"Quà từ thiện trao không đúng cách chỉ khổ học sinh và giáo viên”

28/02/2019 06:16
Vũ Ninh
(GDVN) - Cô V.T.C hiệu trưởng một trường cấp 2 thuộc tỉnh Hà Giang tâm sự: “Quà từ thiện trao không đúng cách chỉ khổ học sinh và giáo viên”.

Quần áo mới biến thành quần áo cũ

Mới đây chia sẻ trên một diễn đàn giáo dục lớn, cô N.T.Đ (53 tuổi) trưởng nhóm một tổ chức từ thiện tại Hà Nội bức xúc.

"Chúng tôi yêu cầu Huyện công khai số quà phát cho các trường học về chủng loại, số lượng.

Điều thứ 2 toàn bộ đồ dùng, quần áo chúng tôi gửi lên đều là quần áo mới mà trong văn bản chỉ đạo của huyện lại ghi là quần áo cũ".

Chuyện  là nhóm từ thiện của cô Đ có quyên góp được một số tiền hơn 100 triệu đồng.

"Quà từ thiện trao không đúng cách chỉ khổ học sinh và giáo viên” ảnh 1Ông Nguyễn Thiện Nhân tặng 250 suất quà cho đồng bào vùng biên giới

Toàn bộ số tiền này nhóm từ thiện dùng để mua quần áo, ủng và mũ ủng hộ cho học sinh tiểu tiểu học tại một huyện nghèo thuộc tỉnh Lào Cai.

Vì đường sá xa xôi và không có đủ kinh phí thuê xe chở đồ lên.

Cô Đ cùng nhóm quyết định liên hệ với huyện và thông qua một cán bộ trên đấy được phụ trách nhận đồ và giao đồ cho các trường.

Tuy nhiên đến khi các trường nhận đồ phản ánh lại trường thừa, trường thiếu mới dẫn đến tình trạng trên.

Sau sự việc này, tâm sự với phóng viên cô Đ cho biết:

"Đây cũng là một bài học cho tôi và cả nhóm. Nhóm chúng tôi được thành lập cũng như hoạt động đến nay cũng gần 10 năm

Năm nào cũng quyên góp được 2 chuyến đồ từ thiện cho học sinh nghèo vùng cao.

Như mọi năm chúng tôi đều thuê xe và đánh đồ trực tiếp lên ủng hộ các trường. Duy chỉ có năm nay kinh phí không đủ phải thông qua huyện thì dẫn đến tình trạng trên".

Qua đây cô Đ cũng mong muốn các địa phương tạo điều kiện cho các nhóm từ thiện được hoạt động và trao quà thuận lợi, giảm bớt các thủ tục hành chính.

"Việc trao quà từ thiện cho các em hoàn toàn xuất phát từ cái tâm chứ chúng tôi cũng không vì bất cứ mục đích gì cả chỉ mong địa phương tạo điều kiện cho công việc suôn sẻ.

Nhóm của chúng tôi đã hoạt động và trao quà ở nhiều địa phương. Mỗi địa phương lại có cách làm việc khác nhau.

Nhiều nơi họ rất dễ và tạo điều kiện nhưng có những nơi thủ tục rất mất thời gian thậm chí là gây khó dễ.

Chính vì thế chúng tôi chỉ mong muốn một điều duy nhất nếu các địa phương không tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi thì cũng đừng cản trở.

Tất cả vì con em chúng ta".

Học sinh vùng cao luôn cần đến sự giúp đỡ và động viên của xã hội (Ảnh: Vũ Ninh)
Học sinh vùng cao luôn cần đến sự giúp đỡ và động viên của xã hội (Ảnh: Vũ Ninh)

Chị N.T.L một cá nhân làm từ thiện lâu năm chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ:

"Tôi nhớ hồi đấy vào đợt mưa lũ trên Tây Bắc. Tôi có kêu gọi trên facebook từ bạn bè, người thân và các mạnh thường quân được một số tiền khoảng 30 triệu đồng.

Số tiền đấy chúng tôi mua nước mắm, mua giò làm ruốc mang lên một huyện vùng cao thuộc tỉnh Yên Bái.

