Sách giáo khoa bị rập khuôn, nhồi nhét quá nhiều kiến thức

14/01/2013 15:00
(GDVN) - Trước tình trạng điểm 0 môn Sử trong các kỳ thi, cộng với việc nhiều học sinh không yêu thích môn Văn, đã khiến cho các nhà giáo dục nhìn ra vấn đề một phần là ở giáo trình SGK nhồi nhét quá nhiều kiến thức, nhưng lại bắt học sinh rập khuôn với các ý đã định. Trong khi những môn học trên, đáng lẽ có thể giúp học sinh có khả năng sáng tạo, tâm hồn nhân văn, cũng như những kiến thức xã hội vững vàng thì lại khiến thế hệ trẻ cảm thấy chán nản bởi sự buồn tẻ, lê thê của kiến thức “học vẹt”.
Được tổ chức vào hai ngày 5-6/1/2013 tại Huế, Hội thảo quốc gia về dạy học văn đã thừa nhận tình trạng đa số học sinh chối bỏ môn văn. Theo PGS. Đỗ Ngọc Thống - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chuyên trách về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015: “Trong những năm gần đây,100% học sinh THPT chỉ cần học văn để thi đỗ tốt nghiệp. Số lượng học sinh đăng ký học, thi ban xã hội và nhân văn ngày càng ít. Năm 2009, chỉ có 1,82% học sinh trung học ban xã hội - nhân văn”.
Còn theo kết quả của nhóm nghiên cứu Nguyễn Thúy Hồng, Trần Thị Kim Dung (Bộ GD-ĐT) ở 3 nhóm trường phổ thông với những điều kiện khác nhau cho thấy: 93% học sinh phải thường xuyên nghe giảng hoặc ghi chép, trong khi đó chỉ có 28,6%  giáo viên thừa nhận đang áp dụng phương pháp dạy học này. Bên cạnh đó, 36,5% học sinh cho biết được thường xuyên học thông qua thực hành gắn bó với tình huống giao tiếp cụ thể. Điều này cho thấy, các giáo viên vẫn áp dụng phương pháp đọc chép thông thường nhưng lại không dám… nói thật.
Cảm thụ văn học đem lại cho con người tri thức và khả năng nhận biết xã hội, ấy vậy mà từ trước tới nay, làm văn là phải đủ ý, phát triển thái quá là bị trừ điểm. Thậm chí, học sinh không cảm thấy thích thú với bài văn đó và đã viết thẳng vào bài thi học sinh giỏi văn, bị các thầy cô coi như trường hợp cá biệt. Song đáng lẽ, phải coi đó là sự cảnh báo về việc thẩm thấu tác phẩm văn học được thế hệ trước cho là hay, nhưng đến thế hệ trẻ ngày nay với hoàn cảnh cũng như nhận thức và quan trọng nhất là sự truyền đạt của người giáo viên không khiến học sinh hứng thú, sao lại cứ bắt các em nói dối. Trong khi thầy cô còn nhiều vấn đề không dám thừa nhận.
Chưa kể, trong các bài văn của học sinh lớp 3, tả về một người bố, bọn trẻ con chỉ biết nói bố làm nghề gì, còn bố mẹ có yêu công việc hay không, vất vả ra sao không phải lúc nào lũ trẻ cũng được biết. Ấy vậy nhưng cô giáo vẫn bắt rập khuôn rằng” bố rất yêu công việc của mình, mặc dù cực kỳ vất vả sau những giờ làm việc căng thẳng nhưng đến khuya bố vẫn thức làm tiếp”… trong khi, bọn trẻ chỉ thấy bố thức khuya… xem bóng đá.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Đã từ lâu, SGK nói chung và sách văn học nói riêng xa rời thực tế cuộc sống, bởi trong SGK lớp 1 vẫn còn chiếc cối xay lúa mà đến bây giờ, về tận quê, không phải nhà nào cũng còn “vật chứng lịch sử” này. Trong khi các em đã có thể bày tỏ quan điểm mạnh mẽ trên blog hay facebook và được nhiều người ủng hộ thì khi đến lớp, chúng vẫn phải vào khuôn khổ, theo duy nhất một quan điểm đã được định sẵn trong sách, có thầy cô đi kèm để lũ trẻ suy nghĩ “đúng hướng”.
Chuyện rèn giũa quan điểm không sai nhưng nếu chỉ giảng suông mà không có trao đổi qua lại, học sinh được bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề đó, bài văn đó, thì chỉ là sự áp đặt một chiều. Trong khi nếu giáo viên biết lắng nghe, nắn dần lại cách nghĩ sai và ủng hộ một lập luận mới, gắn liền với thực tiễn cuộc sống để các trò hiểu, thì mới có thể khuyến khích học sinh yêu thích môn học được coi là quan trọng số 1 này. Ngoài ra, yếu tố được nói, được tranh luận, bày tỏ này vừa đúng với lứa tuổi tâm lý các em muốn tìm hiểu và thể hiện mình, vừa giúp học sinh tự tin trong giao tiếp và hiểu các vấn đề xã hội.
Vấn đề SGK khi bị mổ xẻ ghê quá thì chính những giáo sư viết sách lại đổ tại chương trình giảng dạy đang có quy trình ngược là phụ thuộc vào SGK, trong khi thực tế phải ngược lại. Ngoài ra, GS. Phan Trọng Luận, Tổng chủ biên SGK môn ngữ văn cơ bản cấp THPT, đánh giá rằng trong quá trình viết SGK, còn có nhiều điểm chưa thống nhất, đang tranh cãi. Ví dụ, có quan điểm cho rằng ở phổ thông chỉ dạy văn bản mà thôi. Thế nhưng, nhiều người cho rằng phải dạy tác giả, nhưng lại nảy sinh vấn đề chọn những tác giả nào? Tác phẩm nào?... Ông cho rằng chính vì sự thật này mới có tình trạng như hiện nay, nội dung SGK có nhiều vấn đề khập khiễng, phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần.
Dù có tổ chức nhiều hội thảo đến mấy chăng nữa, tranh cãi có nảy lửa hơn, thì việc cần làm là đổi mới SGK thế nào vẫn chưa rõ ràng. Mới chỉ có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra thông điệp SGK không được độc quyền, các chuyên gia giáo dục kêu gọi đổi mới chương trình SGK, thế nhưng từ bấy đến nay, vẫn chưa có gì ngã ngũ. Lũ trẻ vẫn tiếp tục “học vẹt” và ấm ức vì những quan điểm không được phép bày tỏ. Sự chán ghét môn Văn, môn Sử, những môn chuyên ngành xã hội, rất cần thiết trong việc hình thành nhân cách, hiểu biết ứng xử của con người đang cho thấy một xã hội hỗn loạn, con chửi mẹ, bố giết con, nữ sinh xé áo bạn, nam sinh viên chém chết bạn… như hiện nay. Có thể nói, chưa lúc nào, xã hội lại phải gánh chịu hậu quả của giáo dục đi lạc đường nặng nề đến thế.