Sau Tấm Cám, VN sẽ sửa đoạn kết của… thần thoại Hy Lạp?

09/11/2011 07:29
Thu Hòe - Bích Thảo
(GDVN) -  “Nếu đâu cũng như Việt Nam, có lẽ cả hệ thống thần thoại Hy Lạp đồ sộ được thế giới ngưỡng mộ cũng phải mang ra để sửa đổi mất.”

GS. TS Nguyễn Xuân Kính: Cái kết mới không thành công…

Đó là quan điểm của Giáo sư Nguyễn Xuân Kính – Giám đốc Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Xuân Kính nhận định dưới góc độ học thuật: “Việc thay đổi đoạn kết câu chuyện Tấm Cám là không nên. Vì những gì đã thuộc về văn học dân gian, về giá trị lịch sử thì không ai được phép sửa chữa nó. Chúng ta phải biết tôn trọng lịch sử mà tổ tiên ta để lại. Sửa chữa hay làm sai lệch những giá trị dân gian là việc làm có tội với lịch sử…”

Các nhà giáo dục đương đại mấy chục năm gần đây lại cho rằng nên thay đổi vì hình ảnh cô Tấm quá ác, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ. Các nhà biên soạn sách muốn thay đổi và cho câu chuyện Tấm Cám một cái kết nhân hậu hơn. Tư tưởng đó không có gì sai nhưng cách làm lại không đem lại hiệu quả.

Theo như lý giải của Giám đốc Viện Nghiên cứu văn hóa: “Câu chuyện Tấm Cám nguyên bản với cái kết mụ dì ghẻ ăn hết lọ nước mắm và phát hiện cái đầu lâu ở đáy lọ là của con mình đã vỡ tim lăn ra chết và cái kết mới với chi tiết Tấm sai quân hầu đào hố và đun một nồi nước sôi, bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố, Cám chết, mụ dì ghẻ thấy thế cũng lăn ra chết… không có sự thay đổi về tính chất. Đây là sự thay đổi không thành công.

Nếu nói về mức độ tàn nhẫn và độc ác thì cái kết mới so với cái kết ban đầu của câu chuyện là như nhau. Cái kết sau cũng tàn nhẫn không kém gì cái kết cũ, cũng vẫn là chuyện Tấm báo thù và mẹ con Cám phải chết tức tưởi… Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng là người đọc không thấy được hả hê cõi lòng khi thấy cái ác không bị trừng trị một cách thích đáng nhất.

Như vậy, hiệu quả thay đổi mà các nhà biên soạn muốn hướng đến đã không thể đạt được dù đã bỏ dụng công tìm tòi, thay đổi với tinh thần thiện chí…"

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Xác định rõ đối tượng tiếp nhận tác phẩm

“Hãy để nguyên bản gốc, còn nếu phải lựa chọn giữa bản sửa và việc có hay không duy trì câu chuyện này trong chương trình ở các bậc học, tôi thà chấp nhận bỏ đi còn hơn là phải tiếp nhận một tác phẩm đã bị nhào nặn, thay đổi…”, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà phê bình văn học nghệ thuật, giảng viên bộ môn Văn hóa học Việt Nam khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN cho biết quan điểm của mình.

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái

“Không ai đi chỉnh sửa và cũng không ai có quyền thay đổi một thể loại văn học đã được hình thành trong dân gian, phi tác giả, phi văn bản và được truyền miệng… Chuyện cổ tích bao giờ người ta cũng chấp nhận theo những cách của nó. Đó là giải quyết tất cả những vấn đề xã hội theo một quan điểm bình dân của dân chúng và ảnh hướng lớn từ tinh thần của phật giáo.

Cái tư tưởng xuyên suốt nhất trong cả câu chuyện Tấm Cám đó là triết lý “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “gieo nhân nào gặp quả ấy”, mang tính răn đe, giáo dục con người. Bao đời nay, nhân dân ta vẫn cảm, bình và lấy đó làm mực thước trong cuộc sống.

Vậy hà cớ gì, những con người đương đại như chúng ta lại phải mất công đi chỉnh sửa, thay đổi những cái đã tồn tại, được nhân dân từ đời này sang đời khác công nhận, coi là chuẩn mực… Tôi thật sự không hiểu!”, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.