Xe lên đến nơi huyện bắt giữ lại để kiểm tra giò ruốc bị lôi ra để mưa ẩm mốc hết cả. Nước mắm thì vương vãi, thất thoát. Mặc dù chúng tôi có nói ngọt nhạt, xin xỏ nhưng nhất quyết không cho mang vào.

Kết quả bà con thì vẫn cứ đói, xe đồ thì không được vào. Ai cũng ức đến phát khóc".

Trao quà không đúng cách chỉ khổ thầy cô

Cứ mỗi dịp đầu xuân, năm mới cô V.K.C cùng các thầy cô lại lên huyện "cõng" đồ từ thiện về trường.

Trường cấp 2 nơi cô công tác nằm các xa trung tâm huyện đến 40 km. Địa hình đồi núi đi lại rất khó khăn.

Đợt cao điểm các thầy cô phải mất 1 tuần đi xe máy ra huyện "cõng" đồ từ thiện về.

"Quà từ thiện trao không đúng cách chỉ khổ học sinh và giáo viên” ảnh 3Trao 41 suất quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Năm nay cô C. xin thẳng đơn vị từ thiện: “Các em cứ bàn giao tiền quyên góp cho nhà trường.

Chị cùng các thầy cô sẽ trực tiếp đi mua đồ sau đó có hóa đơn, biên bản đàng hoàng, chụp ảnh, quay video live stream trên facebook luôn.

Chứ như thế này chỉ cực các giáo viên phải bỏ dạy lên huyện đến 40km mà đồ còn thiếu lung tung”.

Theo cô C. lý giải sở dĩ các thầy cô muốn có quyền chủ động bởi 2 vấn đề:

Vấn đề thứ 1: Các đơn vị từ thiện trao tiền mặt hoặc liên hệ trực tiếp với nhà trường rồi gửi đồ lên như thế không phải thông qua bất cứ đơn vị trung gian nào.

Từ đó tiết kiệm được thời gian cũng như đảm bảo được sự minh bạch

Vấn đề thứ 2: Giúp các thầy cô tiết kiệm được công vận chuyển. Bởi như lẽ thường xe chở quà chỉ dừng lại ở huyện sau đó các trường muốn tính sao thì tính, vận chuyển kiểu gì thì vận chuyển:

"Có năm, một chuyến nào bánh chưng, nào giò chuyển lên. Xe dừng ở huyện, các thầy cô rồng rắn đi xe máy cõng đồ về.

Nhưng mỗi chuyến chỉ được khoảng vài chục kg mà đi nguyên hết một ngày.

Do vậy vài ngày chuyển không hết những đồ đấy mốc, hỏng vứt đi rất phí".

Năm nay tôi xin trực tiếp tiền quyên góp đặt gạo nếp, thịt, giò ở một cửa hàng uy tín của tỉnh. Người ta vận chuyển về trường cho. Các thầy cô chỉ việc thổi xôi, cắt giò cho học sinh ăn luôn. Vừa nóng ấm lại vừa minh bạch không lo bị cắt xén. Như mọi năm lôm côm lắm”.

Từ thiện đúng cách và hiệu quả sẽ mang đến nhiều lợi ích cho thầy cô, học sinh vùng cao (Ảnh: Vũ Ninh)
Từ thiện đúng cách và hiệu quả sẽ mang đến nhiều lợi ích cho thầy cô, học sinh vùng cao (Ảnh: Vũ Ninh)

Cô C. ghi  nhận tình cảm và tấm lòng của nhiều tổ chức từ thiện khi nghĩ đến học sinh vùng cao. Nhưng cô cũng mong các đơn vị nếu muốn quyên góp, từ thiện nên liên hệ với nhà trường để tìm hiểu nhu cầu của học sinh.

"Năm vừa rồi hết top này đến top khác mang quần áo, ủng lên tặng. Quần áo có những bộ rách cả cũng vơ vào rồi cả áo tắm…

Nhà trường luôn ghi nhận tấm lòng của các mạnh thường quân nhưng hy vọng các đơn vị nên tìm hiểu nhu cầu của học sinh địa phương để có thể tặng những món quà ý nghĩa và thiết thực".

Vũ Ninh