Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn tiếp tục giải đáp các thắc mắc về "1 sách 3 thầy"

10/08/2017 06:57
Thùy Linh
(GDVN) - Chương trình giáo dục không quy định ai sẽ ghi sổ đầu bài và vào điểm. Việc này do hiệu trưởng nhà trường phân công.

LTS: Ngày 8/8/2017, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài trả lời phỏng vấn của Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn với tựa đề "“3 thầy 1 sách, dạy một môn”, kế hoạch do giáo viên và nhà trường chủ động” xung quanh vấn đề về môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
 
Ngay sau đó, Tòa soạn tiếp tục nhận được những câu hỏi, phóng viên tiếp tục có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn - Trưởng nhóm chương trình môn Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới, để thầy cô trên cả nước hiểu kỹ hơn về những thay đổi cốt lõi trong môn học tích hợp này. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả nội dung cuộc trao đổi này.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, việc Ban xây dựng chương trình nói việc phân công giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý do các trường tự làm, là kiểu đá quả bóng trách nhiệm xuống cơ sở. Phó Giáo sư nghĩ sao về điều này?

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Phân công giáo viên dạy môn học và kế hoạch nhà trường là do hiệu trưởng nhà trường quy định, chương trình giáo dục không quy định cụ thể việc này. 

Việc này cũng đã được thực hiện tại nhiều trường phổ thông từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn số 791/HD-BGD ĐT ngày 25/06/2013 về thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông.

Trong đó có nêu, “nhà trường chủ động trong việc cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học trong chương trình hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh,…. xây dựng kế hoạch dạy học, phân phối chương trình mới của môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường” (trong khuôn khổ kế hoạch năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo). 

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn - Trưởng nhóm chương trình môn Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định Chương trình giáo dục không quy định ai sẽ ghi sổ đầu bài và vào điểm. Việc này do hiệu trưởng nhà trường phân công. (Ảnh: Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cung cấp)
Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn - Trưởng nhóm chương trình môn Khoa học tự nhiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định Chương trình giáo dục không quy định ai sẽ ghi sổ đầu bài và vào điểm. Việc này do hiệu trưởng nhà trường phân công. (Ảnh: Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cung cấp)

Theo chúng tôi được biết, chủ trương này đã tạo thuận lợi cho các trường hoạt động và được các trường học hoan nghênh. Chủ trương này là phù hợp với chủ trương chung hiện nay là tăng cường tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo của các tổ chức cơ sở. 

Do vậy, việc để nhà trường chủ động trong việc phân công giáo viên dạy và xây dung kế hoạch dạy học trong chương trình đổi mới lần này chỉ là sự tiếp tục của một chủ trương đã thực hiện và nếu có mới thì chỉ là thực hiện trên môn học mới (ở đây là môn tích hợp). 

Nhiều giáo viên vẫn chưa hiểu rõ việc thi kiểm tra, ghi sổ đầu bài, vào điểm sẽ do giáo viên phân môn nào làm, xin Phó Giáo sư cho biết cụ thể về vấn đề này? 

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Chương trình giáo dục không quy định ai sẽ ghi sổ đầu bài và vào điểm. Việc này do hiệu trưởng nhà trường phân công. 

Theo tôi, hiện nay ở cấp trung học cơ sở, 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học được dạy riêng rẽ nên giáo viên đã quen với sinh hoạt chuyên môn và phân công công việc được thực hiện riêng rẽ giữa 3 môn này.

Nhưng khi thực hiện chương trình giáo dục mới, thì Khoa học tự nhiên là một môn học nên mọi sinh hoạt chuyên môn và giáo dục đều thực hiện chung trong một môn học (không phải là phân môn). 

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn tiếp tục giải đáp các thắc mắc về "1 sách 3 thầy" ảnh 2

Tích hợp “1 sách 3 thày”, Ban soạn thảo càng ngày càng rối

Nguyên tắc để phân công nhiệm vụ đó là gì để đảm bảo khoa học, công bằng, hiệu quả hơn cách làm hiện nay với từng môn độc lập, khi mỗi môn vẫn 1 thầy, thưa Phó Giáo sư?

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Phân công hiệu quả là vì lợi ích và chất lượng học tập của học sinh, ai dạy tốt thì nên dạy.

