Sáng kiến kinh nghiệm chỉ tốn tiền dân, học trò cũng chả được gì

01/05/2015 06:35
Đỗ Quyên
(GDVN) - Đầu năm trước khi đăng kí đề tài để viết, một số giáo viên “dạo” vài vòng trên các kho sáng kiến trên mạng để tìm đề tài ưng ý.

LTS: Thêm một bài viết về những vấn đề giáo dục của cô giáo Đỗ Quyên, gửi từ một trường tiểu học ở Nam Trung Bộ đến tòa soạn.

Ở đây, cô giáo bày tỏ những mệt mỏi, chán nản của giáo viên cứ mỗi mùa thi sáng kiến kinh nghiệm cũng như bi hài chuyện "xào xáo" kinh nghiệm trên mạng hay chuyện chấm thi.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết này.

Cứ vào dịp này hàng năm, những giáo viên đăng kí chiến sĩ thi đua cơ sở từ mẫu giáo đến các trường trung học lại cuống cuồng “nhờ” google tìm kiếm giúp những sáng kiến kinh nghiệm cùng đề tài đã đăng kí để “xào xáo” lại thành kinh nghiệm của riêng mình mang nộp.

Phần lớn, giáo viên đều cảm thấy mệt mỏi, chán nản với cái gọi là “công trình khoa học” như thế này. Nhưng họ không thể không đăng kí đề tài để viết vì nhiều lý do: là ban giám hiệu phải làm gương, là đảng viên phải đầu tàu gương mẫu, là giáo viên cốt cán nên không thể chối từ… 

Nếu như việc dạy dù phải cực khổ, vất vả một chút nhưng có được niềm vui là sự tiến bộ của trò, thầy cô cũng vui lòng ráng sức. Nhưng phải làm một công việc mà biết chắc là vô ích, vô bổ nên ai cũng có tâm lý đối phó cho xong.

Bật mí chuyện viết sáng kiến kinh nghiệm của nhiều giáo viên

Đầu năm trước khi đăng kí đề tài để viết, một số giáo viên “dạo” vài vòng trên các kho sáng kiến trên mạng để tìm đề tài ưng ý. 

Khoảng đầu tháng 4, khi có lịch thu sáng kiến để chấm vòng sơ khảo, người làm siêng tải dăm bảy cái sáng kiến cùng đề tài về, cắt chỗ này một đoạn, mượn chỗ kia ít dòng, xào qua, xáo lại và hoàn chỉnh thành “kinh nghiệm” của mình. 

Người lười hơn “sao y bản chính” rồi mang nộp. Vì điều này, đã xảy ra nhiều chuyện nực cười khi hai giáo viên ở hai trường khác nhau lại có hai sáng kiến kinh nghiệm hoàn toàn giống nhau…

Phần lớn, giáo viên đều cảm thấy mệt mỏi, chán nản với cái gọi là “công trình khoa học”.
Phần lớn, giáo viên đều cảm thấy mệt mỏi, chán nản với cái gọi là “công trình khoa học”.

Bi hài chuyện chấm

Chuyện chấm sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên cũng bi hài không kém gì chuyện viết. Nếu ở cấp trường còn thành lập một hội đồng khoa học gồm ban giám hiệu, khối trưởng chuyên môn, chủ tịch công đoàn…cùng đọc và cho điểm độc lập và chia bình quân. 

Nhưng lên tới cấp huyện chỉ có một chuyên viên chấm gần cả trăm cái sáng kiến. Vì thế, không tránh khỏi tình cảm cá nhân, thiên vị hay yêu ghét…Thế mới có chuyện một giáo viên kể: “Cũng cái sáng kiến đó, năm này mình nộp chấm bị rớt, năm sau để nguyên nộp lên, chấm lại đậu…”.

Quy định viết sáng kiến để làm gì?

Nếu không phải người trong nghề có thể mọi người sẽ thắc mắc: Tại sao viết sáng kiến kinh nghiệm lại là vô bổ? kinh nghiệm của mình được đúc kết trong quá trình giảng dạy sao lại có chuyện khó viết mà phải tải trên mạng? 

Xin thưa: Năm nào cũng viết thì lấy đâu ra nhiều sáng kiến đến thế? Những người làm trong các lĩnh vực khác, cả đời họ tích lũy kinh nghiệm và viết ra được một sáng kiến đã là quý rồi. 

Chính vì thế, những sáng kiến này đã đem lại biết bao lợi ích cho đời. Còn giáo viên, người nhiều cũng ngót vài chục cái sáng kiến trong cuộc đời đi dạy nhưng trong số đó, sử dụng được bao nhiêu?

Đầu năm, giáo viên đăng kí đề tài để viết, một huyện thị một năm cũng phải có tới vài trăm cái sáng kiến. Lập hội đồng xét duyệt từ cấp trường đến cấp huyện. 

Giáo viên đăng kí đề tài để viết, một huyện thị một năm cũng phải có tới vài trăm cái sáng kiến.
Giáo viên đăng kí đề tài để viết, một huyện thị một năm cũng phải có tới vài trăm cái sáng kiến.

Những sáng kiến kinh nghiệm đạt từ loại C trở lên là đậu đồng nghĩa với việc giáo viên đó có cơ hội rất lớn đạt chiến sĩ thi đua cơ sở của năm. Những giáo viên khác dù trong năm làm việc nhiệt tình ra sao, dạy dỗ học sinh tốt như thế nào, hay đạt được nhiều thành tích nổi trội nhưng sáng kiến kinh nghiệm không đạt cũng trượt luôn danh hiệu chiến sĩ thi đua. 

Sáng kiến kinh nghiệm chỉ để xét danh hiệu thi đua của giáo viên chứ hoàn toàn không có ích lợi gì cho việc học của các em học sinh.

Những sáng kiến kinh nghiệm bị loại, bỏ đi đã đành, những sáng kiến đạt giải từ loại C đến loại A ở cấp cao hơn cũng cùng chung số phận “nằm chơi im lìm” trong tủ thay vì phải đưa ra phổ biến công khai để mọi người học tập.

Nên chăng việc duy trì viết sáng kiến?

Việc quy định viết sáng kiến kinh nghiệm trong giáo viên gây nên áp lực lớn cho thầy cô giáo mà hoàn toàn không có lợi gì cho sự tiến bộ của học sinh.

Ngành giáo dục còn mất một khoản kinh phí chi bồi dưỡng cho những người chấm.

Đã đến lúc cần mạnh dạn dẹp bỏ những quy định không đem lại ích lợi gì cho việc dạy và học của cả thầy và trò.

Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan ngênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.

Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.

Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền.

Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!

Đỗ Quyên