Quy định về công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập

16/01/2013 00:00
Theo GD&TĐ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã ký Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/1/2013 quy định việc quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập.
Quyết định này áp dụng đối với công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập trong thời gian từ 6 tháng liên tục trở lên; Tổ chức cử hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn du học cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập; Cơ quan, tổ chức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài chịu trách nhiệm quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài.

Báo cáo TS công dân VN ra nước ngoài học tập hàng năm

Theo quy định này, Bộ GD&ĐT thực hiện tuyển sinh và cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng các nguồn kinh phí: Học bổng ngân sách nhà nước theo các đề án, dự án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Học bổng theo Hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam với nước ngoài hoặc với tổ chức quốc tế; Học bổng do Chính phủ nước ngoài các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoặc cá nhân tài trợ thông qua Chính phủ Việt Nam.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tuyển sinh và cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập bằng ngân sách nhà nước cấp sau khi có ý kiến thống nhất với Bộ GD&ĐT về số lượng, trình độ, ngành nghề cử đi học.
Cơ quan, tổ chức cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn du học và gửi công dân Việt Nam là lưu học sinh tự túc ra nước ngoài học tập thực hiện cử hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn du học và gửi công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập theo thỏa thuận bằng văn bản với người đi học thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Trước ngày 15/1 hằng năm, các đơn vị phải gửi báo cáo về việc tuyển sinh và cử công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập về Bộ GD&ĐT để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quản lý LHS bằng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử 
Theo quy định này, hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh do Bộ GD&ĐT xây dựng và quản lý. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh. Công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập thực hiện đăng ký thông tin lưu học sinh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh ngay sau khi đến nước ngoài học tập và cập nhật thông tin vào Hệ thống khi có sự thay đổi.
Bộ GD&ĐT xem xét việc công nhận tương đương văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp trên cơ sở thông tin do công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập đăng ký vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh.
Tổ chức chịu trách nhiệm quản lý lưu học sinh Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, tổ chức cử hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn du học và gửi người Việt Nam ra nước ngoài học tập có trách nhiệm đôn đốc lưu học sinh do mình quản lý, cử, gửi ra nước ngoài học tập thực hiện việc đăng ký thông tin lưu học sinh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh.
Cũng theo quy định này, sẽ có Quỹ hỗ trợ lưu học sinh. Đây là quỹ xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện nhằm hỗ trợ lưu học sinh học tập, nghiên cứu khoa học; khuyến khích lưu học sinh tham gia vào các hoạt động chung do Bộ GD&ĐT, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tổ chức; hỗ trợ lưu học sinh có cơ hội được học tập ở các cơ sở đào tạo có chất lượng cao; hỗ trợ khen thưởng và giải quyết rủi ro cho lưu học sinh.
Quỹ hỗ trợ lưu học sinh hình thành từ các nguồn: Đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài; Nguồn thu từ các hoạt động theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; Các nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ hỗ trợ lưu học sinh do Bộ GD&ĐT quản lý, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn nộp thuế, hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân và được mở tài khoản tại ngân hàng...
LHS vi phạm có thể bị ngừng cấp học bổng hoặc phải bồi hoàn học bổng
Lưu học sinh nếu lưu ban, không hoàn thành chương trình đào tạo của kỳ học, năm học theo yêu cầu của cơ sở đào tạo nước ngoài hoặc bị phía nước ngoài ngừng cấp học bổng thì trong thời gian lưu ban, thời gian phải học lại, thi lại sẽ không được hưởng học bổng của ngân sách nhà nước. Việc cấp tiếp học bổng nhà nước do người có thẩm quyền cử đi học nước ngoài quyết định sau khi lưu học sinh có kết quả các môn phải học lại, thi lại đạt yêu cầu hoặc được phía nước ngoài tiếp tục cấp học bổng.
Lưu học sinh học bổng phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo trong các trường hợp: Không tham gia khóa học khi đã đăng ký nhập học và đã được cấp kinh phí đào tạo; Tự ý bỏ học, thôi học trong thời gian được cử đi đào tạo; Không được cấp văn bằng, chứng nhận đã hoàn thành khóa học, trừ trường hợp bất khả kháng; Bị đuổi học hoặc trục xuất về nước; Bỏ việc hoặc tự ý thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian theo quy định hiện hành.
Theo GD&TĐ