Sau gian lận ở Đồi Ngô, không thể tiếp tục sống trong dối trá

29/06/2012 06:03
Độc giả Nguyễn Thanh Hải
(GDVN) - "Tôi không thể tiếp tục sống trong dối trá, những thầy cô không thể đánh mất mình bằng việc giáo dục học trò bằng những thành tích, điểm số “không có thật”. Tôi vẫn tâm huyết và tin ở phong trào “Hai không”, cứ thà một lần đau còn hơn sống trong dối trá…".
LTS: Clip gian lận thi cử ở Trường THPT Đồi Ngô đang dần lắng xuống, những người sai phạm sẽ chịu hình phạt thích đáng. Tuy nhiên, qua vụ việc này, nhiều người hoài nghi về chất lượng giáo dục, về hệ thống và những người quản lý giáo dục. Đã có nhiều trăn trở, suy ngẫm liệu rằng chỉ có một Đồi Ngô hay những năm sau sẽ có nhiều Đồi Ngô khác nữa? Lo lắng về chất lượng người dạy, người học…
Không ít độc giả thực sự tâm huyết gửi đến báo những bức tâm thư bày tỏ nỗi niềm cũng như hiến kế để hạn chế tiêu cực, thành tích trong giáo dục. Trong đó, độc giả Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn nói rằng thật đáng xấu hổ nếu người Việt cứ tiếp tục sống trong dối trá mà không biết “chịu đau” để thực hiện phong trào “Hai không”.

Chúng ta không thể tiếp tục sống trong dối trá

Phong trào “Hai không” – “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là hai mục tiêu lớn trong năm học 2006-2007 mà Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát động. Nhờ vụ việc nhà giáo Đỗ Việt Khoa phanh phui, tố cáo lãnh đạo, học sinh Trường THPT Phú Xuyên A đã có hành vi gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2006. 

Từ năm 2006, phong trào “Hai không” thực sự như bước đột phá và giúp chất lượng giáo dục thực chất hơn, trong sạch hơn. Thực tế, Hai không được đông đảo những người làm giáo dục đồng tình, người dân ủng hộ và phong trào chống tiêu cực nở rộ ở khắp các tỉnh, khắp cả nước.

Bằng chứng là năm 2007, giám thị Lê Đình Hoàng đưa những đoạn video "loạn thi" ở trường PTTH Nam Đàn 2 lên trên mạng; Hai thanh tra giáo dục Trần Hoài Nam và Dương Hoàng Anh bắt quả tang nhóm người đang sao, in giải đề thi tại phòng y tế của hội đồng thi Trung tâm GDTX huyện Lương Tài-Bắc Ninh, rồi gần đây là hàng loạt clip quay cóp, giáo viên giải đề “ném” phao cho học sinh ở THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang…
Vụ gian lận trong thi cử ở Đồi Ngô khiến nhiều người lo lắng, hoài nghi về "Hai không", về chất lượng dạy và học ở nước ta.
Vụ gian lận trong thi cử ở Đồi Ngô khiến nhiều người lo lắng, hoài nghi về "Hai không", về chất lượng dạy và học ở nước ta.
Và từ những năm đầu thực hiện, hiệu quả tác động của phong trào ấy không nhỏ. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm học 2006 - 2007 chỉ là 67,5 % trong khi đó năm 2005 – 2006 là 92%. Điều ấy chứng tỏ, “Hai không” và Bộ GD vào cuộc thắt chặt hơn, mạnh tay hơn, 1 năm thực hiện chống tiêu cực, con số đỗ tốt nghiệp giảm tới gần 30%. Chất lượng giáo dục được đánh giá thực chất hơn. 

Cụ thể, nhìn vào tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp của cả nước tăng dần theo các năm: năm 2007: 67,5%, năm 2008: 75,96%, năm 2009: 80%, năm 2010: 95,72%, năm 2011: 95% và năm nay thì gần như tột bậc: 97,63%, thậm chí tỉnh Nghệ An tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là hơn 99%. Đó là con số đáng mừng hay đáng buồn cho nền giáo dục Việt Nam? Nhiều người không lấy đó là mừng rỡ khi con số đỗ tốt nghiệp gần chạm mức 100%. Không ít người tâm huyết với giáo dục sẽ suy nghĩ, trăn trở về thực chất giảng dạy, học đi về đâu? “Hai không” liệu có phải là hình thức?

Nhưng cần nhìn nhận rằng, phong trào “Hai không” đồng nghĩa với việc học sinh “trượt” nhiều và Trường, Sở cho đến Bộ GD& ĐT phải “chấp nhận” kết quả lẹt đẹt đấy. Liệu rằng, con người có “vừa lòng” với điều đó không? Thiết nghĩ, thà một lần đau để nhìn lại sự thật, còn hơn đau suốt đời, rối tiếp tục sống trong dối trá. Dối trá đến bao giờ, đến khi nào?

