Phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực sẽ đi về đâu?

19/03/2018 06:55
THIÊN ẤN
(GDVN) - Phong trào được 10 năm rồi, Bộ Giáo dục nên có tổ chức tổng kết để nhìn nhận, đánh giá. Nếu thấy không ổn, thì xin Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy dẹp sớm.

LTS: Với mong muốn mời bạn đọc cùng soi xét, làm rõ kết quả 3 nội dung chính của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông ở chặng đường 10 năm qua do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị, tác giả Thiên Ấn đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. 

Cách đây đúng 10 năm, cùng với các cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và  “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị 40/2008/CT-BGDĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông.

Với mục tiêu, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp và hiệu quả.

“Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông (Ảnh minh họa: thpthoangcau.edu.vn).
“Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông (Ảnh minh họa: thpthoangcau.edu.vn).

Phong trào với 5 nội dung: Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; Tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.

Nội dung thứ nhất: Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Đáng mừng cơ sở vật chất, phòng ốc, trang thiết bị dạy học của các trường phổ thông, nhất là cấp trung học phổ thông ngày càng được quan tâm, đầu tư tốt hơn.

Nhiều trường có một khuôn viên đẹp, một cơ ngơi phòng ốc, nhà đa năng khá khang trang, bề thế.

Công tác quản lý cơ sở vật chất, vệ sinh, môi trường đã được một số nhà trường tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các nhà trường phổ thông vẫn chưa đồng bộ, còn trong tình trạng thiếu hụt, chắp vá nhiều.

Phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực sẽ đi về đâu? ảnh 2Những ẩn khuất phía sau chuyện mua sắm, sửa chữa, xây dựng...ở nhà trường

Vẫn nặng cơ chế xin - cho, nơi nào địa phương và nhà trường “mạnh”, biết “quan hệ” tốt thì được đủ nguồn kinh phí để xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm. Còn những địa phương và nhà trường “yếu”, kém “quan hệ” thì đừng có mơ …

Trường lớp, phòng ốc, nhà vệ sinh ở các địa phương bị xuống cấp trầm trọng, chậm được khắc phục, gây nguy hiểm, mất an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe đến học sinh và các thầy cô giáo đã từng được báo chí đề cập, phản ánh đậm nét trong năm 2017.

Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, dân số càng đông, số lượng học sinh gia tăng theo từng năm, trường lớp trở nên quá tải, chật chội…thì còn lâu các tiêu chí ở nội dung này mới đạt được.

Thương nhất là những em học sinh ở các vùng miền núi - nơi kinh tế còn gian khó, đến hôm nay khi tới trường học mà vẫn chưa có cái nhà vệ sinh đúng nghĩa để tiểu tiện, đành phải “nhịn” suốt cả buổi học.

Về nội dung thứ 2: Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập.

Có thể nói, 10 năm qua “làn sóng đổi mới” của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra vô cùng mạnh mẽ với hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, nhiều cuộc thi, hội thi dành cho giáo viên và học sinh được triển khai, tổ chức rầm rộ.

Quá nhiều cuộc thi, hội thi dẫn đến tình trạng thầy cô giáo và học sinh cùng bị bội thực, chán ngán, mệt mỏi rã rời.

Đổi mới phương pháp giảng dạy của người thầy nhằm khuyến khích sự chuyên cần, tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức vươn lên, rèn luyện khả năng tự học của học sinh…vẫn chưa thu được kết quả, chuyển biến tích cực, rõ rệt.

Một bộ phận không nhỏ giáo viên phổ thông năng lực chuyên môn, phương pháp dạy học hạn chế, cầm chừng, chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới.

Phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực sẽ đi về đâu? ảnh 3Giải tán phòng giáo dục có những lợi ích gì?

Cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đặc biệt cấp cơ sở lại thiếu tâm huyết và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hoạt động trọng tâm: dạy và học tại nhà trường.

Thầy cô giáo yếu kém kéo theo việc học tập của học sinh sa sút, trì trệ, ý thức tự học, ham đọc sách càng bị mai mốt.

Thư viện của nhà trường đâu có thiếu sách hay, sách mới nhưng lại vắng bóng, hiếm hoi học sinh tìm đến mượn và đọc.

Nghiêm trọng hơn, nhiều thầy cô giáo lấy lý do lương không đủ sống tìm muôn cách để chèn ép học sinh phải đi học thêm tại nhà, bất chấp quy định của ngành khiến dư luận, phụ huynh và học sinh càng thêm bức xúc, phẫn nộ vì những hệ lụy khôn lường của vấn nạn này gây ra.

Học sinh mất hẳn niềm vui và hứng thú khi đến trường học. “Thầy không ra thầy”, “Trò không ra trò” đang là câu cửa miệng của nhiều người khi nói tới ngành giáo dục hiện nay.            

Nội dung thứ 3: Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh cũng là một yêu cầu, nội dung rất quan trọng và cấp thiết được Chỉ thị nhấn mạnh.

Các đợt bồi dưỡng, tập huấn dành cho giáo viên đã triển khai rộng khắp, tiêu tốn không ít kinh phí của nhà nước.

Các trường học, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, đã tổ chức dạy - học - rèn luyện thường xuyên các kỹ năng sống cho các em.

