Raffles Hà Nội cam kết hoàn trả 100% kinh phí đào tạo trong 60 ngày

22/03/2012 09:47
Xuân Trung
(GDVN) - Chiều qua 21/3,  Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội đã họp lấy ý kiến phụ huynh, học sinh, sinh viên để giải quyết hậu quả TT này dừng đào tạo.
Cuộc họp giữa các bên được tiến hành từ cuối giờ chiều cho tới 21 giờ tối, nhiều ý kiến của phụ huynh, học sinh, sinh viên “chất vấn” và yêu cầu Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội phải giải quyết thỏa đáng các ý kiến đưa ra.

Buổi họp tập trung ở hai vấn đề lớn: Đó là việc sau khi bị chấm dứt các chương trình đào tạo ở Việt Nam, Raffles có hai phương án để giải quyết số học sinh, sinh viên đang theo học dở dang.

Theo đó, những sinh viên có nhu cầu học tiếp sẽ được Raffles chuyển tiếp tới các Trung tâm đào tạo tại nước ngoài, khuyến khích học tại Singapore và Úc, với các điều khoản ưu tiên như: Được miễn phí vé máy bay (một lượt), được nhận hỗ trợ tiền chi phí sinh hoạt 900 USD Mỹ/kỳ học (3 tháng/kỳ), nhà trường cam kết giữ nguyên mức học phí như tại Việt Nam.

Buổi họp giữa Raffles và phụ huynh học sinh vẫn chưa ngã ngũ việc giải quyết hậu quả Raffles bị dừng hoạt động. Ảnh Xuân Trung
Buổi họp giữa Raffles và phụ huynh học sinh vẫn chưa ngã ngũ việc giải quyết hậu quả Raffles bị dừng hoạt động. Ảnh Xuân Trung

Đối với những  người không có nhu cầu chuyển tiếp mà đang trong thời gian học tại Việt Nam ở bậc CĐ, ĐH sẽ được nhà trường hoàn trả 100% kinh phí đào tạo trong thời gian học trước đó, thời hạn được nhà trường cam kết hoàn trả là 60 ngày.
Thứ hai, đối với những sinh viên đã tốt nghiệp, được cấp bằng trước đó sẽ không được nhà trường hoàn trả lại kinh phí đào tạo. Lí do Raffles đưa ra là vẫn đang trong quá trình “thương thuyết” với Bộ GD&ĐT để công nhận giá trị của bằng cấp đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Trước những động thái này, nhiều phụ huynh, học sinh, sinh viên vẫn chưa yên tâm, chưa thỏa mãn và hai bên chưa thống nhất được một số vấn đề. Theo phản ánh, phía nhà trường trước đó chỉ cam kết bằng lời chứ chưa có động thái pháp lý.
Phụ huynh học sinh, sinh viên hội ý trước khi tiếp tục "chất vấn" lãnh đạo Raffles. Ảnh Xuân Trung
Phụ huynh học sinh, sinh viên hội ý trước khi tiếp tục "chất vấn" lãnh đạo Raffles. Ảnh Xuân Trung

Theo một phụ huynh của em Đặng Thị Hương Quỳnh cho biết: “Nhà trường cứ hứa  giải quyết trả lại tiền đào tạo, nhưng bằng miệng, thử hỏi sau này chúng tôi đi kêu ở đâu? Tại sao nhà trường không ký cho chúng tôi một cam kết, sau 60 ngày nếu nhà trường chưa trả được tiền thì ai chịu trách nhiệm? Chúng tôi cần văn bản bằng giấy trắng mực đen” vị phụ huynh này nghiêm khắc đề nghị.

Chị Nguyễn Hương Lan, học chuyên ngành Du lịch đã tốt nghiệp cuối năm 2009 và đã đi làm nhưng trong lòng vẫn canh cánh mối lo bị cho thôi việc giữa chừng, lí do bằng cấp của Raffles không có giá trị tại Việt Nam.