Tỷ lệ thi tốt nghiệp cao “ngất ngưỡng” là đáng tự hào hay đáng xấu hổ vì có thể đó là dối trá. Tôi vẫn tin những người giáo viên không muốn tiếp tục tiếp tay cho thói dối trá hay dạy những cô cậu học trò – thế hệ tương lai của đất nước biết dối trá để thích nghi với xã hội? Tôi và nhiều giáo viên không muốn người Việt sống trong dối trá, không lấy dối trá để dạy học sinh. Tôi tin rằng nhiều thầy cô vẫn còn tâm huyết với Hai không.

Vẫn tâm huyết với “Hai không”

Nhiều người nói với tôi rằng phong trào “Hai không” đã bị dập tắt khi con số tốt nghiệp đạt gần đến con số 100 % tròn trĩnh. Suy nghĩ chống tiêu cực, thành tích chỉ là cái “phong trào miệng” là cái mang tính hình thức, sẽ chẳng thay đổi được gì thực trạng chất lượng giáo dục hiện nay đang trở thành lối mòn, cố hữu của nhiều người. Vì sao lại như thế? Bởi người dân không còn tin vào “Hai không”, tin vào hệ thống cải cách giáo dục…Bởi, giáo dục phải đi từ gốc, từ những việc nhỏ nhất, từ chính người dạy. Muốn cải thiện tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, tại sao không giảm tải chương trình học? Tại sao một đứa trẻ lớp 1 phải “cõng” quá nhiều sách vở đến trường, hay “chạy ca” học thêm thầy này, cô nọ? Tất cả vì cái gì?
“Hai không” được mọi người hưởng ứng. Vì sao ư? Vì nó khiến nền giáo dục trong sạch hơn. Vì hơn ai hết những người đứng trên bục giảng đều mong muốn họ được tôn trọng, được tự hào. Nhưng cần phải thực hiện triệt để, mạnh mẽ chứ không phải hời hợt, sáo rỗng, hình thức. 
Tôi tin chắc rằng, các giáo viên đều mong muốn có sự thay đổi từ hệ thống, cơ chế giáo dục để họ không phải chạy theo thành tích, theo chỉ tiêu con số đỗ tốt nghiệp…Để rồi họ thấy xấu hổ vì chính họ đang khiến chính mình tiêu cực, dối trá… Một giáo viên thắc mắc rằng: Mặt bằng chung của học sinh thành phố và nông thôn, miền núi là khác nhau, ngay cả trình độ nhận thức… Vậy liệu có công bằng không khi xét các em trên cùng một chiếc cân?
Phải nhìn nhận rằng quá trình dạy học ở mỗi vùng là khác nhau về trình độ giáo viên, sức học của học sinh cũng như điều kiện hoàn cảnh…Nếu cứ nghĩ rằng tỷ lệ đỗ là như nhau, cần phải đạt con số này, kia thì tôi chắc rằng những năm sau vẫn sẽ xuất hiện clip như ở Đồi Ngô và người Việt tiếp tục gian dối.
Phải chăng, cần phải phân tách vùng miền chứ không thể đại trà để đánh giá. Học sinh nông thôn, ở vùng sâu vùng xa không thể có trình độ như học sinh thành phố được. Vậy nên chăng kỳ thi tốt nghiệp cần được có nhiều đề phù hợp với điều kiện học tập của vùng miền đó?
“Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội” (đề văn tốt nghiệp 2012). Vậy, liệu có phải đạo đức của những người làm giáo dục, những người dạy đạo đức cũng đang dần bị suy thoái khi chúng ta chấp nhận những chuyện quay cóp, gian lận trong thi cử là việc bình thường, là tất nhiên và là “tình thương cho học trò”?.
Vâng, tôi vẫn còn tin và tâm huyết với “Hai không” -“Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”…

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Người chống gian lận thi cử ở Bắc Giang bị xỉ vả: "Mày ác quá"!

TS.Tâm lý Kim Quý:HS quay clip gian lận thi có thể bị sốc, trầm cảm...

"Trường THPT DL Đồi Ngô đang tiếp tay đầu độc thế hệ tương lai"

Bộ Giáo dục có dám thử cho trường Đồi Ngô thi lại không?

Những sai phạm nghiêm trọng của Hội đồng thi trường THPT DL Đồi Ngô

6 giáo viên trường Đồi Ngô bị sa thải, có đáng không?

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Nguyễn Thanh Hải