Có quan điểm cho rằng, thực tế Khoa học tự nhiên chỉ là gộp 3 môn Lý – Hóa – Sinh vào 1 cuốn sách giáo khoa một cách cơ học, mỗi môn vẫn một thầy, không có bóng dáng nào của “tích hợp” mà chỉ gây khó khăn thêm cho việc quản lý. Phó Giáo sư có chia sẻ gì về điều này?

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Có nhiều cách xây dựng môn tích hợp, có cách tích hợp “SÂU” thì các chủ đề dạy học không còn rõ là vật lý, hoá học hay sinh học. 

Tuy nhiên cũng có cách tích hợp “NÔNG”, nghĩa là tích hợp nhưng vẫn dựa trên chủ đề truyền thống của các môn khoa học cơ bản.

Với cách tích hợp này thì vẫn nhận ra đâu là phần nặng về kiến thức vật lý, đâu là nặng về hoá học hay sinh học.

Chọn cách tích hợp nào là tuỳ thuộc vào khả năng dạy học của giáo viên, đào tạo giáo viên của các trường sư phạm và điều kiện dạy học của nhà trường phổ thông. 

Trong lần đổi mới này ở môn Khoa học tự nhiên (cấp trung học cơ sở) chúng tôi chọn cách tích hợp “NÔNG” để phù hợp với hoàn cảnh của nước ta, sẽ tận dụng được khả năng đã được đào tạo của đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay. 

Cách tích hợp dựa vào nguyên lý khoa học của tự nhiên đã được viết rõ ở lần trước, do đó, không nên cho rằng tích hợp chỉ là sự ghép nối cơ học.

Số lượng “chủ đề tích hợp” trong môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý của mỗi khối lớp Trung học cơ sở là bao nhiêu, thưa ông?


Một chủ đề tích hợp như 8 ví dụ Phó Giáo sư nêu ra trong bài trước, sẽ được dạy trong mấy tiết?

Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Môn tích hợp Khoa học tự nhiên chỉ có ở cấp trung học cơ sở, lên đến cấp trung học phổ thông sẽ tách ra thành 3 môn Vật lý, Hoá học và Sinh học.  

Hiện nay chương trình môn học cấp trung học cơ sở đang trong quá trình xây dựng và góp ý, chưa có chương trình chính thức nên chưa có số lượng các chủ đề. 

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn tiếp tục giải đáp các thắc mắc về "1 sách 3 thầy" ảnh 3

“3 thầy 1 sách, dạy một môn”, kế hoạch do giáo viên và nhà trường chủ động

8 chủ đề của môn Khoa học tự nhiên nêu lên ở trên chỉ là các ví dụ, chưa phải là nội dung chính thức và chưa quyết định số giờ dạy.

Nhiều giáo viên thắc mắc về 8 chủ đề tích hợp như Phó Giáo sư nêu.

Ví dụ như chủ đề năng lượng (năng lượng vật lý, năng lượng hoá học, năng lượng sinh học). 

Vậy trong chủ đề này, phần năng lượng vật lý thì giáo viên dạy nội dung gì? Năng lượng hóa học thì giáo viên dạy nội dung gì và năng lượng sinh học thì giáo viên dạy nội dung gì? Mối quan hệ giữa 3 nội dung này là gì?

Ban Xây phát triển chương trình giáo dục phổ thông đã có bài mẫu nào về chủ đề “tích hợp” như vậy chưa? Nếu có, xin Phó Giáo sư vui lòng cung cấp, giới thiệu kỹ hơn về 1 chủ đề để giúp giáo viên, phụ huynh và học sinh dễ hình dung.


Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn: Như phân tích ở trên, theo cách tích hợp NÔNG nên khi phân chia chủ đề năng lượng cho phần nội dung nặng về vật lý thì giáo viên vật lý dạy sẽ thuận lợi, tuy vậy các ví dụ về năng lượng hoá học hay chuyển hoá năng lượng trong cơ thể sống cũng sẽ được đề cập.

Đây là một môn học chứ không phải 3 phân môn nên kiến thức năng lượng của vật lý sẽ được vận dụng để hiểu hơn về hoá học và sinh học, chứ không nên hiểu đây là 3 phần ghép lại một cách cơ học. 

Ví dụ, khi học sinh học về thấu kính thì bên cạnh dạy thấu kính trong các thiết bị quang học như máy ảnh, kính hiển vi,… các em được học về thuỷ tinh thể và điều tiết cầu mắt ở mắt người (cơ chế vật lý được vận dụng vào trong sinh học). 

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn!

Thùy Linh