Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nói sẽ cấp đất, mời đầu tư chống quá tải trường học

17/09/2018 13:57
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - "Tỉnh sẽ bố trí quỹ đất, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập trên địa bàn để giảm quá tải cho các trường công lập".

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết cảnh báo về quá tải trường học ở Thành phố Thanh Hóa và nhiều huyện lân cận.

Để làm rõ thêm về những giải pháp chống quá tải trường công, hôm 14/9, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Phóng viên: Thưa ông, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đến vấn đề đầu tư hạ tầng để phát triển giáo dục nhất là học bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ra sao?

Ông Phạm Đăng Quyền: Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh thường xuyên quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giáo dục như triển khai các chương trình, đề án lớn của Trung ương, của tỉnh để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường cơ sở vật chất của ngành giáo dục cho cả giai đoạn từ 2015-2020, cụ thể:

Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa có sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 898/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 với tổng kinh phí 317.675 triệu đồng, quy mô 347 phòng học).

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh của: QUỐC TOẢN.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh của: QUỐC TOẢN.

Đề án mở rộng, nâng cấp các trường trung học phổ thông để đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 3951/QĐ-UBND ngày 08/10/2015, tổng kinh phí 240 tỷ đồng).

Đề án mở rộng, nâng cấp khu nội trú cho các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông các huyện miền núi cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 (Quyết định số 4156/QĐ-UBND ngày 16/10/2015, tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng).

Đề án củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú đến năm 2020 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5046/QĐ- UBND ngày 27/12/2016, với tổng kinh phí 80 tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng trường trung học phổ thông dân tộc nội trú Ngọc Lặc gần 130 tỷ đồng, cải tạo trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn với kinh phí khoảng 45 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nói sẽ cấp đất, mời đầu tư chống quá tải trường học ảnh 2Nếu không có thêm trường lớp, cả chục nghìn học sinh Thanh Hóa sẽ học ở đâu?

Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ cho một số các huyện đầu tư xây dựng phòng học cho các trường mầm non, phổ thông thuộc vùng khó khăn.

Hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính và các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục.

Tham mưu cho Ủy ban nhân tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các trường học còn khó khăn về cơ sở vật chất trong giai đoạn 2020-2025.

Đến nay phòng học kiên cố các trường mầm non, phổ thông trong tỉnh đạt 87,11%, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 65%. Tuy nhiên, ngành học mầm non hiện nay còn nhiều phòng học tạm và một số nơi còn thiếu phòng học phải học nhờ.

Được biết hiện nay tình trạng quá tải trường lớp học đang diễn ra tại một số địa phương trong tỉnh. Vậy, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã có giải pháp gì để giảm áp lực trường lớp, biên chế giáo viên, đảm bảo được chất lượng dạy học trong những năm học tiếp theo?

Ông Phạm Đăng Quyền: Về quy mô học sinh mầm non, phổ thông trong tỉnh có xu hướng tăng nhẹ từ năm 2018 - 2020 và đến năm 2025. Đối với thành phố Thanh Hóa và một số địa phương có các khu công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh thì sự tăng trưởng quy mô học sinh rõ nét hơn do có sự dịch chuyển dân cư.

Hiện tượng này đã tạo ra một số áp lực về cơ sở hạ tầng xã hội nói chung, trong đó có hạ tầng giáo dục. Để khắc phục những khó khăn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh tỉnh Thanh Hóa, hiện nay tỉnh đã tiến hành triển khai nhiều giải pháp, cụ thể:

Về dài hạn: Triển khai có hiệu quả các Nghị quyết số 122/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

Nghị quyết số 103/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án sắp xếp các trường phổ thông công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.

Sắp xếp bố trí nguồn vốn để thực hiện một số đề án lớn của giai đoạn 2015-2020 đã phê duyệt để tăng cường cơ sở vật chất trường học; Thực hiện sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở trường học để đảm bảo mục tiêu phù hợp, tinh gọn, hiệu quả.

