Sinh viên ASEAN chia sẻ thách thức và cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0

17/08/2018 07:13
An Nguyên
(GDVN) - Sinh viên đến từ các trường Đại học trong khối ASEAN đã cùng chia sẻ những cơ hội phát triển nghề nghiệp trên trường quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.

Ngày 16/8, tại Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Hiệp hội hành trình đến ASEAN (viết tắt là Hiệp hội P2A) với sự tham gia của hơn 100 sinh viên đến từ các trường đại học của các nước trong khối ASEAN đã triển khai chương trình hành động năm 2018.

Chủ đề của chương trình năm nay là: “khám phá tương lai ngay bây giờ và chuẩn bị sẵn sàng cho Đô thị thông minh và Cách mạng Công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho sinh viên ASEAN”.

Sinh viên đến từ các trường Đại học trong khối ASEAN cùng chia sẻ về những thách thức và cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0. Ảnh: AN
Sinh viên đến từ các trường Đại học trong khối ASEAN cùng chia sẻ về những thách thức và cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0. Ảnh: AN

Mạng lưới P2A được thành lập chính thức vào tháng 6/2012 bởi Đại học Rangsit (Thái Lan), Đại học Duy Tân (Việt Nam), Đại học Norton (Campuchia) và Viện Khoa học Máy Tính Myanmar và Đại học Quốc Gia Lào (Lào).

P2A là một mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trong khối ASEAN được định hướng theo phương châm: Một Tầm Nhìn, Một Bản sắc và Một Cộng Đồng.

Từ tháng 7/2016, mạng lưới P2A đã được nâng cấp thành Hiệp hội. Đến nay Hiệp hội P2A đã tăng từ 5 lên 81 thành viên, kết nối trên một triệu sinh viên của 9 nước thành viên ASEAN.

Tuần lễ giao lưu sinh viên Việt – Hàn tại Đà Nẵng

Hiện tại, có 7 trường Đại học của Việt Nam là thành viên chính thức của P2A gồm: trường Đại học Duy Tân,Trường Đại học Văn Lang, trường Đại học FPT;

Trường Đại học Vũng Tàu, trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, trường Đại học Kinh tế - Luật thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

P2A đã tổ chức thành công nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị thường niên của các thành viên P2A lần thứ 4 tại thành phố Đà Nẵng, đón tiếp và tổ chức nhiều đợt giao lưu văn hóa giữa sinh viên Đại học Duy Tân và sinh viên các nước ASEAN.

Tổ chức các chuyến hành trình P2A để đưa sinh viên trong nước đi tham gia khám phá và giao lưu tại các trường Đại học trong ASEAN.

Thông qua đó, giúp sinh viên tăng cường hiểu biết về văn hóa, trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng, trang bị kiến thức thực tiễn và rèn luyện kỹ năng mềm để chủ động hội nhập trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Đại diện Ban tổ chức cho biết, P2A đã mở rộng và ngày có nhiều trường đại học, cao đẳng tham gia nhằm gắn kết, hỗ trợ, tăng cường tìm hiểu và giao lưu văn hóa, phong tục, tập quán… của các nước.

Xây dựng mạng lưới nhân tài về cách mạng 4.0

Đồng thời, bước đầu tạo điều kiện cho việc tiến tới hợp tác ở một số lĩnh vực, trong đó có đào tạo và nghiên cứu.

“P2A đồng thuận sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Anh và tiến tới công nhận chương trình đào tạo, bằng cấp tốt nghiệp giữa các nước trong khu vực để hỗ trợ việc luân chuyển lao động, tạo việc làm cho sinh viên ngay khi tốt nghiệp”, vị đại diện này cho hay.

Với một tầm nhìn, một sứ mệnh, một mục tiêu chung là tạo lập một mô hình hoạt động mới, qua đó nâng cao hiệu quả học tập, phát triển kiến thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết của sinh viên trong các nước ASEAN. 

Tại buổi lễ khai mạc, sinh viên các trường Đại học trong ASEAN đã chia sẻ cơ hội phát triển nghề nghiệp trên trường quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão.

An Nguyên