Nhờ vậy, kỹ năng sống của một số học sinh được cả thiện, nâng lên. Tuy nhiên, sự bất cập, hình thức, thiếu đồng bộ trong hoạt động vẫn bộc lộ rõ.

Phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực sẽ đi về đâu? ảnh 4Thầy cô đủ trình độ dạy kỹ năng sống, sao Hải Dương vẫn thuê công ty ngoài?

Ngay cả thầy cô giáo dạy kỹ năng cũng lúng túng, bế tắc, chỉ có nói và đọc chép thì làm sao các em hiểu và vận dụng trong thực tiễn đời sống.

Mặc cho nhà trường tuyên truyền, nói ra rả hàng tuần về việc học sinh chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe mô-tô thì không được phép đi xe máy trên 50 phân phối đến trường nhưng thực tế, học sinh trung học phổ thông vẫn đi đầy.

Các dịch vụ giữ xe xung quanh khu vực trường chật cứng xe máy của học sinh và nhiều tại nạn thương tâm đã xảy ra. Nhà trường, công an giao thông các địa phương đành buông xuôi, bất lực.

Không ai phủ nhận, nghi ngờ mục đích, giá trị và ý nghĩa đúng đắn của tiêu chí: “Rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội được”.

Nhưng thực thật thì sao?

Nhiều người cho rằng, môi trường văn hóa trong trường học đã ở vào cấp độ báo động đỏ. Có quá nhiều hành vi thiếu văn hóa của học sinh và của cả nhà giáo. Và đây là sự xuống cấp đáng sợ nhất.

Báo văn hóa đưa minh chứng, theo kết quả nghiên cứu trên 3.000 học sinh ở 30 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tại thành phố Hà Nội mới đây cho thấy:

Có tới khoảng 80% số học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực trong trường học ít nhất một lần; 71% cho biết bị bạo lực trong vòng sáu tháng trước thời điểm khảo sát.

Trong ba năm gần đây, ở nhiều địa phương, trường học trên cả nước xảy ra  hàng loạt vụ bạo lực học đường, học sinh đánh nhau hội đồng rồi phát tán clip lên mạng.

Bảo mẫu, thầy cô giáo đánh học sinh gãy chân, tay, bầm tím cả người, phụ huynh và học sinh vỗ lễ, xúc phạm, hành hung giáo viên….

Tất cả đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bất ổn, về văn hóa ứng xử càng xấu đi trong môi trường giáo dục vốn trong lành, uy nghiêm.

Vụ việc nghiêm trọng, cô giáo Nhung phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh 40 phút diễn ra tại Trường tiểu học Bình Chánh, tỉnh Long An gây xôn xao, phẫn nộ dư luận cả nước hơn 1 tuần qua.

Phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực sẽ đi về đâu? ảnh 5Vụ cô giáo quỳ, cần “trị căn” hơn “trị chứng”

Đây bài học lớn về văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục ở các đối tượng bao gồm cán bộ quản lý (hiệu trưởng) giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Tiếp đến là sự vụ một em học sinh nam lớp 8 ở tỉnh Bến Tre có hành vi bóp cổ cô giáo dạy tiếng Anh ngay tại lớp.

Chỉ vì lý do cô giáo này thu vở của một học sinh nữ ngồi ở bên dưới càng khiến mọi người, dư luận quan ngại sâu sắc về quan hệ giữa thầy và trò, giữa thầy và phụ huynh hôm nay.

Phải chăng các nhà trường lâu nay chỉ mải tập trung vào dạy chữ, dạy kiến thức (các bộ môn văn hóa) để thi cử, lấy thành tích, mà xem nhẹ, lơ là việc trang bị, rèn luyện,  kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học trò.

Một số thầy cô giáo thiếu trau dồi, năng lực sư phạm hạn chế, xử lý tình huống non kém…là một số căn nguyên trực tiếp làm rạn nứt, lung lay truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn có từ ngàn năm nay của dân ta.        

Một phong trào lớn “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động trong suốt 10 năm qua.

Năm nào, các nhà trường phổ thông cũng đều phải thành lập ban chỉ đạo, tổ chức thực hiện và làm các báo cáo, biểu mẫu, số liệu gửi lên cấp trên theo quy định, hướng dẫn. Kết quả đạt được còn quá xa so với yêu cầu, các tiêu chí của Chỉ thị đề ra.

Có những vấn đề như: nạn dạy học thêm tràn lan, trái phép trong và ngoài nhà trường; bạo lực, ứng xử văn hóa học đường….mặc dù có nhiều văn bản chỉ đạo, được báo chí phản ánh nhiều nhưng vẫn không thấy có dấu hiệu hạ nhiệt, thuyên giảm, thậm chí có nơi, có lúc còn bùng phát mạnh mẽ, gây nhức nhối dư luận xã hội.

Phong trào này được 10 năm rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có tổ chức tổng kết để nhìn nhận, đánh giá, mặt được, mặt chưa được.

Nếu thấy không ổn, chỉ nặng hình thức, báo cáo cho hay, cho đẹp thì xin Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy dẹp sớm đi…nhà trường đỡ tốn giấy, mất công viết, gửi báo cáo, số liệu….    

THIÊN ẤN