Rèn học sinh “hư” qua góc nhìn của khoa học tâm lý

15/01/2014 09:38
Xuân Trung
(GDVN) - Nhân cách thế hệ trẻ nước ta đang giao thoa bởi ba hệ thống quy luật: Quy luật xây dựng con người mới, quy luật kinh tế thị trường, quy luật kinh tế tri thức.

Những sự giao thoa này thường chúng ta bắt gặp con em có những nét đáng yêu, vừa có những nét đáng nể, song lại có những cư xử khiến người lớn phải phiền lòng. Đó là những hành vi thể hiện cái tôi, thể hiện cái “oai” của người mới lớn, đó là những vụ bạo lực học đường, những vụ khiến cả xã hội lên án và lo lắng. Phải làm sao để “chinh phục” được những trái tim này? Ngành khoa học tâm lý giáo dục ra đời trong hoàn cảnh với nhiều khó khăn của tình trạng bạo lực trong và ngoài trường học, liên quan tới thế hệ trẻ.

GS. VS. Phạm Minh Hạc, một chuyên gia Tâm lý học đã cho rằng, nhu cầu tư vấn tâm lý ngày càng nhiều, chính vì vậy để đến lúc giải quyết một cách căn bản từ nhà đào tạo, các nhà tâm lý đã giúp các em xây dựng một văn hóa học đường thân thiện hơn, giải quyết các mối quan hệ con người với con người.

PGS. TS. Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng HV Quản lý Giáo dục cho biết, trước thách thức của tình trạng bạo lực học đường, những vấn đề tâm lý giới trẻ khó kiểm soát như hiện nay thì đưa tâm lý học đường vào trường học là điều cấp bách. Cùng với đó sẽ đưa hoạt động tâm lý nhà trường theo một động thái để vươn tới lý tưởng, xây dựng nhà trường hiệu quả, nhà trường tư duy, nhà trường thân thiện, nhà trường thông tuệ, coi nhà trường là tổ biết học hỏi. 

GS. VS. Phạm Minh Hạc lại cho rằng, chính khoa học tâm lý hình thành những giá trị và thái độ đúng đắn đối với các giá trị của người khác, của xã hội, trực tiếp đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội, được cộng đồng trọng dụng.

Nhà tâm lý Nguyễn Đức Thạc có cái nhìn khái quát về khoa học tâm lý trong việc dạy người, ông cho rằng áp dụng khoa học tâm lý đó là con đường dẫn đến thành công ở trí thức, đạo đức. Phải làm sao ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục là một định hướng xuyên suốt trong xây dựng cũng như triển khai tới từng cơ sở, từng nhà trường, từng giáo viên, từng cán bộ quản lý để tất cả với một mục đích là giáo dục học sinh thành người. 

Nhà giáo Nguyễn Đức Thạc đặc biệt coi trọng khoa học tâm lý giáo dục trong nhà trường. Ảnh Xuân Trung
Nhà giáo Nguyễn Đức Thạc đặc biệt coi trọng khoa học tâm lý giáo dục trong nhà trường. Ảnh Xuân Trung

TS. Nguyễn Văn Hòa, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay, chính khoa học giáo dục đóng vai trò như  là một thứ “kháng sinh”, giúp cho học sinh – những lứa tuổi học đường tránh được sự xâm hại của lối sống tiêu cực chống lại những cám dỗ. Tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, việc lồng ghép, vận dụng khoa học giáo dục để tìm hiểu thực tế, cho ra được những nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi để từ đó có phương pháp giáo dục đức, nhân sinh quan và thế giới quan khoa học được chuẩn xác hơn. Ngoài ra, khoa học giáo dục giúp học sinh hình thành những hành vi đạo đức, niềm tin, lối sống phù hợp với thời đại và với nền văn minh hiện đại nhằm xây dựng nhân cách con người mới. 

“Khoa học tâm lý được coi là các hoạt động giáo dục hàng đầu về giáo dục kỹ năng sống, tăng sức đề kháng trước sự tấn công của những luồng tư tưởng, lối sống tiêu cực, bảo đảm cho học sinh, mọi thanh thiếu niên đều trưởng thành theo đinh hướng nhân cách con người theo mục tiêu giáo dục” TS. Hòa cho biết.

Bên cạnh đó, khoa học không chỉ có việc dạy học sinh nhân cách trong trường mà còn xác định cha mẹ học sinh cũng là những người làm công tác giáo dục, bởi cha mẹ có hiểu về tâm lý giáo dục mới có sự đồng cảm, sự phối hợp tốt, hiệu quả trong việc nuôi dạy con cái.

Trao đổi với chúng tôi, nhà tư vấn tâm lý Đỗ Văn Giảng (Phòng Tâm lý học đường, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng) cho biết, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta bắt gặp nhiều hình thức ứng xử của học sinh khiến người lớn cũng phải “đỏ mặt”, xấu hổ, đó là lối ứng xử thiếu văn hóa. 

Lối ứng xử này thậm chí diễn ra ngay trong trường học - nơi được xem là “vùng an toàn” hay “khu vực cấm”. Việc nói tục chửi bậy đã thành câu “cửa miệng” của nhiều học sinh. Đó là những điều lo ngại trong việc giáo dục nhân cách, giáo dục nhân cách phải bắt đầu từ hành vi ứng xử. Việc học ứng xử trước hết phải từ gia đình, nhưng hiện nay có một điều đáng buồn là gia đình thường bỏ  qua những “phép tắc” này.

Để giáo dục các em bằng những biện pháp tâm lý giáo dục, trước hết thầy cô phải tỉ mỉ, kiên trì, phải hy sinh từ những giấc ngủ để lo lắng từ bữa ăn, giấc ngủ của học sinh. Chính sự tỉ mỉ, kiện trì này dần sẽ cảm hóa được các em, tạo cơ hội cho các em thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cũng khẳng định, muốn làm giáo dục có chất lượng cần phải nắm vững khoa học tâm lý. Bởi, “mọi việc làm đều có sự hỗ trợ của khoa tâm lý như một nội hàm một mạch nguồn bên trong”. 

Tâm lý học, giáo dục học phải đổi mới về nội dung

TS. Trần Duy Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây khẳng định, tâm lý học, giáo dục học và phương pháp dạy học bộ môn là những môn học đặc thù của trường  sư phạm. Có nhiệm vụ cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ, làm cơ sở hình thành năng lực, phẩm chất nghề nghiệp của người thầy tương lai.

Chính môn học này là điều khác biệt, điều đặc trưng của các trường sư phạm, do đó chất lượng giáo dục phụ thuộc vào chất lượng giảng dạy các môn khoa học nghiệp vụ. Bản thân tâm lý học, giáo dục học phải được đổi mới về nội dung, chương trình và phương pháp. Thực hiện điều này thì mỗi nhà giáo vừa là cán bộ giảng dạy phải là một nhà nghiên cứu về tâm lý giáo dục. 

Xuân Trung