Từng dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về sân khấu, văn học nghệ thuật, văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: “Chuyện cổ tích Tấm Cám là quan niệm, cách hành xử, ước mơ… của nhân dân ta thời bấy giờ, cái thời mà chưa có chữ viết, chưa có văn học thành văn. Câu chuyện này cũng như bao câu chuyện cổ tích khác và càng không có gì là “ghê gớm” so với tất cả những câu chuyện cổ tích ở giữa cuộc đời và cuộc sống hiện đại này.

Mấu chốt vấn đề là làm sao cho trẻ con cảm nhận và hiểu được cái tư tưởng xuyên suốt, căn nguyên nhất mà câu chuyện muốn truyền tải.

Những nhà giáo dục cũng cần có cái nhìn thấu đáo hơn. Không phải bất cứ thể loại văn học nào khi đưa vào giảng dạy, đối tượng học sinh nào cũng có thể tiếp nhận và hiểu được.

Do đó, việc xác định rõ đối tượng tiếp nhận các loại hình văn học trong giảng dạy là vô cùng quan trọng. Nếu đối tượng học sinh cấp 1 chưa có thể hiểu biết được, chúng ta hãy chuyển lên đối tượng học sinh cấp 2 và thậm chí là cấp 3, ĐH. Cũng không hà cớ gì, chúng ta phải mất quá nhiều thời giảng giải hay đi tìm một giải pháp tình thế nào đó như việc chỉnh sửa lại tác phẩm.

Thay bằng chỉnh sửa lại đoạn kết của câu chuyện hãy tập trung xác định rõ đối tượng tiếp nhận tác phẩm văn học trong giảng dạy ở nhà trường thì sẽ có hiệu quả hơn…”

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết thêm: “Nếu ở đâu cũng như Việt Nam, có lẽ hàng vạn câu chuyện cổ tích, thần thoại của thế giới đều phải mang ra chỉnh sửa, thay đổi lại đoạn kết, đơn giản như triết lý về thiên đàng và địa ngục, nội dung của những câu chuyện cổ tích, thần thoại Hy Lạp… Chúng ta đừng áp đặt điều thô thiển, phi lý đó vào với những tác phẩm văn học chân chính đã được nhân dân công nhận.”

GS. TS Ngô Đức Thịnh: Tấm là hiện thân cho cái thiện trừng phạt cái ác

GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, đưa ra nhận định: “Cái kết của câu chuyện Tấm Cám là một sự trừng phạt thích đáng cho kẻ độc ác. Theo quan niệm của dân gian người gây ra các ác sẽ phải chịu sự quả báo thích đáng. Quan điểm này đã thành triết lí bao đời nay, là chân lí để răn dạy con người.

GS. TS Ngô Đức Thịnh
GS. TS Ngô Đức Thịnh

Khi thay đổi cái kết đã đi sâu vào tiềm thức của dân tộc nghĩa là chúng ta đang nhìn về lịch sử bằng cách nhìn, cách nghĩ của người đương đại. Việc làm đó là có lỗi với lịch sử, với tổ tiên ta. Dân gian có những cách suy nghĩ về cuộc sống, con người khác hiện nay. Điều quan trọng là chúng ta cần cắt nghĩa ý nghĩa câu chuyện đó như thế nào chứ không phải “đạo” nội dung như vậy.

Điều quan trọng là chúng ta bình, cảm như thế nào đối với câu chuyện trong xã hội hiện đại này để nó phù hợp và gắn kết được tinh thần nhân văn muốn truyền đạt của cha ông ta. Thay vì sửa chữa hãy tập trung “cắt nghĩa” sao cho đúng chủ nghĩa nhân văn của câu chuyện”.

“Không nhất thiết phải sửa chữa đoạn kết của câu chuyện bởi đó là điểm cao trào, điểm nhấn của cả câu chuyện cảm động này.

Đoạn kết cũ của câu chuyện vẫn mang tính giáo dục và tinh thần hướng thiện. Đó không phải là sự trả thù dã man của cô Tấm mà đó là triết lý về “gieo nhân nào gặp quả ấy”, sự “quả báo”, “trả đũa”… Từ trước đến giờ trong tư duy của chúng ta cô Tấm vẫn luôn là hiện thân của cái thiện thắng ác – GS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.

Thu Hòe - Bích Thảo