Sách giáo khoa hiện hành còn nhiều chi tiết về bất bình đẳng giới

01/04/2016 09:22
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 31/3, UNESCO tại Việt Nam thông báo về dự án "Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam".

Dự án "Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội bình đẳng hơn" được khởi động từ tháng 10/2015 do Bộ GD&ĐT và UNESCO xây dựng.

Dự án nhằm tăng cường việc thực hiện quyền của trẻ em gái và phụ nữ về giáo dục và loại bỏ những bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt tại gia đình, trường học và cộng đồng.

Đến nay, dự án đã xây dựng được các dự thảo kế hoạch hành động về bình đẳng giới cho ngành Giáo dục - Đào tạo, tài liệu khuyến nghị về tăng cường yếu tố bình đẳng giới và tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới và xóa bỏ định kiến giới trong chương trình sách giáo khoa…

Đại diện các cơ quan tại buổi gặp mặt báo chí (Ảnh: Thùy Linh)
Đại diện các cơ quan tại buổi gặp mặt báo chí (Ảnh: Thùy Linh)

Khẳng định vai trò của sách giáo khoa trong việc giáo dục và định hướng suy nghĩ của trẻ, bà Trần Phương Nhung, Giám đốc Chương trình về Giới của UNESCO chia sẻ: "Trong cuốn Tự nhiên xã hội lớp 1, hình vẽ đá bóng, chạy nhảy là các bạn nam, ngồi một góc hoặc quét dọn là bạn nữ. 

Trong tranh vẽ gia đình, người nghỉ ngơi, đọc báo là bố, còn dọn dẹp, nấu ăn là mẹ. Điều này tạo ra định kiến về giới tính trong nhận thức của học sinh, dẫn đến sự bất bình đẳng giới trong nhà trường, gia đình và xã hội".

Còn PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, giảng viên Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, sách giáo khoa hiện nay có quá nhiều các chi tiết về bất bình đẳng giới.

Ông đưa ví dụ, sách Ngữ văn lớp 10 có tới 2 đoạn nàng Kiều than thân, gây ra cái nhìn nặng nề, tăm tối về thân phận phụ nữ. Hình tượng Người con gái Nam Xương, Mị (Vợ chồng A Phủ), người đàn bà làng chài (Chiếc thuyền ngoài xa)... nói về số phận buồn, thể hiện sự bất công trong xã hội.

Ngoài ra, ca dao, tục ngữ trong chương trình học cũng đề cập nhiều số phận kém may mắn, đau khổ của người phụ nữ. 

Ông Trần Kim Tự, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) cho rằng: "Trong giáo dục, dù không hề có quan điểm nói về phân biệt giới và luôn tôn trọng bình đẳng giới, tuy nhiên, ở đâu đó, trong tình huống nào đó vẫn có những hình ảnh phân biệt hoặc bất bình đẳng".

Sẽ điều chỉnh bất bình đẳng giới trong chương trình sách giáo khoa mới

Theo bà Sun Lei, cán bộ phụ trách Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, dự án của UNESCO sẽ lồng ghép bình đẳng giới vào học và dạy, phát hiện và loại bỏ những định kiến và và khuôn mẫu giới khỏi chương trình và sách giáo khoa, giúp giải quyết vấn đề bạo lực dựa trên cơ sở giới và phân biệt đối xử trong trường học.

Bà Sun Lei, cán bộ phụ trách Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Thùy Linh)
Bà Sun Lei, cán bộ phụ trách Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Thùy Linh)

Ông Ngô Kim Khôi, đại diện Ban soạn thảo và Đổi mới Sách giáo khoa khẳng định, chương trình sách giáo khoa phổ thông sắp tới sẽ được lồng ghép và tăng cường yếu tố nhận thức giới, bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới tính.

Nằm trong Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh cho rằng, sắp tới, tỷ lệ nam - nữ xuất hiện trong cuốn sách giáo khoa sẽ cân bằng hơn, giảm thiểu suy nghĩ chỉ có nam giới mới làm những việc lớn. Việc này sẽ giúp tháo gỡ và giảm thiểu những sự bất công giới tính trong giáo dục.

Dự án “Sáng kiến Bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội bình đẳng hơn” gồm 3 hợp phần.

Hợp phần 1 là nâng cao năng lực quản lý của ngành Giáo dục - Đào tạo.

Hợp phần hai là: Lồng ghép giới trong xây dựng chương trình và sách giáo khoa cũng như trong thực tiễn giảng dạy.

Hợp phần ba là: Nâng cao nhận thức cho các em học sinh, các bậc cha mẹ học sinh, thành viên cộng đồng và truyền thông.

Thùy Linh