Quan điểm của thầy Khang về việc học sinh "xúc phạm" giáo viên trên Facebook

04/11/2018 05:38
Thùy Linh
(GDVN) - Theo thầy Khang, việc sửa lỗi cho học sinh là bổn phận của thầy cô giáo. Có nhiều cách giáo dục để học sinh nhận ra lỗi lầm và sửa lỗi để tiến bộ.

8 học sinh trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) nói xấu giáo viên trên group chat và giáo viên đọc được tin nhắn. Ngay sau đó, hiệu trưởng nhà trường đã ra quyết định kỷ luật học sinh. 

Theo đó, có 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường.

Quan điểm của thầy Khang về việc học sinh "xúc phạm" giáo viên trên Facebook ảnh 1Trường Nguyễn Trãi thu hồi quyết định kỷ luật 7 học sinh

Ngay sau đó, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi đã tiến hành thu hồi quyết định kỷ luật đối với các em học sinh có hành vi nói xấu, xúc phạm các thầy cô giáo.

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc tương tự trong công việc của nhà trường nơi mình quản lý, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng:

Ở trường nào cũng thường xuyên phải giải quyết những vi phạm nội quy của học sinh. Học sinh mắc lỗi rất nhiều, nhẹ có, nặng có. 

“Sửa lỗi cho học sinh là bổn phận của thầy cô giáo. Có nhiều cách giáo dục để học sinh nhận ra lỗi lầm và sửa lỗi để tiến bộ. Kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc hạnh kiểm, đuổi học có thời hạn...) là một biện pháp”, thầy Khang nhấn mạnh. 

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, việc sửa lỗi cho học sinh là bổn phận của thầy cô giáo. Có nhiều cách giáo dục để học sinh nhận ra lỗi lầm và sửa lỗi để tiến bộ. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, việc sửa lỗi cho học sinh là bổn phận của thầy cô giáo. Có nhiều cách giáo dục để học sinh nhận ra lỗi lầm và sửa lỗi để tiến bộ. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Vị hiệu trưởng này cũng nêu thêm, quy chế hiện nay của ngành giáo dục quy định cụ thể việc kỷ luật học sinh. Khi cần thiết các trường đều vận dụng rất cẩn thận với tinh thần “kỷ luật là một biện pháp giáo dục”. 

Tuy vậy, việc áp dụng kỷ luật không nên làm ngay, làm nhanh... Thông thường, để có kết quả tích cực, học sinh thật sự nhận ra lỗi và quyết tâm sửa lỗi, thầy cô giáo mất nhiều thời gian, công sức giảng giải, thuyết phục học sinh. 

Sau công việc này nhiều khi không cần áp dụng kỷ luật hoặc nếu cần thì mức kỷ luật cũng rất nhẹ. 

Tuy nhiên thầy Khang cũng chia sẻ rằng, khó nhất là trường hợp học sinh xúc phạm danh dự thầy cô giáo. Học sinh giận thầy cô, không tin vào thầy cô... dẫn đến có hành vi xúc phạm danh dự thầy cô của mình. Học sinh sai thì rõ rồi. 

Giáo dục bằng biện pháp thuyết phục học sinh được không? Ai làm việc này? 

“Tôi nghĩ, và trong thực tế, thầy cô giáo của những học sinh mắc lỗi này kìm nén một chút, kiên trì một chút để thuyết phục học sinh, rất có thể thành công... Thậm chí thành công bất ngờ, hơn cả sự mong đợi!

Dẫu sao nói thì dễ còn làm thì khó vô cùng nhưng tôi tin tưởng các thầy cô giáo ở trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi và hy vọng các em học sinh mắc lỗi lớn vừa rồi sớm chân thành xin lỗi các thầy cô giáo, sửa lỗi để thành người tử tế”, thầy Khang gửi gắm. 

Thùy Linh