Văn Như Cương nhấn mạnh, có thể do không có người kiểm soát nên ngôn từ được học sinh sử dụng bừa bãi, lệch lạc, việc chửi bậy, chửi tục tha hồ. Thậm chí, có những em còn văng tục với bố mẹ trên Facebook, nhưng sau hối hận cũng không kịp, như vậy là thiếu văn hóa: “Tôi rất sợ nếu chúng ta không kiểm soát được, không định hướng được, không giáo dục được thì một thế hệ sẽ toàn người nói thề”.

Dư luận từng chứng kiến trường hợp cụ thể đối với một học sinh tại Quảng Ngãi đã mượn Facebook để thóa mạ thầy cô, sự việc này đã làm cho những người làm giáo dục một phen náo loạn. PGS Văn Như Cương nói rằng điều đó là khó có thể chấp nhận. Và, điều mà trường ông đang làm hiện này chỉ là mong muốn như một phép thử và tiếp sau đó sẽ tiến hành cho học sinh thảo luận trước lớp, sau khi có ý kiến từ học sinh nhà trường sẽ ra một quy định cụ thể.

Theo quan điểm của PGS Văn Như Cương, việc nói tục, chửi thề trong và ngoài nhà trường, kể cả trên Facebook là không được phép, nói tục ở đâu cũng là một khuyết điểm: “Do vậy, tôi phải làm cho ra được quy định cụ thể về việc này. Tôi có quyền làm như thế trong phạm vi của trường, còn ai phê phán thế nào thì cứ phên phán, ai muốn vào học thì phải tuân theo quy định như vậy”.

Hiện nay trang xã hội Facebook ai cũng biết là trang chia sẻ cộng đồng, mọi ý kiến có thể được chia sẻ công khai. Trong khi việc nhà trường có những “cấm kỵ” trên nhiều người cho rằng đó phải chăng đã can thiệp thái quá vào chuyện riêng tư của học sinh? Về điều này PGS Văn Như Cương cho biết: “Tôi nghĩ tôi không can thiệp vào chuyện riêng tư của các em, việc can thiệp hay không can thiệp thử nghĩ nếu không có quy định thì tính giáo dục của nhà trường nằm ở đâu khi học sinh đó nói tục, chửi bậy với bố mẹ, với xã hội?". 

Cho ra những điều “cấm kỵ” trên, theo lời PGS Văn Như Cương là để xây dựng một cộng đồng tại trường học có văn hóa trong mọi việc để cho những người thiếu văn hóa làm không đúng thì tự giác uốn nắn lại mình. PGS Cương cũng lưu ý, nếu Bộ GD&ĐT chưa có những quy định cụ thể thì tùy từng trường với điều kiện của mình nên đề ra những quy định cho học sinh.

Theo thông tin từ nhà trường, sắp tới trường sẽ đưa ra những quy định cụ thể để nhắn nhủ với học sinh cần có văn hóa khi lên Facebook, trước khi đưa ra quy định cụ thể nhà trường sẽ tiến hành cho học sinh trao đổi ý kiến xung quanh dùng Facebook, cho các em bàn luận.
Xuân Trung