Chị Lan cho biết: “Chúng tôi rất muốn có bằng được công nhận giá trị tại Việt Nam, nhưng hiện tại bằng của trường Raffles không được công nhận nữa, có nghĩa là bằng của chúng tôi đang có là vô giá trị. Ông giám đốc Trung tâm Raffles nói rằng, bằng này vẫn được công nhận tại các nước khác. Tuy nhiên chúng tôi đâu phải ai cũng có tiền để ra nước ngoài làm việc. Hơn nữa, chúng tôi đến đây học để được có bằng đi làm việc, việc trường không được công nhận nữa tức là chúng tôi mất quyền lợi, bằng không còn giá trị, không giá trị thì không xin được việc” chị Lan cho biết.

Rất đông học sinh, sinh viên mệt mỏi ngồi chờ kết quả buổi làm việc nhưng đành thất vọng. Ảnh Xuân Trung
Rất đông học sinh, sinh viên mệt mỏi ngồi chờ kết quả buổi làm việc nhưng đành thất vọng. Ảnh Xuân Trung

Cùng bức xúc, chị Trần Bích Ngọc đã tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch cho biết, chị sẵn sàng trả lại tấm bằng đào tạo để lấy lại kinh phí đào tạo trong mấy năm trước đó. Lí do là bằng của Raffles hiện không còn giá trị tại Việt Nam nữa. “Bằng của chúng em sau khi học xong chỉ có dấu là “Trung tâm dạy nghề”, trong khi đó đóng tiền học phí như một trường đại học ở nước ngoài, em cũng không thể hiểu được bằng đó có giá trị như thế nào? Hơn nữa, em chấp nhận trong mấy năm đó là công cốc để lấy lại tiền kinh phí đào tạo” chị Ngọc thẳng thắn nói.

Được biết, từ khi Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội bị dừng hoạt động đào tạo, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp, đã có công việc ổn định đang đứng  trước bờ nghỉ việc vì phía tuyển dụng cho rằng bằng của Raffles không có giá trị. Tất cả những sinh viên này đều yêu cầu Raffles phải hoàn trả lại kinh phí đào tạo và họ sẵn sàng trả lại bằng mà Raffles đã cấp trước đó.

Trước sức ép, ông Alex Quah, Giám đốc Raffles Hà Nội phải "khất" nhiều câu hỏi. Ảnh Xuân Trung
Trước sức ép, ông Alex Quah, Giám đốc Raffles Hà Nội phải "khất" nhiều câu hỏi. Ảnh Xuân Trung

Theo chứng kiến của chúng tôi tại buổi họp chiều tối qua, sau khi lắng nghe ý kiến từ phía phụ huynh, học sinh, sinh viên, ông Alex Quah, Giám đốc Raffles Hà Nội trả lời xác nhận rằng:

Đối với sinh viên đã tốt nghiệp và đã được cấp bằng nhà trường không hoàn trả lại kinh phí đào tạo: “Chúng tôi đang trao đổi với Bộ GD&ĐT để công nhận giá trị bằng cấp này” ông  Alex Quah cho biết.
 
Ông Alex Quah cũng cho biết, đối với sinh viên của Raffles đang công tác với các vị trí làm việc khác nhau, theo thống kê chưa em nào được cho nghỉ việc về vấn đề bằng cấp. Trong trường hợp sinh viên gặp khó khăn khi đi xin việc hoặc bị nhà tuyển dụng từ chối và cơ quan đang công tác cho nghỉ việc thì nhà trường sẽ giải quyết tất cả việc đó.

Trước câu trả lời này, rất nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình và hai bên đi đến bản cam kết chung sẽ tiếp tục có buổi gặp sắp tới vào cuối tháng 3 để giải quyết các vấn đề chưa ngã ngũ.

Trước đó, ngày 15/3/2012 Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội không được khôi phục lại các chương trình đào tạo cấp Chứng chỉ 1,2 và 3 tại Việt Nam. Nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định xử phạt hành chính của thanh tra Bộ GDĐT.
Xuân Trung