Sinh viên Sài Gòn muốn phổ biến “kỹ năng thoát hiểm” sau vụ cháy 13 người chết

28/03/2018 06:53
Phương Linh
(GDVN) - Sinh viên Trương Nhựt Cường, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đề xuất nên phổ biến “kỹ năng thoát hiểm”, sau khi vụ cháy chung cư Carina xảy ra.

Ngày 27/3, Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp gỡ với hơn 150 sinh viên tiêu biểu các lĩnh vực toàn thành phố. Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì buổi gặp gỡ này.

Sau vụ cháy chung cư Carina ở quận 8 làm 13 người chết, hàng chục người khác bị thương, em Trương Nhựt Cường – Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, nên tuyên truyền các biện pháp phòng nhiều hơn nữa, còn hơn là chữa.

Cường đề xuất, nên đưa chương trình dạy kỹ năng phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm trong các đám cháy đến gần hơn với sinh viên, học sinh của thành phố.

Sinh viên tiêu biểu phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Sinh viên tiêu biểu phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Trương Nhựt Cường đề nghị rằng, các tài liệu này cần được biên soạn thành các tài liệu chính thức, trở thành một môn học bắt buộc trong nhà trường. Sinh viên đại học sẽ là những hướng dẫn viên tình nguyện đến các địa bàn, trường để tuyên truyền các kiến thức này.

Em Nguyễn Thanh Huy (sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng) thì lại bày tỏ lo ngại của mình, đến vấn đề hiện có khoảng 50% sinh viên không thể giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh, và Huy cho rằng đó là vấn đề đáng báo động.

“Vì thế, em nghĩ chúng ta cần nhập giáo trình, phương pháp giảng dạy tiếng Anh từ các nước tiên tiến trên thế giới về, để dạy cho sinh viên Việt Nam. Có như thế thì mới mong cải thiện được trình độ ngoại ngữ của mọi người” – Huy nêu mong muốn của mình.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và sinh viên tiêu biểu ngày 27/3 (ảnh: P.L)
Toàn cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và sinh viên tiêu biểu ngày 27/3 (ảnh: P.L)

Các sinh viên tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh còn đề cập đến các vấn đề thiết thực, nhằm xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, như: Xây dựng quán cà phê hay website chuyên về khởi nghiệp, về giao thông trong đô thị thông minh, lập cơ sở quản lý dữ liệu y tế cho từng người…

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành lần lượt trả lời ý kiến của các sinh viên tiêu biểu, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định rằng, thành phố sẽ luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện để sinh viên thỏa sức suy nghĩ, sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, các ý kiến mà sinh viên nêu ra là rất sâu sắc, có trách nhiệm, nắm rất rõ sự chuyển mình của thành phố, sẵn sàng tham gia đóng góp, hiến kế để thành phố phát triển ngày càng bền vững hơn.

Hiện thành phố đang đặt ra mục tiêu trở thành một trong nhóm 10 thành phố trên toàn cầu, xây dựng đô thị thông minh, thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Do đó, người đứng đầu chính quyền thành phố đã kêu gọi sinh viên đóng góp ý tưởng sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực, nhất là việc xây dựng khu đô thị sáng tạo, thành phố thông minh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ: Thành phố sẽ đồng hành cùng với sinh viên trong học tập, lao động.

“Rất mong các bạn có thêm ý tưởng, nỗ lực để hiện thực hóa nó, nỗ lực học tập, tiếp cận và làm chủ tri thức mới” – ông Nguyễn Thành Phong kết luận.

Phương Linh