PTT Vũ Đức Đam: Thi phải nghiêm túc, thuận lợi cho dân và đúng pháp luật

22/05/2015 08:04
Phương Thảo
(GDVN) - Ngày 21/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT làm việc với UBND tỉnh Hải Dương về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Tại ngày làm việc với tỉnh Hải Dương về công tác chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia với hai mục đích, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Nghị quyết trung ương yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đổi mới giáo dục là từ mẫu giáo đến tiến sĩ. 

Yêu cầu mới về nguồn nhân lực cho thấy nếu đào tạo cứ hiện tại thì không đáp ứng được yêu cầu; đổi mới căn bản toàn diện không có nghĩa là những gì trước đây mình xóa hết đi, nhưng đây cũng không phải sửa chữa nhỏ, mà phải làm căn bản. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, mỗi nghị quyết ban hành đều có chương trình hành động và chọn cái gì làm đột phá. Tuy thế, việc chọn khâu nào là đột phá cũng còn nhiều tranh luận.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kỳ thi lần này đặt ra để nhằm đổi mới phương pháp, cải cách chương trình, sách giáo khoa, là làm sao bớt nhiêu khê, phiền hà cho xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kỳ thi lần này đặt ra để nhằm đổi mới phương pháp, cải cách chương trình, sách giáo khoa, là làm sao bớt nhiêu khê, phiền hà cho xã hội.

Bộ GD&ĐT chọn khâu thi là đột phá, nhưng không có nghĩa từ đó đến nay bộ chỉ làm thi cử. 

Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, thi cử yêu cầu lớn nhất và về lâu dài là việc tác động đến chương trình, nội dung giảng dạy, phương pháp dạy. 

Ví dụ, thi kiểu học thuộc lòng thì người học cũng học thuộc lòng, thi đặt đề mang tính logic suy luận thì người học học kiểu suy luận. Như vậy, thầy giáo phải dạy dần dần và không thể ngủ dậy trong sáng mai mà có thể thay đổi được.

Chọn thi là khâu đột phá, vì đây là vấn đề xã hội quan tâm nhất và rõ ràng là bức xúc nhất. 

Bức xúc bởi quá nhiêu khê, phức tạp và tốn kém tiền của xã hội. 

Thứ hai, thi không trung thực, đặc biệt là kỳ thi phổ thông. 

Về tổ chức thi, Phó Thủ tướng cho rằng thi cái gì cũng là một cuộc tranh luận. Báo chí cũng đã viết nhiều, mỗi một năm tốn bao nhiêu tiền, tắc đường, v.v.. năm nay phải tổ chức lại để khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Thứ nhất, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phải tổ chức kỳ thi thật nghiêm túc. Thứ hai, phải đảm bảo kết quả thật sự trung thực. Đây là yêu cầu chung. 

“Chính phủ muốn đổi mới kỳ thi mạnh hơn nữa, thuận lợi hơn nữa cho nhân dân. Việc gì đổi mới được thì đổi mới mạnh hơn nữa, đúng pháp luật nhưng mà thật thuận lợi cho dân và đảm bảo kết quả để làm đầu vào của đại học, cao đẳng. Mình vừa làm vừa quan sát, rút kinh nghiệm.

Đổi mới là quá trình liên tục, nhưng chắc chắn kỳ thi phải ngày càng bớt nhiêu khê, ngày càng thuận tiện cho dân. Tóm lại, việc thi cử phải đảm bảo nghiêm túc, trung thực, thuận lợi nhất cho người dân và đúng pháp luật” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo, năm 2015, toàn tỉnh Hải Dương có 20.635 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó số thí sinh dự thi tại cụm thi do các trường đại học chủ trì là 12.495 (chiếm 60,55%). Số thí sinh dự thi tại cụm do Sở GD&ĐT chủ trì là 8.140 (chiếm 39,45%).
Số thí sinh chọn môn Hóa học là 10.069 (48,8%); Vật lý là 9.544 (46,2%); Địa lý là 8.823 (42,7%); Sinh học là 3.637 (17,6%) và Lịch sử là 2.390 (11,6%).
Ông Nguyễn Văn Quế - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, để tổ chức cụm thi tại địa phương, Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với trường đại học Nông lâm Bắc Giang, tiếp nhận cán bộ, giảng viên tham gia Hội đồng thi, giám sát, tham gia coi và chấm thi. 
Cụm thi do trường đại học Hải Phòng chủ trì - nơi học sinh Hải Dương sẽ dự thi để dùng kết quả xét tuyển đại học, Sở đã điều động đủ số lượng cán bộ tham gia công tác chỉ đạo, tổ chức thi trong đó có 1 lãnh đạo Sở, 1 chuyên viên, 12 phó hiệu trưởng trường phổ thông tham gia Hội đồng thi.
Phương Thảo