Xây dựng triển khai một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ để phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Đồng thời, để đảm bảo nhu cầu giáo dục trong những năm tới Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo về quản lý quy hoạch đô thị, trong đó có việc chỉ đạo các chủ đầu tư, các địa phương liên quan chấp hành nghiêm về việc sử dụng quỹ đất cho xây dựng trường học tại các khu đô thị mới.

Bố trí quỹ đất, tuyên truyền kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập trên địa bàn để giảm quá tải cho các trường công lập.

Về ngắn hạn: Chỉ đạo ngành giáo dục, Ủy ban nhân dân các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế mỗi năm học có các biện pháp kịp thời để bảo đảm các điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên mỗi địa bàn.

Riêng đối với Thành phố Thanh Hóa, tỉnh đã có buổi làm việc trực tiếp với đơn vị và các ngành liên quan, thống nhất giao chỉ tiêu hợp đồng giáo viên đảm bảo đủ giáo viên phục vụ dạy học cấp mầm non và tiểu học (theo Thông báo Kết luận số 137/TB-UBND ngày 10/8/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

Chỉ đạo quyết liệt với các ngành khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ cho các trường mầm non để thu hút học sinh, giảm áp lực cho các trường công lập kể cả về giáo viên và cơ sở vật chất theo Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

Về phòng học, chỉ đạo Thành phố Thanh Hóa cũng như các địa phương ưu tiên tối đa để bố trí phòng học đủ cho các lớp học, đáp ứng yêu cầu dạy học năm học 2018-2019.

Một số quan điểm cho rằng, việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục thời gian thu hồi vốn lâu, do đó, nhiều doanh nghiệp thường không mấy mặn mà với lĩnh vực này. Vậy tỉnh Thanh Hóa đã có những cơ chế chính sách thu hút hỗ trợ ra sao cho các doanh nghiệp tâm huyết muốn đầu tư vào giáo dục?

Ông Phạm Đăng Quyền: Những nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục là những người có tâm huyết, có khát vọng cống hiến đối với sự nghiệp giáo dục và tương lai thế hệ trẻ. Tuy nhiên việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục có thời gian thu hồi vốn chậm là một thực tế.

Do vậy, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã triển khai một số chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư, cụ thể:

Quyết định số 4294/2011/QĐ-UBND ngày 21/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất tùy theo địa bàn mức giảm từ 60% đến miễn 100%).

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (phải). Ảnh của VĂN THIỆN.
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (phải). Ảnh của VĂN THIỆN.

Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và Quyết định 03/2018/QĐ-UBND ngày 08/2/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 về Chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để trả lương cho cán bộ quản lý, giáo viên từ 3 đến 10 năm, tùy theo từng vùng miền. Riêng đối với miền núi thời gian hỗ trợ để trả lương cho cán bộ quản lý, giáo viên đến 10 năm; hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… từ 3 đến 5 năm.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành xây dựng trình duyệt “cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các trường công lập tự chủ và tư thục chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Có ý kiến cho rằng, đối với các khu vực miền núi, vùng khó khăn, ngoài việc thu hút các nhà đầu tư thì nhà nước mà cụ thể là tỉnh Thanh hóa cũng nên quan tâm hơn nữa việc đầu tư xây dựng hạ tầng để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ý kiến của ông về việc này thế nào?

Ông Phạm Đăng QuyềnVề việc này, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao trong những năm qua bằng các đề án, chương trình cụ thể như sau:

Đề án nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1438/QĐ-UBND ngày 06/5/2013, với tổng kinh phí 907.789 triệu đồng.

Đề án củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú đến năm 2020 được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5046/QĐ- UBND ngày 27/12/2016, với tổng kinh phí 80 tỷ đồng.

Đề án mở rộng, nâng cấp khu nội trú cho các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông các huyện miền núi cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 (QĐ số 4156/QĐ-UBND ngày 16/10/2015, tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng).

Chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 898/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 với tổng kinh phí 317.675 triệu đồng).

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện bằng việc giao các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát cơ sở vật chất các trường học để xây dựng chính sách hỗ trợ các huyện đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, đáp ứng yêu cầu dạy học và chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)