Ra nước ngoài, giẫm chân người ta mà vẫn cứ… “thank you”

31/05/2018 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh ví von hài hước như vậy khi cho ý kiến góp ý sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học.

Trong buổi thảo luận tại tổ chiều 30/5, Đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh (đoàn Lạng Sơn) nói thẳng ba lo lắng của ông, đó là: Bệnh thành tích; Không chịu hội nhập; Quá nặng tư duy bao cấp.

Đề cập tới “bệnh thành tích”, ông Trần Sỹ Thanh nói thẳng: “Thực trạng hiện nay là ở nhiều nơi đang tồn tại hai sổ học bạ. Các đồng chí đi giám sát sẽ thấy có chuyện cháu nào học thêm thì điểm khác, không học thêm thì điểm khác.

Từ bệnh thành tích đẻ ra vô cùng nhiều các thứ bệnh khác trong giáo dục. Tôi nói thật với các đồng chí là dạy con em ta nói dối từ khi còn bé, làm sao mà ra một thế hệ công dân trung thực được?

Cái đầu tiên trong hội nhập quốc tế là sự trung thực thì lại không có, vậy làm sao ông đi đứng đàng hoàng được ở những chỗ đấy”.

Ông Trần Sỹ Thanh (giữa) nêu ra nhiều tồn tại trong hệ thống giáo dục hiện nay. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Trần Sỹ Thanh (giữa) nêu ra nhiều tồn tại trong hệ thống giáo dục hiện nay. ảnh: Ngọc Quang.

Vấn đề thứ hai mà ông Trần Sỹ Thanh nêu ra là Việt Nam không chịu hội nhập: “Đến bây giờ ở một khía cạnh nào đó thì chúng ta là công dân ASEAN, thế mà chúng ta chẳng hội nhập cái gì cả.

Đến bây giờ cán bộ của chúng ta bằng cấp cũng vẫn là A, B, C tiếng Anh. Ở trên thế giới có ai biết A, B, C của ta là cái gì không? Thế mà cứ A, B, C xét để bổ nhiệm đủ mọi thứ. Ra đến nước ngoài, giẫm chân người ta mà vẫn cứ thank you”.

Ra nước ngoài, giẫm chân người ta mà vẫn cứ… “thank you” ảnh 2

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Học phí và Giá dịch vụ đào tạo có nội hàm khác nhau

Theo ông Thanh, khi hội nhập thì phải chấp nhận cuộc chơi và chấp nhận để bên ngoài đánh giá về mình.

Tại sao lại đẻ ra ai đánh giá, rồi tự sinh ra chuyện xin cho, rồi đi thẩm định về chất lượng giáo dục đại học để cho cái trường đó đào tạo tiếp hay không?

Như vậy là lại đẻ ra một cái chuyện nhũng nhiễu nữa.

Cái đó phải do thị trường quyết định chứ, thị trường lao động quyết định chất lượng của trường đại học.

Anh học trường này có xin được vào chỗ này, chỗ kia, công ty này hay công ty kia không là do thị trường quyết định chứ không phải do ông đi thẩm định quyết định.

“Chúng ta phải nghiêm túc xem lại cách tiếp cận vấn đề. Tôi nói thật, bây giờ chúng ta có bao nhiêu cái đâu được người ta thừa nhận đâu. Bây giờ học xong từ cấp nọ sang cấp kia không ai thừa nhận, bắt học lại hết. Thế có phải lãng phí không?

Chúng ta phải nhìn căn cốt của vấn đề các bệnh để ứng xử, thay đổi lại cách tiếp cận, chứ cứ thế này thì chết. Lụi bại!”, ông Thanh nói.

Vấn đề thứ ba ông Trần Sỹ Thanh chỉ ra là hiện ở Việt Nam vẫn quá nặng về tư duy bao cấp, đặc biệt là trong giáo dục và văn hóa.

Ông Thanh phân tích: “Chúng ta đang được cấp một nguồn ngân sách rất lớn và theo thống kê của các tổ chức thế giới thì toàn xã hội chi cho giáo dục không dưới 20%. Ông nào bố trí dưới 20% là phải kỷ luật. Chi cho giáo dục thì nhiều, nhưng chi cho nghiên cứu khoa học thì rất ít.

Chúng ta chi rất nhiều cho giáo dục, nhưng đang là bao cấp tràn lan, cho tất cả những người giàu và người nghèo.

Đây là đánh giá của các tổ chức quốc tế, họ đưa ra các số liệu đàng hoàng. Đề nghị các ban soạn thảo lấy số liệu của tổ chức thế giới họ đánh giá ra mà xem chúng ta bao cấp tràn lan, bao cấp cho cả người có đủ điều kiện từ mầm non đến đại học là cách tiếp cận vấn đề sai.

Bây giờ nhà nước phải làm gì? Theo tôi, phải thay đổi phương pháp tiếp cận, thí dụ nhà nước đứng ra mua học bổng của các tổ chức đào tạo, kể cả là trường công hay tư.

Như vậy, ông nhà nước cũng phải tự đổi mới và ông tư nhân cũng được tham gia vào cuộc chơi này một cách rất sòng phẳng bằng việc nhà nước mua học bổng cho đối tượng cần, ví dụ như là toàn bộ người nghèo, toàn bộ gia đình chính sách, toàn bộ người yếu thế...”.

Bên cạnh đó, ông Trần Sỹ Thanh chỉ ra thêm một điểm bất hợp lý nữa trong chính sách cho sinh viên vay vốn đi học hiện nay là thông qua bảo lãnh của gia đình, trong khi đó mỗi sinh viên vào đại học 18 tuổi là đủ tư cách pháp nhân để tự chịu trách nhiệm.

Ở các nước, sinh viên vào đại học tự đứng ra vay tiền học, rồi đi làm để trả nợ và như vậy thì mỗi thanh niên đều phải có trách nhiệm với chính mình, tự đứng trên đôi chân của mình, tự lập từ rất sớm.

Trong khi đó ở Việt Nam đã triển khai tín dụng cho sinh viên nhưng lại lo sợ mất vốn nên vẫn cứ thông qua bảo lãnh của gia đình, làm như vậy thì sinh viên vẫn dựa dẫm, trách nhiệm trả nợ , khả năng tự lập, tự chịu trách nhiệm đều rất thấp. Việt Nam hiện nay đang làm ngược so với các nước phát triển.

Ngọc Quang